Không phải người già, đây mới là nhóm lao động bị AI 'cướp việc'
Một khảo sát mới cho thấy nhiều doanh nghiệp tại Mỹ đang có xu hướng lựa chọn AI thay vì tuyển dụng nhân sự Gen Z mới tốt nghiệp.
Khảo sát của trường Kinh doanh Quốc tế Hult được thực hiện với 800 giám đốc nhân sự tại các doanh nghiệp ở Mỹ cho thấy 98% trong số họ gặp khó khăn khi tìm kiếm nhân tài. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là có tới 89% nhà tuyển dụng bày tỏ mong muốn tránh tuyển dụng những ứng viên thuộc thế hệ Gen Z vừa mới tốt nghiệp đại học.
Lý do chính khiến Gen Z không được ưu ái là vì họ thiếu kinh nghiệm thực tế (60%), không có tư duy toàn cầu (57%), gặp khó khăn trong làm việc nhóm (55%) và yêu cầu đào tạo tốn kém (53%). Đáng chú ý, khảo sát cũng tiết lộ rằng có đến 54% nhân viên Gen Z bị sa thải chỉ trong vòng 90 ngày đầu làm việc.
Trong bối cảnh đó, nhiều công ty tại Mỹ đang cân nhắc sử dụng AI để thay thế con người, đặc biệt trong các vị trí đầu vào và công việc mang tính lặp lại. Theo ông Kevin Thompson, giám đốc điều hành của 9i Capital Group, nhiều doanh nghiệp nhận thấy rằng việc đào tạo AI dễ dàng hơn nhiều so với đào tạo nhân sự Gen Z. AI thực hiện công việc với độ chính xác cao và có chi phí vận hành thấp hơn so với việc thuê nhân sự trẻ.
Hơn nữa, AI không gặp phải những vấn đề về thái độ làm việc, tinh thần trách nhiệm hay kỹ năng giao tiếp - những yếu tố mà nhiều nhà tuyển dụng cho rằng Gen Z còn thiếu sót. Do đó, dù AI chưa thể thay thế hoàn toàn con người, nhưng trong mắt các nhà quản lý nhân sự, nó là một lựa chọn đáng cân nhắc.
Gen Z có thể bị AI thay thế trong nhiều vị trí công việc. Ảnh minh họa |
>> Chàng trai Việt khiến AI phải ‘căng não’ với bài kiểm tra hóc búa nhất hành tinh
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thị trường lao động, Gen Z vẫn sở hữu những lợi thế nhất định. Là thế hệ đầu tiên lớn lên cùng Internet, Gen Z có khả năng sử dụng công nghệ vượt trội, nắm bắt nhanh các xu hướng số hóa và thành thạo việc phân tích dữ liệu. Họ cũng có xu hướng làm việc linh hoạt, thích nghi tốt với môi trường làm việc trực tuyến và có ý thức cao về trách nhiệm xã hội, công bằng và bền vững.
Một điểm đáng chú ý là 77% nhân sự Gen Z tham gia khảo sát cho rằng họ học được nhiều kỹ năng thực tế hơn trong 6 tháng làm việc tại doanh nghiệp so với 4 năm học đại học. Điều này đặt ra câu hỏi về hiệu quả của hệ thống giáo dục hiện nay trong việc trang bị cho sinh viên các kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Hơn nữa, 55% người trẻ được hỏi cho rằng chương trình đại học chưa chuẩn bị cho họ đủ kỹ năng làm việc, trong khi 87% thừa nhận họ được doanh nghiệp đào tạo bài bản hơn so với khi còn ngồi trên ghế giảng đường.
Để thu hẹp khoảng cách này, các chuyên gia nhân sự cho rằng cần có sự kết nối tốt hơn giữa các thế hệ trong môi trường làm việc. Bà Charlotte Davies, chuyên gia nghề nghiệp, cho biết rằng việc tăng cường cố vấn và xây dựng các chương trình hướng dẫn giữa nhân viên kỳ cựu và nhân sự trẻ có thể giúp Gen Z cải thiện kỹ năng làm việc và thích nghi tốt hơn.
Bà cũng nhấn mạnh rằng không chỉ Gen Z gặp khó khăn trong việc giao tiếp với các thế hệ khác, mà ngay cả lao động trên 55 tuổi cũng hiếm khi có tương tác với nhân sự trẻ. Do đó, xây dựng văn hóa doanh nghiệp khuyến khích giao tiếp đa thế hệ là một trong những giải pháp quan trọng để giúp các thế hệ lao động hiểu nhau hơn, đồng thời hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào AI.
>> CEO công ty chip lớn nhất thế giới: 'Ngay bây giờ, hãy tìm ngay cho mình một gia sư AI'
Ngành học thống trị thị trường lao động 10 năm tới, mức lương trung bình 3 tỷ đồng/năm
CEO ChatGPT hé lộ về lực lượng 'nhân viên ảo' sẽ gia nhập vào thị trường lao động năm 2025