Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nhiều đơn vị trong top 10 của ngành xây dựng đang ở trạng thái báo động về tài chính, thậm chí không có tiền trả nhà thầu phụ, nhân công, vật tư.
Nhà thầu đứng trước nguy cơ phá sản
Tại hội thảo "Gỡ vướng địa ốc - thúc đẩy tăng trưởng" do Báo Đầu tư tổ chức, đã có nhiều ý kiến phân tích, đánh giá, kiến nghị, đề xuất chính sách nhằm tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản. Thị trường cũng đang gặp những thách thức lớn, đặc biệt là khó khăn về dòng tiền và các nút thắt pháp lý.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, vừa qua có nhiều ý kiến liên quan tới việc gỡ vướng cho thị trường bất động sản nhưng chưa ai nói gì tới ngành xây dựng. Trong khi đó, 2 ngành này vốn liên thông chặt chẽ với nhau.
Ngành xây dựng đóng góp 6% vào GDP Việt Nam 2022. Thị trường bất động sản cần xây dựng, không có xây dựng thì không có dự án, không có bộ mặt đô thị…
Nhìn nhận về khó khăn của doanh nghiệp xây dựng, ông Hiệp cho rằng chưa có năm nào nhà thầu xây dựng trải qua tình trạng khốc liệt như năm nay. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, quý 1 năm nay, ngành xây dựng tăng trưởng âm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, quý 1 chỉ thực hiện được 8% kế hoạch cả năm và đây là trạng thái bi đát nhất từ trước tới nay.
Có khoảng 40 doanh nghiệp xây dựng vừa và nhỏ thuộc Hiệp hội Nhà thầu xây dựng ở miền Trung không có việc làm. Còn với nhóm nhà thầu phía Nam, mà Tập đoàn Hòa Bình dẫn đầu, đã "kêu cứu" tới Thủ tướng với 21 chữ ký ủng hộ từ các nhà thầu có tình trạng tài chính khủng hoảng, công ăn việc làm khó khăn. Tại miền Bắc, chỉ một số ít doanh nghiệp lớn đủ năng lực triển khai dự án đầu tư công có việc. Trong khi đó, đa phần nhà thầu xây dựng là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện tại, cơ chế pháp lý bảo vệ nhà thầu còn thiếu. Doanh nghiệp xây dựng phải vay tiền ngân hàng để thực hiện hoạt động nhưng làm xong dự án mới được thanh toán. Trong khi đó, lãi vay 11-13%/năm dẫn tới trường hợp chủ đầu tư khó khăn, như gần đây không thể chi trả, thậm chí yêu cầu trả bằng sản phẩm là các nhà đã xây. Như vậy, nhà thầu không biết lấy đâu ra tiền và nếu không có cơ chế bảo vệ thì doanh nghiệp xây dựng đối mặt nguy cơ phá sản, tiêu vong…
Phần lớn khủng hoảng bắt đầu từ bất động sản
Thời điểm 2011-2013, thị trường bất động sản xảy ra khủng hoảng thừa, hàng hóa nhiều nhưng không hấp thụ được vào thị trường. Thời điểm này thì ngược lại, quá thiếu nguồn hàng, các phân khúc không đồng đều, thiếu sản phẩm phù hợp với thị trường. Tất cả vấn đề trên xuất phát từ hệ thống pháp lý, chính sách…
Mỗi khi thị trường bất động sản lao dốc thì chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng đều giảm sút và rơi vào cảnh khó khăn; nếu không đủ năng lực tài chính để xử lý thì sẽ lan sang nhiều lĩnh vực khác. Bất động sản là ngành quan trọng với nền kinh tế, có độ lan tỏa cao và là một ngành luôn tạo ra khủng hoảng kinh tế.
Theo nghiên cứu về khủng hoảng từ những năm 1970 tới nay, chỉ có 2 nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế là tỷ giá hối đoái (gần đây ít xảy ra vì cơ chế thả nổi) và thị trường bất động sản. Trong 15 năm trở lại đây, phần lớn khủng hoảng bắt đầu từ thị trường bất động sản.
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, khó khăn vướng mắc của thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản đặt ra rất nhiều nhiệm vụ cho Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương và cũng như nhiệm vụ của các doanh nghiệp.
Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, giao nhiệm vụ cho các bộ ngành địa phương thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ cho thị trường. Nhiều giải pháp được triển khai đã có kết quả cụ thể và tác động tích cực với thị trường. Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi 3 chính sách rất quan trọng gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.