72 tuổi, tôi chẳng còn biết mình sẽ cố gắng được bao lâu nữa, có thể xây được nhà thờ trước khi đau ốm, bệnh tật hay không nhưng vẫn muốn gom góp thêm chút ít rồi về quê sống những ngày cuối đời.
Tôi năm nay 72 tuổi. Ngày còn trẻ, tôi là chị cả nên dành hết thời gian, tâm huyết để chăm lo cho gia đình, các em. Khi các em đã lập gia đình, tôi lại nhận phần chăm sóc bố mẹ nên lỡ duyên. Đây có lẽ là điều khiến tôi hối tiếc nhất trong đời.
Khi cha mẹ mất đi, ông bà thương tôi nên để lại cho tôi mảnh đất ở quê để sau này già yếu có chốn đi về. Còn tôi cũng được em trai nhờ lên thành phố trông cháu. Suốt 15 năm, tôi ở cùng gia đình cháu và chăm lo cho vợ chồng chúng chu đáo, nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ, cơm nước lúc nào cũng nóng hổi, đầy đủ. Thế nhưng, khi con của chúng lớn, chúng bắt đầu bóng gió về việc tôi ở lại thành phố. Dường như, vợ chồng chúng không cần đến sự có mặt của tôi nữa.
Tôi cũng hiểu được phần nào nhưng nếu về quê thì không có công việc, chẳng có thu nhập, chẳng biết làm gì để mưu sinh. Vì thế, tôi vẫn im lặng, chai lì ở lại thành phố, nhận trông vài đứa trẻ, kiếm vài triệu/tháng để sống qua ngày. Mặc dù có trông trẻ nhưng tôi vẫn chăm lo đầy đủ nhà cửa, cơm nước cho chúng. Thế nhưng, không ít lần vợ chồng chúng bày tỏ khó chịu khi đứa bé tôi trông khóc hay mè nheo, chúng quát lớn rằng sao ồn ào quá hay nhà cửa bề bộn khi có ít đồ chơi của bọn trẻ.
Có lần, cháu dâu còn quát thẳng mặt tôi khi lỡ để chiếc chổi vướng khiến con chúng bị ngã. Cháu dâu mắng tôi vô tích sự, không làm được việc gì, già cả chân tay chậm chạp, lẩm cẩm.
Tôi biết tất cả lý do của những khó chịu này. Vợ chồng chúng không muốn tôi ở lại thành phố, chỉ muốn tôi về quê để đỡ một miệng ăn. Tôi có mảnh đất ở quê, nhiều lần em trai cùng vợ chồng cháu tôi bày tỏ mong muốn được sang tên chủ sở hữu mảnh đất đó. Vợ chồng chúng hứa hẹn với tôi rằng sẽ nuôi dưỡng tuổi già, để tôi sống cùng ở thành phố, chăm sóc chu đáo. Tuy nhiên, tôi vẫn im lặng, chưa đồng ý.
Mảnh đất đó là thứ duy nhất bố mẹ để lại cho tôi. Bản thân tôi cũng không có con cái, lúc đau ốm chẳng có ai chăm sóc, thuốc thang. Vì thế, tôi tính rằng cố gắng nhẫn nhịn ở thành phố vài năm nữa, nhận trông trẻ, kiếm ít tiền rồi về quê xây nhà thờ cho bố mẹ, còn lại bao nhiêu tiền tiết kiệm thì gom góp, lo cho tuổi già. Chính vì thế, tôi không muốn sang tên đất đai cho các cháu. Nguyện vọng cuối đời của tôi vẫn là xây nhà thờ ở mảnh đất của ông bà tổ tiên.
Chính vì thế, sau nhiều lần thuyết phục, tôi vẫn không đồng ý khiến vợ chồng chúng không mấy vui vẻ. Giờ đây, hằng ngày tôi vẫn trông trẻ, chiều chiều khi hết công việc thì chuẩn bị cơm nước cho vợ chồng chúng rồi tranh thủ đi ra ngoài nhặt nhạnh chai nhựa, đồng nát để kiếm thêm tiền. 72 tuổi, tôi chẳng còn biết mình sẽ cố gắng được bao lâu nữa, có thể xây được nhà thờ trước khi đau ốm, bệnh tật hay không nhưng vẫn muốn gom góp thêm chút ít rồi về quê sống những ngày cuối đời.