Khu vực tư nhân bước vào kỷ nguyên mới, hết thời 'con đẻ, con ghẻ, con nuôi'
Chuyên gia đánh giá, các giải pháp Nghị quyết 68 đưa ra đều rất đột phá, giúp khu vực tư nhân phát triển nhanh, an toàn, lành mạnh. Đồng thời, tạo niềm tin, khí thế và động lực cho doanh nghiệp tư nhân.
Tạo quyền bình đẳng, niềm tin cho doanh nghiệp
Chia sẻ với PV VietNamNet, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê), nhận định Nghị quyết 68 đã đưa ra 8 nhóm giải pháp đồng bộ, từ hoàn thiện thể chế đến triển khai các biện pháp cụ thể, huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng vào cuộc.
Nghị quyết khẳng định phát triển kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất và cần được xem là lực lượng tiên phong trong phát triển kinh tế.
Trong đó, vị chuyên gia đánh giá cao nhóm giải pháp liên quan đến cải cách, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, chính sách; đặc biệt là việc bảo đảm và bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng của khu vực kinh tế tư nhân.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, đây là giải pháp then chốt, góp phần củng cố niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp khi quyền sở hữu và tài sản hợp pháp được bảo vệ. Đồng thời, điều này sẽ tạo khí thế, khơi dậy động lực và phát huy trí tuệ của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Nếu thực hiện hiệu quả, giải pháp này không chỉ tạo niềm tin và xung lực phát triển mà còn huy động được nội lực và chất xám từ khu vực kinh tế tư nhân.
Tiếp đó là vấn đề xử lý sai phạm, một nội dung mà doanh nghiệp rất quan tâm. Trong xử lý sai phạm, Nghị quyết 68 đã khẳng định, đối với các vụ việc liên quan đến dân sự, hành chính và kinh tế, sẽ ưu tiên sử dụng các biện pháp xử lý về hành chính, dân sự và kinh tế.

Nếu trong trường hợp quy định của pháp luật có thể hiểu theo hướng xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự cũng được thì nghị quyết yêu cầu kiên quyết không xử lý hình sự. Còn trong trường hợp đã đến mức phải xử lý hình sự, thì vẫn ưu tiên sử dụng các biện pháp kinh tế để khắc phục hậu quả trước và lấy kết quả khắc phục đó làm cơ sở để giải quyết các bước tiếp theo, theo hướng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nếu doanh nghiệp đã tích cực khắc phục hậu quả.
TS Nguyễn Bích Lâm đánh giá, giải pháp này là căn cứ để tạo niềm tin, sự an tâm và không làm đình trệ sản xuất khi một người hay một nhóm người trong khu vực kinh tế tư nhân vi phạm.
Vị chuyên gia cũng nhắc đến nhóm giải pháp tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp nhận mọi nguồn vốn như đất đai, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là những khó khăn mà khu vực kinh tế tư nhân hầu như không tiếp cận được.
Theo đó, nhóm giải pháp này sẽ tháo gỡ khó khăn, tạo quyền bình đẳng trong hoạt động kinh tế của các khu vực kinh tế. Điều mà trước đây, nhiều chuyên gia đã từng nói chính sách đang xem doanh nghiệp nhà nước là “con đẻ”, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) là “con nuôi”, còn doanh nghiệp tư nhân là “con ghẻ”.
Nhóm giải pháp thứ năm về tăng cường kết nối, theo ông Lâm cũng rất quan trọng khi bất cập hiện nay là thiếu sự kết nối chính trong khu vực kinh tế tư nhân và sự kết nối giữa khu vực này với khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực FDI.
“Với thực trạng khu vực kinh tế tư nhân hiện nay, cần phải có sự kết nối thì khu vực này mới có thể tham gia được chuỗi cung ứng trong nước và vươn ra toàn cầu. Trong đó, cần phải có doanh nghiệp dân tộc dẫn dắt, liên kết các doanh nghiệp trong nước với nhau”, ông Lâm nhấn mạnh.
Hiện thực hóa nghị quyết vào cuộc sống
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho hay Nghị quyết 68 được người dân, doanh nghiệp, nhất là khối tư nhân mong đợi lâu nay. Tất cả các giải pháp nghị quyết đưa ra đều rất đột phá, giúp khu vực tư nhân phát triển nhanh, an toàn, lành mạnh.
Theo ông Lực, nhà nước đã thực sự kiến tạo để khối kinh tế tư nhân có khả năng phát triển tốt hơn. Trong đó, giải pháp thứ tám rất quan trọng, đó là doanh nghiệp tư nhân cần kinh doanh có đạo đức, thượng tôn pháp luật, tích cực đóng góp nhiều cho sự phát triển của đất nước, chứ không phải trở thành rào cản, điểm nghẽn cho phát triển kinh tế xã hội.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết 68, TS Nguyễn Bích Lâm đề xuất, Chính phủ cần thành lập một ban chỉ đạo. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm ban chỉ đạo tổ chức họp kiểm điểm việc thực hiện các nội dung của Nghị quyết 68.
Còn TS Cấn Văn Lực cho rằng, nghị quyết đã bao trùm rõ ràng, vấn đề hiện nay cần triển khai thực hiện, đưa nghị quyết vào cuộc sống.
“Chính phủ cũng cần chuẩn bị một số nghị định để hướng dẫn triển khai thực hiện. Chẳng hạn, nghị định cụ thể đối với hộ kinh doanh, đến vấn đề tiếp cận nguồn lực của khối doanh nghiệp tư nhân bao gồm đất đai, vốn, khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Một số điều sau này phải luật hóa, tiến tới cần có Luật về kinh tế tư nhân như tôi đã từng kiến nghị”, ông Lực nói.
Theo ông Lực, cần phải có chương trình nâng cao năng lực quản lý, điều tiết đối với cán bộ công chức, viên chức phục vụ khối doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng.
"Đặc biệt, cần tăng thêm trách nhiệm, giao KPI cho các địa phương, bộ ngành về phát triển doanh nghiệp; trong đó có doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.