Xã hội

Khu rừng Cấm 'cất giấu' 51 cây gỗ quý đắt như vàng, được người dân cả làng bảo vệ

Vĩ Hạ 11/07/2024 21:16

Khu rừng này được người dân trong làng đặc biệt giữ gìn và xem như báu vật suốt nhiều thế kỷ.

Làng Đại Bình (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) tựa mình vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, hướng mặt ra dòng sông Thu Bồn hiền hòa. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho mảnh đất trù phú, thích hợp trồng trọt nhiều loại cây ăn quả. Đặc biệt, giữa làng còn có một khu rừng nguyên sinh được người dân bảo vệ nghiêm ngặt, gọi là rừng Cấm.

Rừng Cấm là báu vật của làng Đại Bình. Ảnh: Quốc Tuấn/Báo Dân Trí

Rừng Cấm là báu vật của làng Đại Bình. Ảnh: Quốc Tuấn/Báo Dân Trí

Thực tế, dân làng không gọi đây là rừng Cấm, mà chỉ đơn giản gọi là Cấm. Không ai biết rừng tồn tại từ bao giờ, nhưng nơi đây luôn là điểm đến quen thuộc của người dân để kiếm củi, hái rau, tìm kiếm các loại thảo dược quý. Họ xem nơi đây như báu vật quý giá, được gìn giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ.

Với diện tích 11,5ha, khu rừng này nằm ngay trung tâm làng Đại Bình. Mỗi khi mùa lũ về, nước sông Thu Bồn cuồn cuộn dâng cao, đe dọa nhấn chìm cả làng. Lúc này, rừng Cấm trở thành nơi trú ẩn an toàn cho người dân.

Nhìn từ trên cao xuống, rừng Cấm như tấm bình phong che chắn cho ngôi làng trước những cơn cuồng phong, bão lũ. Hệ thống cây cối đan xen, dây leo chằng chịt tạo nên một "chiếc máy điều hòa" khổng lồ, mang đến bầu không khí mát mẻ cho cả làng.

Người dân Đại Bình hiểu rõ rằng, ngoài nguồn nước ngầm dồi dào từ sông Thu Bồn, rừng Cấm chính là "van điều hòa" sinh thái quý giá, giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ làng. Không có quy định, chế tài, hay người canh gác, thế nhưng Rừng Cấm vẫn uy nghiêm tồn tại hàng trăm năm qua, tạo nên bức tranh "làng trong rừng" và "rừng giữa làng" độc đáo.

Các cây gỗ quý ở đây đều được gắn biển bảo vệ. Ảnh: Báo Đà Nẵng

Các cây gỗ quý ở đây đều được gắn biển bảo vệ. Ảnh: Báo Đà Nẵng

Người dân nơi đây tự hào rằng, họ được sống lâu bởi hít thở bầu không khí trong lành từ cánh rừng nguyên sinh này. Cấm còn là nguồn cung cấp các loại cây thuốc quý và cây ăn quả, giúp người dân vượt qua những lúc khó khăn.

Mãi đến năm 2017, làng mới có bản hương ước bằng văn bản bổ sung cho quy ước năm 1988.

"Điều 16 quy định về bảo vệ và phát triển rừng Cấm. Có lẽ do hiểu được tác dụng quý giá của rừng Cấm nên mỗi một người dân đều tự ý thức gìn giữ, không xâm phạm, chặt đốn cây hay săn bắt động vật… Không những thế, mỗi năm vào các dịp lễ, Tết, hội hè, chính quyền và các hội, đoàn thể đều vận động nhân dân trồng thêm rừng mới ở khu vực đất trống”, một người dân làng Đại Bình cho biết.

Hiện rừng Cấm vẫn giữ nguyên vẹn giá trị của một khu rừng nguyên sinh với hệ sinh thái đa dạng và nhiều cây gỗ lớn. Rừng đóng vai trò quan trọng như "lá phổi xanh", tạo nên sự hài hòa về không gian và điều hòa sinh thái cho làng Đại Bình.

Về mặt tài nguyên, qua đánh giá ban đầu của Trường Đại học Đà Lạt, rừng Cấm sở hữu 10 nhóm tài nguyên gỗ và tài nguyên cây thuốc quý giá. Để bảo vệ và phát triển khu rừng, mỗi năm địa phương đều tổ chức trồng bổ sung cây ở những khu vực trống. Trong đó, năm 2023, Ban Quản lý khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi huyện Nông Sơn phối hợp với xã Quế Trung đã thực hiện chương trình đưa lan về rừng, ghép trồng các giống lan quyên góp được lên các cây gỗ trong rừng Cấm.

Chương trình “Đem lan về với tự nhiên” góp phần giữ độ đa dạng sinh học của rừng Cấm. Ảnh: Minh Tâm/Báo Dân Việt

Chương trình “Đem lan về với tự nhiên” góp phần giữ độ đa dạng sinh học của rừng Cấm. Ảnh: Minh Tâm/Báo Dân Việt

Tuy diện tích không quá rộng lớn, rừng Cấm vẫn là nơi lưu giữ nhiều danh mộc quý hiếm như huỳnh đàn, giáng hương, mít nài, mù u, cây trai... Đặc biệt, ở Cấm có 51 cây huỳnh đàn (gỗ sưa) là cây gỗ quý hiếm thuộc nhóm IA trong sách Đỏ Việt Nam. Loại gỗ này luôn được đề cao bởi giá trị và sự bền chắc, có mùi thơm dù bị ngâm trong bùn nhiều năm. Vì thế, gỗ sưa còn được ví như những "khối vàng lộ thiên".

Những năm gần đây, núi Cấm ngày càng được nhiều du khách biết và tìm đến tham quan, thư giãn. Hiện nay, con đường đến Cấm đã được đổ bê tông bằng phẳng nên người dân và du khách có thể dễ dàng di chuyển đến tận bìa rừng, thay bì lội bộ cả tiếng đồng hồ như trước.

Dẫn vào rừng là một con đường mòn ngoằn ngoèo đầy hoa lá, cây cỏ. Tiếng con chim chào mào hót véo von hòa giọng cùng bè bạn trên ngọn các loại cây huỷnh, chò, giáng hương… phủ kín dây leo, khiến du khách cảm giác như lạc vào cõi phiêu bồng.

>> Dân tộc bí ẩn ở Việt Nam trồng loại gỗ quý giá cả trăm tỷ đồng, bị đổ gãy cũng nhất quyết không bán

Công an điều tra, khởi tố vụ phá rừng triệt hạ hàng loạt cây gỗ quý trăm tuổi trái phép ở Quảng Nam

Cơ ngơi 25.000m2 phủ kín gỗ quý tử đàn lên đến 700 tỷ đồng

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/khu-rung-cam-cat-giau-51-cay-go-quy-dat-nhu-vang-duoc-nguoi-dan-ca-lang-bao-ve-d127451.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Khu rừng Cấm 'cất giấu' 51 cây gỗ quý đắt như vàng, được người dân cả làng bảo vệ
    POWERED BY ONECMS & INTECH