Kiến nghị loạt giải pháp 'nóng' cho thị trường xăng dầu
Góp ý cho dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vừa có loạt kiến nghị mới liên quan thị trường xăng dầu.
Xóa tình trạng doanh nghiệp đầu mối "3 không"
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty Xăng dầu Âu Hải Phát (Lâm Đồng), các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vừa có văn bản gửi các Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng đề xuất 11 nhóm giải pháp cần làm ngay để góp ý kiến cho dự thảo Nghị định mới về xăng dầu. Theo ông Thắng, để giá xăng dầu bám kịp diễn biến thị trường, thì ở nấc cuối trong hệ thống kinh doanh, DN bán lẻ xăng dầu cần được quyết định giá bán lẻ. Cụ thể, trường hợp Nhà nước quy định giá bán lẻ đề nghị chi phí kinh doanh nội địa và lợi nhuận của cả 3 khâu là 3.000 - 5.000 đồng/lít và Nhà nước ban hành tỷ lệ phân chia 3 khâu cụ thể, rõ ràng, minh bạch bằng thông tư bổ sung thay thế cho Thông tư 103, hoặc quy định cụ thể tại nghị định mới. Việc phân chia vai trò và minh bạch chi phí của từng khâu sẽ giúp kiểm soát được đường đi của xăng dầu, tránh được tình trạng chuyển giá.
![]() |
Doanh nghiệp kiến nghị nhiều giải pháp cho thị trường xăng dầu. |
“Việc thực hiện Nghị định 80/2023/NĐ-CP tại một số địa phương có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi không thực hiện cấp phép cho DN bán lẻ được lấy nhiều nguồn là đi ngược với chủ trương chính sách của nhà nước. Đề nghị Chính phủ nghiêm khắc chấn chỉnh”, các DN bán lẻ xăng dầu đề xuất.
Để xoá tình trạng DN đầu mối và thương nhân “3 không”, các DN cho rằng, cơ quan quản lý cần quy hoạch, tổ chức và quản lý chi tiết kho cảng, bến bãi phù hợp với thực tế kinh doanh và năng lực của DN kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Nhà nước thực hiện hoặc giao cho các DN có chức năng dịch vụ, logistics về xăng dầu đảm nhiệm. Việc này sẽ giúp triệt tiêu toàn bộ các hình thức DN đầu mối, thương nhân phân phối “3 không” hoặc không đủ điều kiện tiêu chuẩn nhưng vẫn được cấp phép như trong thời gian qua.
Một giải pháp nóng khác cũng được đưa ra để kiểm soát thị trường chính là cơ quan quản lý Nhà nước cần tập trung thanh tra, xử lý và công khai số lượng xăng dầu tăng sinh do hoạt động nhập khẩu và chênh lệch nhiệt độ do bán buôn nội địa của các DN đầu mối từ trước đến nay. Việc công khai kết quả thanh tra sẽ giúp truy thu, thu đủ thuế cho Nhà nước, ngăn chặn hành vi buôn lậu trốn thuế về sau. “Đề nghị cơ quan Nhà nước xử lý và công khai xử lý nội dung kết luận thanh tra cuối năm 2023 về việc thương nhân đầu mối mua bán lòng vòng thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng”, các DN bán lẻ xăng dầu kiến nghị.
Một giải pháp khác giúp ổn định thị trường, là cần rà soát và thu hồi giấy phép của những đầu mối, thương nhân phân phối không đủ điều kiện để kiện toàn hệ thống cung ứng, phân phối xăng dầu cả nước. Với lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, cần tổ chức học và cấp chứng chỉ 1 lần vô thời hạn. Đặc biệt, trong dự thảo nghị định mới cần hủy bỏ các quy định về thiết bị bán xăng dầu như trong nghị định vì đây là nguyên nhân gây bất ổn mới cho thị trường xăng dầu trong hiện tại và tương lai.
“Nhà nước cần đảm bảo cự ly, độ phủ xăng dầu để phát triển mạng lưới cửa hàng đồng bộ, có hiệu quả, không để tình trạng cây xăng mở tràn lan, vi phạm quy định, tạo điều kiện để các DN lớn thao túng, hợp thức hóa cạnh tranh thương mại nhằm lũng đoạn, thâu tóm thị trường. Cùng đó, cần lập sàn kinh doanh xăng dầu để bạch hóa và tiến tới thị trường hóa ngành xăng dầu. Giải pháp cấp thiết khác là đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước trình Quốc hội về việc ban hành Luật Xăng dầu như đã thực hiện với ngành điện”, các DN kiến nghị.
Về các tầng nấc kinh doanh, DN đầu mối cần tách bạch các mức chi phí của đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý - cửa hàng trong độc lập kê khai, hạch toán thuế nhằm đảm bảo thể hiện đúng, đủ các chi phí và lợi nhuận của từng khâu, không để chuyển giá, trốn thuế ....
Thêm quy định mới cởi trói cho DN
Liên quan đến hoạt động của các đầu mối và thương nhân phân phối, cách đây ít ngày, Văn phòng Chính phủ có văn bản hỏa tốc thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ đối với dự thảo nghị định thay thế Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu và các nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83.
Theo đó, Thường trực Chính phủ cho rằng, liên quan đến việc điều chỉnh giá trong dự thảo nghị định mới, cần thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về giá và theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ can thiệp khi tình hình phức tạp hoặc biến động bất thường. Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng được yêu cầu rà soát kỹ lưỡng để quy định các thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu được quyền mua bán với nhau theo đúng quy định pháp luật.
Một số điểm bổ sung quan trọng khác cũng được đặt ra với Bộ Công Thương liên quan đến việc bảo đảm tăng cường quản lý Nhà nước chặt chẽ, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thành việc số hóa trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trước ngày 30/4/2025. Thương nhân, doanh nhân nào không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế thì coi như không đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu và thu hồi giấy phép; bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả và có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có chế tài xử lý nghiêm vi phạm.
“Một vấn đề đáng lo ngại là việc bổ sung dự trữ quốc gia chưa được quy định rõ ràng theo từng năm. Trong thập kỷ qua, mức tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam đã tăng trung bình 4 - 5% mỗi năm nhưng lượng dự trữ vẫn không thay đổi. Nếu tình trạng này tiếp diễn, nguy cơ thiếu hụt trong trường hợp gián đoạn nguồn cung là rất cao”.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam
Thường trực Chính phủ cũng thống nhất phương án thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông xăng dầu bằng 20 ngày cung ứng như hiện hành và thương nhân phân phối không thực hiện dự trữ lưu thông xăng dầu. Liên quan đến việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá - vấn đề gây tranh cãi giữa hai Bộ Công Thương - Tài chính trước đây- Thường trực Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì theo đúng quy định của pháp luật về giá, bảo đảm công khai, minh bạch và nguyên tắc thống nhất một đầu mối quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương cũng được yêu cầu tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và bảo đảm cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh xăng dầu.
Còn nhiều khoảng trống
Liên quan đến dự thảo Nghị định mới về xăng dầu, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, các Nghị định về xăng dầu trong các năm qua đều nảy sinh những bất cập trong quá trình thực hiện mà nguyên nhân chủ yếu là từ cách xác định giá bán xăng dầu. Trong điều hành và xây dựng Nghị định, cơ quan quản lý đều trực tiếp quyết định giá bán, không trao cho DN quyền quyết định giá bán dù luật đã cho phép.
Theo ông Bảo, Hiệp hội đã có văn bản gửi Thủ tướng về việc nhiều vấn đề cốt lõi liên quan đến an ninh năng lượng chưa được đề cập thấu đáo trong dự thảo Nghị định mới. Trong đó, những vấn đề như bảo quản, thay đổi, bổ sung cách thức đấu thầu, sử dụng Quỹ Bình ổn giá mua xăng dầu dự trữ song hành với xăng dầu dự trữ quốc gia trong bối cảnh Việt Nam mới đảm bảo được 30% nhu cầu tiêu thụ trong nước (7 - 8 triệu tấn dầu thô đáp ứng cho Lọc dầu Dung Quất còn Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn 100% dầu thô phải nhập khẩu). Dự thảo nghị định cũng cho thấy, các vấn đề trọng yếu khác của thị trường xăng dầu như công thức tính giá, quyền quyết định giá của DN, vai trò và quyền hạn mua bán của thương nhân phân phối, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, quyền hạn của các phòng thử nghiệm… vẫn chưa được nghiên cứu, đánh giá và sửa đổi một cách căn cơ.
>> Hạn chót 30/4: Doanh nghiệp xăng dầu sẽ bị thu hồi giấy phép nếu không thực hiện điều này
'Tối hậu thư' về thực hiện xuất hóa đơn điện tử kinh doanh xăng dầu
Hạn chót 30/4: Doanh nghiệp xăng dầu sẽ bị thu hồi giấy phép nếu không thực hiện điều này