Không muốn bị lộ thông tin thẻ tín dụng, mất tiền oan? Hàng triệu người dùng cần làm ngay điều này
Để giảm thiểu rủi ro mất tiền nếu thẻ tín dụng bị “hack”, người dùng nên thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong thanh toán khi sử dụng thẻ.
Hiện nay, xu hướng thanh toán trực tuyến bằng thẻ tín dụng ngày càng phổ biến nhờ tính nhanh chóng và tiện lợi. Theo đó, người dùng chỉ cần cung cấp thông tin như số thẻ, ngày hết hạn, số CVV/CVC đã có thể hoàn tất giao dịch. Một số thanh toán còn không cần đến OTP.
Tuy nhiên, việc này cũng tiềm ẩn nguy cơ lộ thông tin thẻ, dẫn đến tình trạng tài khoản trong thẻ tín dụng bị "hack". Điều này sẽ làm tăng nguy cơ người dùng bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro mất tiền nếu thẻ tín dụng bị “hack”, người dùng nên thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong thanh toán khi sử dụng thẻ.
Thứ nhất, người dùng cần cài đặt hạn mức thẻ. Nhiều ứng dụng ngân hàng cho phép người dùng tự điều chỉnh số tiền rút hoặc thanh toán dịch vụ bằng thẻ trong ngày. Nếu thẻ tín dụng bị hack, do giới hạn về số tiền chi tiêu trong ngày, mức thiệt hại mà người dùng sẽ giảm đáng kể.
Thứ hai, người dùng nên tắt chế độ thanh toán trực tuyến. Nhiều người thường lưu thông tin thẻ tín dụng trên các sàn thương mại điện tử để mua và thanh toán đơn hàng thuận tiện hơn. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến rủi ro mất tiền. Vì vậy, người dùng chỉ nên bật thanh toán trực tuyến đối với thẻ tín dụng khi cần thiết và tắt ngay sau khi giao dịch.
Ngoài ra, người dùng chỉ nên mua hàng và thanh toán trên các trang web uy tín, đáng tin cậy.
Chủ thẻ cần thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng thẻ tín dụng. Ảnh minh họa |
Người dùng không nên thanh toán bằng thẻ tín dụng trên máy tính công cộng để tránh lộ thông tin cá nhân và thông tin thẻ. Trước khi thực hiện giao dịch trực tuyến, chủ thẻ cần đọc kỹ các điều khoản và chính sách của nhà bán hàng để tránh tình trạng phát sinh chi phí không mong muốn.
Trong trường hợp nghi ngờ thông tin thẻ bị lộ hoặc phát hiện giao dịch bất thường, người dùng cần báo khóa thẻ ngay lập tức. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã tích hợp chức năng khóa thẻ trực tiếp trên ứng dụng. Để khóa thẻ, người dùng chỉ cần truy cập ứng dụng ngân hàng và thực hiện theo hướng dẫn.
Nếu không thể khóa thẻ qua ứng dụng, chủ thẻ có thể gọi đến tổng đài ngân hàng để yêu cầu hỗ trợ. Khi liên hệ, nhân viên ngân hàng sẽ yêu cầu cung cấp thông tin như họ tên, CMND/CCCD để xác minh trước khi xử lý.
Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể đến trực tiếp quầy giao dịch để đề nghị khóa thẻ. Khi tới ngân hàng, chủ thẻ cần cung cấp thông tin tài khoản, mang theo CMND hoặc CCCD để nhân viên kiểm tra.
Việc bảo vệ thông tin thẻ tín dụng không chỉ giúp tránh rủi ro mất tiền mà còn bảo đảm an toàn tài chính cá nhân. Thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo mật sẽ giúp người dùng an tâm hơn khi sử dụng thẻ trong thanh toán trực tuyến.
>> 6 nguyên nhân khiến chủ thẻ không kích hoạt được mã PIN thẻ ngân hàng