Loài gỗ quý 'đắt như vàng' có ở Việt Nam, khiến cả làng ngày đêm bảo vệ, canh giữ
Để có một cây gỗ trắc trưởng thành cần phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm hoặc nghìn năm phát triển nên giá của gỗ này rất đắt đỏ.
Gỗ trắc (tên khoa học là Dalbergia cochinchinensis), là một loại cây gỗ quý hiếm có nguồn gốc từ Đông Dương và khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, chúng còn được gọi là cẩm lai Nam Bộ. Loài cây này chủ yếu phân bố ở miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam và Quảng Trị, một số ít khu vực khác tại Nam Bộ.
Gỗ trắc là cây thân lớn, những cây trưởng thành có thể đạt đường kính lên tới 1m và chiều cao khoảng 25m. Tuy nhiên, loài gỗ này phát triển rất chậm so với nhiều loại cây gỗ quý khác. Là một trong những loại gỗ quý nhất, gỗ trắc thuộc nhóm I, nhóm gỗ cao cấp nhất tại Việt Nam hiện nay.

Gỗ trắc có nhiều loại, bao gồm gỗ trắc đỏ, trắc đen và trắc đỏ đen. Mỗi loại có những đặc điểm và giá trị riêng biệt. Để có một cây gỗ trắc trưởng thành cần phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm hoặc nghìn năm phát triển. Chính vì vậy, gỗ trắc rất kén chọn người sử dụng. Mức giá của gỗ trắc cũng rất đắt đỏ, có thể lên đến hàng triệu đồng mỗi kg, tùy thuộc vào loại gỗ, chất lượng và kích thước.
Tại Việt Nam, một trong những khu rừng gỗ trắc quý hiếm nhất hiện nay nằm tại Gia Lai. Theo thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam, làng A Lao, dưới chân núi Lơ Pang thuộc xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, là nơi lưu giữ rừng gỗ trắc tự nhiên.
Gỗ trắc ở đây mọc xen lẫn các loại cây mì, trên những mảnh đất bằng phẳng mà người dân canh tác. Khi phát hiện được giá trị đặc biệt của loài gỗ này, người dân đã chủ động bảo vệ và chăm sóc cây trắc. Nhiều cây trắc mọc tự nhiên từ những gốc cũ và khi số lượng cây con mọc quá dày, người dân đã khéo léo chuyển chúng sang các khu vực khác để cây phát triển tốt hơn.
Để hỗ trợ công tác bảo tồn, vào năm 2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mang Yang cũng hỗ trợ người dân trồng thêm hơn 1.000 cây giống gỗ trắc.

Tuy nhiên, do giá trị kinh tế rất cao của gỗ trắc, rừng gỗ này đã trở thành mục tiêu của nhiều kẻ xấu, dẫn đến tình trạng trộm cắp. Vì vậy, trong suốt nhiều năm qua, người dân làng A Lao đã không ngừng nỗ lực bảo vệ và chăm sóc rừng gỗ trắc để lưu giữ cho các thế hệ mai sau.
Sau nhiều năm kiên trì bảo tồn, diện tích rừng gỗ trắc của người dân làng A Lao ngày càng tăng lên, hiện nay đã lên đến hàng chục ha. Điều này không chỉ nhờ vào khả năng tái sinh tự nhiên mà còn nhờ vào ý thức ngày càng cao của người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn loài cây quý hiếm.