Khu kinh tế ven biển lớn bậc nhất Việt Nam khởi công hai dự án nghìn tỷ
Đáng chú ý, một dự án thuộc tổ hợp hóa chất lớn nhất Việt Nam và dự kiến vận hành vào quý I/2026.
Sáng 17/2, tại thị xã Nghi Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng các chủ đầu tư tổ chức lễ khởi công hai dự án trọng điểm gồm Dự án số 1 Tổ hợp hóa chất Đức Giang - Nghi Sơn và Dự án Nhà máy sản xuất vải Billion Union Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng, hứa hẹn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Dự án số 1 Tổ hợp hóa chất Đức Giang - Nghi Sơn do Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã chứng khoán: DGC) đầu tư, được triển khai tại xã Tân Trường (thị xã Nghi Sơn) nhằm đón đầu nhu cầu ngày càng gia tăng của thị trường trong nước và thế giới đối với các sản phẩm hóa chất cơ bản như NaOH, HCl, PAC, các hợp chất chứa Cl, H3PO3...

Dự án bao gồm nhiều nhà máy với tổng công suất sản xuất 151.000 tấn/năm, trong đó có Nhà máy sản xuất xút công suất 80.000 tấn/năm, Nhà máy sản xuất PAC 30.000 tấn/năm, Nhà máy sản xuất Calcium Chloride 10.000 tấn/năm, Nhà máy sản xuất Chloramin B 1.000 tấn/năm, Nhà máy sản xuất Calcium hypochlorite 20.000 tấn/năm và Nhà máy sản xuất H3PO3 10.000 tấn/năm.
Giai đoạn 1 của dự án có mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trong quý I/2026, mở đầu cho tổ hợp hóa chất có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, được triển khai theo ba giai đoạn: Giai đoạn 1 trị giá 2.400 tỷ đồng, giai đoạn 2 trị giá 6.000 tỷ đồng với mục tiêu sản xuất 100.000 tấn xút rắn và 150.000 tấn nhựa PVC mỗi năm, và giai đoạn 3 với mức đầu tư 3.600 tỷ đồng cho nhà máy sản xuất Sô-đa công suất 400.000 tấn/năm.
>> Tháng sau, nhà máy AI tại Nhật Bản của FPT chính thức vận hành
Khi hoàn thành toàn bộ, tổ hợp này sẽ trở thành tổ hợp hóa chất lớn nhất Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực sản xuất hóa chất trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và gia tăng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, dự án Nhà máy sản xuất vải Billion Union Việt Nam do Công ty TNHH Dệt Billion Union Thanh Hóa đầu tư tại xã Tân Trường - Khu kinh tế Nghi Sơn cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho lĩnh vực dệt may.

Dự án có tổng vốn đầu tư 70 triệu USD (khoảng 1.782 tỷ đồng), quy mô sử dụng đất gần 32ha, tập trung vào sản xuất vải, hoàn thiện sản phẩm dệt và in hoa trên vải dệt bằng công nghệ hiện đại.
Khi đi vào hoạt động, nhà máy dự kiến cung cấp 18.000 tấn vải/năm cho thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, đóng góp tích cực vào ngân sách tỉnh Thanh Hóa.
Việc triển khai dự án không chỉ thể hiện mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Singapore, mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển ngành dệt may, giúp nâng cao năng lực sản xuất nội địa, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và gia tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi nhấn mạnh đây là những dự án có ý nghĩa chiến lược, không chỉ với tỉnh Thanh Hóa mà còn đối với sự phát triển của ngành hóa chất và dệt may Việt Nam.
Việc khởi công các dự án trọng điểm này là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh đã đề ra nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển công nghiệp bền vững.
Ông cũng đề nghị Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang - Nghi Sơn, Công ty TNHH Dệt Billion Union Thanh Hóa cùng các nhà thầu thi công tập trung tối đa nguồn lực về tài chính, nhân lực, trang thiết bị hiện đại để đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ cam kết, đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh.
Theo VOV, Khu kinh tế Nghi Sơn là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển lớn nhất của cả nước, là 1 trong 4 tử giác phát triển của Thanh Hóa, nằm trong hành lang kinh tế phát triển trọng điểm của tỉnh.
>> Dự án ‘trái tim’ 35.000 tỷ của sân bay lớn nhất Việt Nam có chuyển động mới