ACB ghi lỗ 226 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chứng khoán, trong khi đó thu nhập lãi thuần đạt 5.600 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Á Châu (mã chứng khoán ACB) công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 trong đó ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trưởng 52,3% so với cùng kỳ, lên 3.843 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi lớn nhất theo quý ACB đạt được trong nhiều năm trở lại đây.
Đóng góp vào số lợi nhuận này, chỉ tiêu lớn nhất là thu nhập lãi thuần hơn 5.600 tỷ đồng, tăng hơn 600 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 993 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lợi nhuận từ thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 145 tỷ đồng, giảm 86 tỷ đồng so với cùng kỳ. ACB cũng “dính” vào hoạt động kinh doanh chứng khoán và mang về khoản lỗ 226 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái ngân hàng ghi lãi hơn 91 tỷ đồng từ mảng này.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 ACB lãi sau thuế 7.230 tỷ đồng, tăng 42,6% so với số lãi 5.071 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm ngoái.
Thu nhập lãi thuần đạt 11.050 tỷ đồng, tăng khoảng 1.400 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ vẫn là đóng góp lớn với 1.732 tỷ đồng (tăng hơn 200 tỷ đồng so với cùng kỳ). Các hoạt động khác mang về khoản lãi thuần 725 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ ghi dương hơn 28 tỷ đồng – đây cũng chính là đóng góp lớn cho lãi tăng trưởng kỳ này của ACB.
Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối có tăng nhẹ so với nửa đầu năm 2021, lên mức 448 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chứng khoán vẫn là “nỗi đau” chung, mang về khoản lỗ 237 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn ghi lãi thuần 205 tỷ đồng – tương ứng mức chênh lệch hơn 440 tỷ đồng.
Tổng dư đầu tư chứng khoán kinh doanh đến 30/6/2022 còn 1.481 tỷ đồng – bằng 10% so với số dư đầu kỳ, chủ yếu giảm giá trị đầu tư chứng khoán nợ (10.620 tỷ đồng xuống còn gần 770 tỷ đồng). Các chứng khoán kinh doanh khác cũng giảm mạnh giá trị đầu tư từ 9.490 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 1.172 tỷ đồng.
Về dòng tiền, tổng tiền cho vay khách hàng đến 30/6/2022 đạt gần 395.600 tỷ đồng, tăng hơn gần 33.700 tỷ đồng so với đầu kỳ, chủ yếu là cho vay các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước. Về chất lượng nợ cho vay, nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 800 tỷ đồng so với đầu kỳ, lên 2.190 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ giảm 350 tỷ đồng xuống gần 540 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn cũng giảm được một nửa, xuống còn 270 tỷ đồng. Nợ cần chú ý cũng giảm gần 400 tỷ đồng, về mức 1.500 tỷ đồng. Tổng nợ cần chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn lên 4.500 tỷ đồng, giảm được 200 tỷ đồng so với đầu kỳ.
Về huy động, tổng tiền gửi của khách hàng đến 30/6/2022 đạt hơn 388.100 tỷ đồng, trong đó có gần 11.600 tỷ đồng tiền gửi bằng ngoại tệ.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ ghi âm 12.569 tỷ đồng (cùng kỳ ghi dương gần 3.600 tỷ đồng). Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng ghi âm gần 140 tỷ đồng.