Xã hội

Khu rừng toàn gỗ quý ở nơi là ‘điểm đến đẹp siêu thực nhất thế giới’: Được bao thế hệ người Mông bảo vệ, hướng tới phát triển du lịch xanh

Manh Lan 04/11/2024 19:30

Đồi cây toàn gỗ quý này mọc ở độ cao trên 1.000m, có gần 70 cây, chưa kể cây con…

Phía sau khu dân cư của bản Cáng Dông, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, nổi bật một đồi cây Pơ Mu với gần 70 cây trưởng thành và vô số cây con. Đây là khu vực đã được bao thế hệ người Mông bảo vệ và gìn giữ như một báu vật thiêng liêng.

Đồi cây gỗ quý ‘của chung’

Pơ Mu là một trong những loại gỗ quý thường mọc ở độ cao trên 1.000m, hiện nay số lượng cây còn không nhiều. Tại Việt Nam, Pơ Mu được coi là một loại gỗ quý do mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp cũng như trọng lượng khác thường và đặc tính không bị mối mọt phá hoại của nó; vì thế gỗ được sử dụng để làm các đồ tạo tác mĩ thuật, các loại đồ gia dụng. Nó là loài nguy cấp tại Việt Nam và được đưa vào Sách đỏ Việt Nam năm 1996.

Ông Giàng Sang Phàng, một lão nông đã bước qua tuổi 60, bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với những cây Pơ Mu sừng sững trên đồi. "Tôi cũng không biết cây Pơ Mu trên đồi này đã bao nhiêu tuổi vì từ lúc tôi 11, 12 tuổi đã có nhiều cây to hơn bắp đùi người lớn, dù chưa nhiều như hiện nay và giờ tôi đã ngoài 60 nên chắc số cây Pơ Mu này có nhiều cây phải trên trăm tuổi hoặc hơn thế", ông Phàng chia sẻ với Dân Việt.

Ông Phàng cho biết, để bảo vệ số cây này, bản Cáng Dông đã quy định đây là tài sản chung, không giao cho bất kỳ hộ gia đình hay cá nhân nào, “cấm không cho ai chặt hay khai thác, ai vi phạm sẽ phạt nặng nên số cây luôn được bảo vệ và phát triển như hiện nay".

Khu rừng toàn gỗ quý ở nơi là ‘điểm đến đẹp siêu thực nhất thế giới’: Được bao thế hệ người Mông bảo vệ, hướng tới phát triển du lịch xanh - ảnh 1
Đồi Pơmu quý với trên 70 cây to và nhiều cây con của bản Cáng Dông, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đang được bà con người Mông nơi đây gìn giữ, phát triển. Ảnh: Hoàng Hữu. Ảnh: VOV.VN

Theo ông Phàng, mặc dù nhu cầu về gỗ của người dân ngày càng tăng do sự gia tăng dân số, bản Cáng Dông vẫn kiên trì giữ gìn khu đồi này. Việc phát quang, dọn dẹp và quản lý đồi cây được thực hiện thường xuyên nhằm đảm bảo sự sinh trưởng tự nhiên của cây Pơ Mu. Trong các buổi họp bản, những người cao tuổi như ông Phàng luôn nhấn mạnh vai trò của con cháu trong việc bảo vệ và phát triển khu rừng.

"Tôi thấy hiện nay số lượng cây Pơ Mu ở rừng đã rất ít nên sợ về sau con cháu sẽ không biết về loại cây này, tôi chỉ mong người dân bản cũng như các cấp chính quyền cùng chung sức rào lại để bảo vệ cây và thảm thực vật trong đồi cây này để tạo cảnh quan thu hút khách đến thăm quan, cũng như gìn giữ cho thế hệ sau biết về loại cây này", ông Phàng chia sẻ thêm.

Phát triển du lịch xanh đồi cây Pơ Mu

Tọa lạc trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, xã Nậm Khắt của tỉnh Yên Bái đã trở thành tâm điểm cho một sự hợp tác ấn tượng giữa chính quyền địa phương và người dân nhằm bảo vệ và nâng cao giá trị du lịch của những hàng cây Pơ Mu quý giá.

Trong cuộc trao đổi với báo Dân Việt, một lãnh đạo xã Nậm Khắt cho biết, trong những năm qua, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền và vận động sự tham gia của các lực lượng để bảo vệ và phát triển cây Pơ Mu cùng với diện tích rừng hiện có.

Điều đáng chú ý là sự tham gia của thế hệ trẻ. Ban chấp hành đoàn xã đã thường xuyên chỉ đạo các cơ sở đoàn tập trung vào việc hướng dẫn và phối hợp với các tổ chức khác cũng như người dân địa phương để làm tốt công tác bảo vệ cây Pơ Mu, trong đó có khu vực đồi cây Pơ Mu của bản Cáng Dông.

Anh Sùng A Giàng, Bí thư đoàn xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải cho hay: "Chúng tôi có kịch bản chi tiết, sẽ giao cho Chi đoàn bản Cáng Dông thành lập tổ hợp tác để vận hành, tu sửa đường và bảo vệ đồi Pơmu đồng thời dựng các nhà chòi, các điểm "check in" để phát triển du lịch.

Khu rừng toàn gỗ quý ở nơi là ‘điểm đến đẹp siêu thực nhất thế giới’: Được bao thế hệ người Mông bảo vệ, hướng tới phát triển du lịch xanh - ảnh 2
Để phát huy lợi thế khu rừng gỗ Pơmu quý hiếm, đoàn thanh niên của xã Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) đã tạo hình một số điểm "check in" để thu hút khách du lịch. Ảnh: Hoàng Hữu/Báo Dân Việt

Tuy nhiên hiện nay đường lên đồi Pơmu chưa được đổ bê tông nên du khách đi lại còn khó khăn. Năm 2024 này chúng tôi phấn đấu sẽ đổ bê tông đường lên đồi Pơmu với chiều rộng 1m chiều dài khoảng 1km để du khách thuận lợi cho việc đi lại".

Để khai thác lợi thế của khu rừng gỗ Pơ Mu quý hiếm, đoàn thanh niên xã đã tạo hình một số điểm "check-in" thu hút khách du lịch. Ông Lý A Sấu, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt, thông tin rằng trên địa bàn xã có vài trăm cây Pơ Mu trưởng thành, rải rác ở các bản và thường nằm ngay cạnh nhà hoặc trong vườn của người dân.

Năm 2023, xã đã chỉ đạo các ngành tham gia phối hợp với bản Cáng Dông tập trung phát quang, tu sửa đường đi lên đồi cây Pơ Mu chính của bản, đây là khu tập trung nhiều cây nhất với gần 70 cây có đường kính trung bình từ 25 đến 50cm.

Ngoài ra, cùng với hương ước và quy ước của thôn bản, xã cũng đã xây dựng nội quy để bảo vệ và phát triển khu vực đồi cây Pơ Mu này. "Chúng tôi đã đưa vào Nghị quyết của HĐND xã, qua đó xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức họp thôn bản để tuyên truyền cũng như quán triệt cho nhân dân về công tác giữ rừng, đặc biệt đối với cây Pơ Mu, để tiến tới các bản khác trên địa bàn xã đều có đồi Pơ Mu như bản Cáng Dông này", ông Lý A Sấu nhấn mạnh.

Với những nỗ lực không ngừng của cấp ủy và chính quyền xã Nậm Khắt cùng sự quyết tâm của bà con nhân dân bản Cáng Dông, việc bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là các loại gỗ quý Pơ mu của xã nói chung và khu rừng Pơ Mu của người Mông ở bản Cáng Dông nói riêng, ngày càng phát triển, góp phần vào công tác bảo tồn và phát triển cây Pơ Mu, hướng tới phát triển du lịch xanh trên địa bàn xã và toàn huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

>> ‘Lá phổi xanh’ hàng trăm tuổi giữa lòng khu dân cư Nghệ An: Được xem như ‘báu vật’ ai cũng có ý thức bảo vệ, người chặt 1 cây phải trồng 10 cây thay thế

Khu rừng lim cổ thụ quý hiếm rộng gần 20ha nằm ngay giữa khu dân cư, được dân làng bảo vệ nghiêm ngặt và coi như 'báu vật'

Phát hiện khu rừng hóa thạch 40.000 năm tuổi sau khi bão lớn càn quét

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/khu-rung-toan-go-quy-o-noi-la-diem-den-dep-sieu-thuc-nhat-the-gioi-duoc-bao-the-he-nguoi-mong-bao-ve-huong-toi-phat-trien-du-lich-xanh-129605.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Khu rừng toàn gỗ quý ở nơi là ‘điểm đến đẹp siêu thực nhất thế giới’: Được bao thế hệ người Mông bảo vệ, hướng tới phát triển du lịch xanh
    POWERED BY ONECMS & INTECH