Nhà cổ gần 150 tuổi tại TP. HCM: Dựng từ gỗ quý đến nay vẫn đen bóng, công tử Bạc Liêu ăn chơi ‘khét tiếng’ từng ghé qua
Ngôi nhà cổ gần 150 năm tuổi gây ấn tượng với kiến trúc tinh xảo, nội thất gỗ quý chạm khắc tinh vi, lưu giữ trọn vẹn vẻ đẹp và hồn cốt của một báu vật kiến trúc xưa.
Tọa lạc giữa khuôn viên xanh mát, rợp bóng cây hoa cảnh tại xã Nhà Bè (TP. HCM), ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Kim Chung (79 tuổi) lặng lẽ trường tồn cùng thời gian. Đây cũng là một trong những ngôi nhà cổ hiếm hoi của Sài Gòn còn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp và giá trị lịch sử, văn hóa suốt gần 150 năm qua.
Theo báo Vietnamnet, ngôi nhà do cụ Nguyễn Văn Trọng (húy danh Nguyễn Hiền Hào), ông cố của ông Chung, xây dựng từ năm 1879, khi còn là một viên quan dưới triều vua Minh Mạng. Ông Chung kể, cụ Trọng đã thuê đội thợ mộc tay nghề cao từ Huế vào Nam, cất công chạm khắc, dựng dựng suốt ba năm mới hoàn thành. Ngôi nhà là sự hòa quyện độc đáo giữa tinh thần nhà rường Huế và những đường nét hoa văn châu Âu, mang đến vẻ uy nghi, mềm mại nhưng vẫn đầy chất Á Đông.

Phần mái nhà được lợp ngói đỏ âm dương dày tới năm lớp, phủ màu thời gian mà đến nay vẫn nguyên vẹn, chưa từng phải thay mới. Bao quanh công trình là hệ thống cột, tường, cửa vòm bằng gạch, xi măng, đắp nổi hoa văn uốn lượn tinh xảo theo phong cách châu Âu. Phía sau dãy cửa vòm, không gian chính của căn nhà được dựng hoàn toàn từ gỗ quý theo lối kiến trúc nhà rường, toàn bộ kèo, cột, vách, bao lam… đều ghép mộng, không dùng một chiếc đinh nào. Các mộng gỗ được bào, ghép khít đến mức "sợi tóc cũng không lọt qua", thể hiện sự tài hoa của thợ xưa.

Vật liệu xây dựng được lựa chọn vô cùng kỹ lưỡng. Thợ mộc đã đốn những cây gỗ cổ thụ to lớn, phần gỗ ngoài được tận dụng làm kèo, đòn tay, ván, còn phần lõi cứng chắc, thẳng tắp được bào nhẵn để làm cột. Nhờ đó, đến nay, sau hơn một thế kỷ, những chiếc cột gỗ vẫn đen bóng, không hề mối mọt, hư hỏng. Trên các đòn tay, xà ngang, bao lam… chạm khắc những họa tiết tinh xảo như hoa cúc, chim trĩ, mai, trái cây, được cẩn xà cừ lấp lánh. Đặc biệt, phần bao lam làm từ gỗ mít cổ thụ, chạm lọng, chạm bong, chạm thủng cầu kỳ, thể hiện sự công phu và thẩm mỹ bậc thầy.
Không gian bên trong ngôi nhà càng khiến người ta trân trọng khi lưu giữ gần như nguyên vẹn nhiều cổ vật quý giá. Chính giữa nhà là bàn thờ gia tiên với bát hương, lư đồng, ché, bình gốm cổ… cùng những bức hoành phi, câu đối do cụ Trọng tự tay viết. Ông Chung tự hào kể về bộ trường kỷ bằng gỗ vải cổ thụ, chạm khắc tích Kim Vân Kiều truyện, đôi tượng voi gốm cổ được gia đình nâng niu gìn giữ suốt năm đời như những báu vật truyền lại từ ông cha.

Không chỉ là nơi cư trú của một gia đình, căn nhà cổ còn từng là nơi đón tiếp nhiều vị khách đặc biệt. Ông Chung nhớ rõ, thời trẻ ông từng thấy công tử Bạc Liêu (Trần Trinh Huy) thường lái ô tô từ trung tâm Sài Gòn xuống thăm cha ông, đưa cha ông về Bạc Liêu chơi. Sau này, căn nhà cũng trở thành bổi cảnh cho không ít bộ phim truyền hình đình đám như Dòng sông không quên, Mùa nước nổi, Ngọn cỏ gió đùa, Người Bình Xuyên…
Điều đáng ngạc nhiên, ngôi nhà không chỉ đẹp mà còn "thông minh" về công năng: mùa hè nắng nóng, không gian bên trong vẫn mát rượi, mùa đông lại ấm áp dễ chịu nhờ sự phối hợp khéo léo của chất liệu gỗ tự nhiên, mái ngói dày và sự thông thoáng của kết cấu nhà truyền thống.

Suốt nhiều năm qua, ông Nguyễn Kim Chung và gia đình luôn trân trọng giữ gìn từng chi tiết của ngôi nhà, từ lau dọn, bảo dưỡng, đến chăm sóc từng món đồ cổ, như cách gìn giữ một phần ký ức của cha ông và cũng là một phần hồn cốt của vùng đất này. Ngôi nhà không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị vật chất quý báu, mà còn là minh chứng sống động về bàn tay tài hoa của thợ xưa, về lối sống, văn hóa của người Việt nơi đất phương Nam hơn một thế kỷ trước.
Ảnh: Hà Nguyễn/Báo Vietnamnet