Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam mới đây đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc cho ngân hàng xung quanh việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có văn bản số 127/HHNH-PLNV gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang khiến hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) gặp không ít khó khăn.
Cụ thể, liên quan đến việc góp ý Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức lấy ý kiến các TCTD và tổng hợp kiến nghị gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị tháo gỡ một số nội dung tại văn bản số 42/HHNH-PLNV ngày 06/02/2023.
Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc do Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị không được điều chỉnh tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, được ban hành ngày 5/3/2023, dẫn đến các TCTD không thể phát hành trái phiếu riêng lẻ bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn trong năm 2023, không những thế đến nay các tổ chức kiểm toán có uy tín chưa chấp nhận kiểm toán cho các TCTD bởi:
Đầu tiên, về quy định khi phát hành trái phiếu thì Hồ sơ phát hành phải có Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ (theo Điểm đ Khoản 9, Điểm k Khoản 10 Điều 1 Nghị định 65) các TCTD rất khó thực hiện vì: Đặc thù hoạt động của ngân hàng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, dòng tiền lưu thông luân chuyển liên tục, nguồn vốn sau khi được huy động sẽ được hòa lẫn vào tổng nguồn vốn chung (huy động khách hàng, vay vốn nước ngoài, vay/nhận gửi từ các TCTD trong nước…) để sử dụng cho các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng.
Do vậy các TCTD không thể phân định tách bạch, có hệ thống theo dõi riêng nguồn tiền huy động từ phát hành trái phiếu hay từ các hoạt động khác được sử dụng cho các khoản vay, đầu tư cụ thể nào và ngược lại các khoản đã cho vay, đầu tư được lấy từ nguồn vốn cụ thể nào của TCTD. Và càng khó khăn hơn khi vốn huy động từ trái phiếu cho vay đối tượng cụ thể được thu nợ trong khi chưa đến kỳ đáo hạn trái phiếu, nguồn vốn đó sẽ quay vòng đầu tư cho các đối tượng khác .
Thứ hai, về quy định các TCTD phải thực hiện công bố thông tin định kỳ 6 tháng, hàng năm (Điểm c Khoản 16 Điều 1 Nghị định 65). Về nội dung này đến nay 4 công ty kiểm toán lớn có uy tín (KPMG, Ernst&Youg, PwC, Deloilte) không nhận kiểm toán mục đích sử dụng vốn với các trái phiếu còn dư nợ, do các TCTD không thể theo dõi riêng dòng tiền huy động từ phát hành trái phiếu và dòng tiền cho vay ra tương ứng; trong khi hiện nay Bộ Tài chính chưa có thông tư hướng dẫn Nghị định 65 về cách thức thực hiện kiểm toán mục đích sử dụng vốn trái phiếu đối với các doanh nghiệp nói chung và các TCTD nói riêng
Thứ ba, các TCTD phát hành trái phiếu là để bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay và đầu tư của nền kinh tế song để đủ điều kiện phát hành các TCTD phải tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về các tỷ lệ đảm an toàn. Hơn nữa hàng năm các TCTD đều chịu sự kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền về các tỷ lệ an toàn và việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan. Do vậy việc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu phát hành trong thời gian qua luôn đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Đây là nguồn vốn cần thiết và quan trọng hỗ trợ các TCTD có đủ vốn để đầu tư cho các doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh mấy năm gần đây tốc độ tăng trưởng nguồn vốn thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng và thực tế bình quân hàng năm các TCTD phát hành trái phiếu chiếm tỷ lệ từ 30-35% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành, cá biệt năm 2022 tỷ lệ này lên đến 59% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành. Chính vì vậy năm 2022 tốc độ tăng trưởng huy động vốn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng mà các TCTD vẫn đủ nguồn vốn để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp phục vụ sản xuất kinh doanh. Việc quy định điều kiện các TCTD phát hành trái phiếu riêng lẻ như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác là chưa phù hợp với đặc thù của các TCTD.
Từ những vướng mắc nêu trên dẫn tới kể từ khi Nghị định 65 được ban hành và kể cả Nghị định 08 của Chính phủ mới được ban hành, đến nay, các TCTD không thể thực hiện được việc phát hành mới trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023, do không đáp ứng yêu cầu về nội dung tài liệu trong hồ sơ phát hành; đặc biệt là các TCTD sẽ vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định tại Nghị định 65 (đến ngày 31/3/2023 các TCTD phải công bố thông tin Báo cáo về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ năm 2022). Điều này sẽ ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến hoạt động cũng như uy tín của các TCTD, niềm tin của nhà đầu tư, có thể tiếp tục dẫn đến những bất ổn trên thị trường tài chính tiền tệ .
Để tháo gỡ kịp thời vướng mắc nêu trên của các TCTD, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Chính phủ xem xét:
Thứ nhất, sửa đổi quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP theo hướng TCTD không phải thực hiện việc báo cáo và kiểm toán báo cáo về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ để công bố thông tin định kỳ cũng như làm căn cứ phát hành các đợt trái phiếu mới. Nội dung này có thể xem xét bổ sung vào Luật TCTD sửa đổi sắp tới hoặc rà soát lại các tỷ lệ an toàn của các TCTD nếu chưa phù hợp thì sửa đổi bổ sung nhằm đảm bảo hoạt động của các TCTD an toàn, hiệu quả trong đó có việc phát hành và sử dụng trái phiếu riêng lẻ.
Thứ hai, trong thời gian chưa thực hiện kiểm toán được, đề nghị Chính phủ cho phép các TCTD tạm hoãn thực hiện quy định tại Điểm c Khoản 16 Điều 1 Nghị định 65 đến hết 30/6/2023 về việc công bố thông tin định kỳ Báo cáo về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán để các TCTD có thời gian lựa chọn đơn vị kiểm toán.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Mỗi người dân nên có một chữ ký số
16.000 vụ lừa đảo trực tuyến đã xảy ra, gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP