Kích cầu tiêu dùng, động lực giúp 'đầu tàu kinh tế' thoát đình trệ
Tiêu dùng nội địa là giải pháp vừa giúp kinh tế TP.HCM thoát khỏi tình trạng đình trệ, vừa tạo động lực cho "đầu tàu kinh tế" duy trì được sự phát triển bền vững trong dài hạn.
TP.HCM bước vào năm mới 2024 với tác động tiêu cực từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong; thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng thách thức nhiều hơn.
Làm thế nào để "đầu tàu kinh tế" TP.HCM vượt qua thách thức, trở lại quỹ đạo phát triển? PV. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, xung quanh vấn đề này.
'Vượt lên chính mình'
- Quý I/2023, kinh tế TP.HCM “chạm đáy” với mức tăng trưởng 0,7%, nhưng đến cuối năm đã về đích với với mức 5,81%. Con số ấy nói lên điều gì, thưa ông?
TS. Trương Minh Huy Vũ: Tăng trưởng kinh tế TP năm 2023 dù không đạt mục tiêu đề ra (7,5-8%), nhưng TP.HCM vẫn là địa phương thu ngân sách cao nhất nước, ước đạt 446.545 tỷ đồng, tương đương 95,07% dự toán. Đây là một kết quả cho thấy sự nỗ lực toàn diện của thành phố.
Bởi trong năm 2023, tác động từ bối cảnh bên ngoài, các xung đột mang tính toàn cầu khiến vùng nguyên liệu, vùng phân phối, vùng tiêu thụ đều đứt gãy; sức thay thế dù có nhưng vẫn không đủ.
Những tác động đó khiến kinh tế quý I/2023 của TP.HCM chạm đáy với mức tăng trưởng 0,7%. Nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả thành phố, những giải pháp hợp lý, tình hình kinh tế tăng dần từng quý và cán mốc cuối năm với 5,81%.
Đây không phải cuộc chạy đua về chỉ tiêu, mà vấn đề là cần rà soát lại toàn diện các chỉ tiêu không đạt, xem lại việc thu ngân sách có thu đúng, thu đủ không, có điều gì tránh né, gian lận thương mại, buôn lậu không để có chỉ đạo...
Tất nhiên, đó cũng là một thử thách lớn đặt ra cho năm 2024 để thành phố tiếp tục vượt lên chính mình, hoàn thành nhiệm vụ với ngân sách quốc gia.
- “Vượt lên chính mình” vốn là tâm thế của TP.HCM trong suốt quá trình phát triển 50 năm qua. Vậy, trong năm 2024, thành phố tập trung vào trọng điểm gì để trở lại quỹ đạo phát triển vốn có?
Giải pháp cần tập trung nhất hiện nay là kích thích tổng cầu.
Để kích thích tổng cầu, có thể tác động đến 4 cấu thành: Tiêu dùng nội địa, đầu tư (cả đầu tư công, đầu tư tư), chi tiêu - mua sắm chính phủ và xuất khẩu ròng.
Trong 4 yếu tố trên, tiêu dùng nội địa là giải pháp vừa giúp thành phố thoát khỏi tình trạng đình trệ hiện tại của nền kinh tế, vừa tạo động lực duy trì được sự phát triển bền vững trong dài hạn.
TP.HCM vốn có thiên hướng “tiêu dùng” mạnh hơn các nơi khác khi dân số đông, thu nhập bình quân cao nhất nước. Thành phố cũng là địa phương thể hiện tiềm năng và sức mua của thị trường.
Đẩy mạnh mua sắm bằng tín dụng
- Nhưng để kích tiêu dùng nội địa thì một số công cụ như giảm thuế (tax cut) hay trợ cấp (subsidy) thường được sử dụng, mà những công cụ này lại nằm ngoài quyền hạn của thành phố. Vậy theo ông, chúng ta hóa giải nó ra sao?
Đúng vậy. Nên thành phố cần thiết kế các công cụ chính sách có hiệu quả tương tự để tăng sức mua khả dụng của người dân. Mua sắm bằng tín dụng là một công cụ hiệu quả được nhiều nước áp dụng.
Tín dụng có thể giúp người tiêu dùng có thêm thu nhập khả dụng trong ngắn hạn và tăng nhu cầu mua sắm.
Đối với những mặt hàng có giá trị cao, ngoài khả năng chi trả lập tức của người tiêu dùng, thì các chương trình mua sắm tín dụng như mua trả góp không tính lãi suất hay các thẻ chi tiêu dạng tín dụng với nhiều mệnh giá khác nhau sẽ giúp người tiêu dùng có khả năng chi tiêu ngay.
Bên cạnh đó, cần tạo ra các kênh mua bán trực tuyến giúp kết nối người mua và người bán trên diện rộng.
Để đạt được điều này một cách hiệu quả, thương mại điện tử là hướng then chốt, cụ thể là các chương trình mua bán trực tuyến (shopping online). Mô hình này đang bùng nổ mạnh mẽ với việc chính quyền thành phố trong năm 2023 đã đứng ra chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện thúc đẩy khác nhau.
- Ngay trong quý I/2024, thành phố nên và cần làm gì cho chiến dịch ấy?
TP.HCM đang lên kế hoạch tổ chức các hội chợ/sự kiện Tết kết hợp mua sắm - khuyến mãi tập trung để kích thích tiêu dùng, du lịch và giải trí cuối năm.
Trong các sự kiện này sẽ tích hợp giữa các hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thúc đẩy các sự kiện, phiên chợ livestream bán hàng không chỉ là công cụ hỗ trợ, mà phải là một “mặt trận chủ lực” của trao đổi thương mại, dịch vụ và du lịch.
Các hoạt động đó đi liền với các chương trình khuyến mãi tập trung, từ phát hành voucher, phiếu giảm giá cho người lao động, sinh viên đến thúc đẩy các kênh tín dụng tiêu dùng.
Các chương trình mua sắm tín dụng, như mua trả góp không tính lãi suất (trong 10 hoặc 12 tháng); các thẻ chi tiêu dạng tín dụng với nhiều mệnh giá khác nhau thì người dân có thể có khả năng chi tiêu lập tức trong thời gian cao điểm Tết.
Trước mắt, cần “nhúng” các nội dung số, thương mại điện tử trên nền tảng mạng xã hội vào các chương trình tín dụng - vay vốn, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp hiện có.
Bên cạnh đó, các hoạt động gắn kết thương mại - du lịch giữa TP.HCM và các vùng miền cả nước được khởi động mạnh mẽ trong 2 năm qua, nhất là khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL, là tâm điểm của giao dịch hàng hóa.
- Về lâu dài, theo ông nên ưu tiên những đầu việc gì để kích hoạt yếu tố tiêu dùng nội địa?
Kết quả tương lai bắt đầu bằng những việc làm hiện tại. Ngay trong năm 2024, cần củng cố lại niềm tin của người tiêu dùng trong việc đảm bảo chất lượng và xuất xứ hàng hóa; tăng cường khả năng chống thất thu thuế - chống buôn lậu từ các mặt hàng bán trực tuyến.
Tiếp tục triển khai đề án TP trở thành thành trung tâm “thương mại điện tử trên nền tảng mạng xã hội” lớn nhất tại Việt Nam.
Các đề án tái cấu trúc chợ đầu mối, chợ truyền thống đang được xây dựng và cần đưa vào triển khai trong thực tế; cũng như khảo sát quá trình “thích nghi và chuyển đổi” của các đơn vị bán lẻ, phân phối hàng hóa trước làn sóng của thương mại điện tử đang diễn ra mạnh mẽ.
Cùng với đó, chuyển qua “giai đoạn 2” của nhiệm vụ kết nối - liên kết vùng về xúc tiến thương mại. Đó là thúc đẩy đầu tư hoàn thiện hệ thống logistic - giao vận và ứng dụng công nghệ số. Đây chính là nền tảng để hình thành “thị trường tiêu thụ vùng TP.HCM” khi thông tin thị trường, hàng hóa và cả dịch vụ có thể dễ dàng giao thương và vận chuyển, gắn kết với nhau trong thời gian cố định.
Với mục tiêu “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH của Quốc hội”, năm 2024, TP.HCM xây dựng 18 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với 5 chỉ tiêu về kinh tế; 4 chỉ tiêu về xã hội; 4 chỉ tiêu về đô thị; 2 chỉ tiêu về cải cách hành chính và 3 chỉ tiêu về quốc phòng, an ninh. Trong đó, có một số chỉ tiêu quan trọng: GRDP từ 7,5-8%; hoàn thành 100% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước; tổng thu du lịch 190 nghìn tỷ đồng và khách quốc tế 6 triệu lượt; 100% hạ tầng công nghệ thông tin được rà soát, nâng cấp. Đứng đầu trong nhóm 5 tỉnh/thành phố dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh. Phấn đấu đưa vào hoạt động 3 bệnh viện cửa ngõ. Phấn đấu 100% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. |
>> Suy thoái kinh tế ở TP.HCM – Bài 2: Những hàng quán vắng khách