Nơi đây có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa đặc sắc, giàu lòng yêu nước và cách mạng, có nhiều dấu tích phản ánh tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân chống giặc ngoại xâm.
Một trong Tứ trấn Thăng Long
Thành cổ Sơn Tây nằm giữa địa phận hai làng cổ Thuận Nghê và Mai Trai, thuộc thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 45km. Xưa kia, vùng đất địa linh nhân kiệt này được gọi là xứ Đoài - một trong Tứ trấn, nằm ở phía Tây kinh đô Thăng Long.
Thành được xây dựng vào năm 1822 dưới thời vua Minh Mạng triều Nguyễn. Đây tòa thành quân sự bằng đá ong độc đáo nhất Việt Nam, là khu căn cứ quan trọng bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa. Nơi đây có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa đặc sắc, giàu lòng yêu nước và cách mạng, có nhiều dấu tích phản ánh tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân chống giặc ngoại xâm.
Nhiều nghiên cứu cho thấy Thành cổ Sơn Tây là đại diện cho thời kỳ xây dựng thành lũy nhiều nhất ở Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm, chiến tranh, bão lũ, Thành cổ Sơn Tây hiện còn những dấu tích tốt minh chứng cho kỹ thuật xây dựng công trình quân sự phòng thủ ở phía Bắc.
Thành được xây đắp hoàn toàn bằng đá ong - loại vật liệu xây dựng đáp ứng được yêu cầu của một công trình phòng thủ, bền chắc, có rất nhiều ở xứ Đoài.
Thành cổ Sơn Tây có mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 400m, tổng diện tích khoảng 16ha. Theo các tư liệu cũ, khi tường thành chưa bị phá hủy, đây là công trình đồ sộ, kiên cố với chiều cao trung bình khoảng 5m, chân thành rộng 6m, mặt thành rộng 4m. Xung quanh thành có hào sâu 3m, rộng 20m. Hào hộ thành được nối thông với sông Tích Giang. Ngoại thành có thêm một lớp bảo vệ là La thành, đắp bằng đất theo 4 hướng.
Thành có 4 cửa quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông lần lượt có tên là cửa Hậu, cửa Tiền, cửa Hữu, cửa Tả. Trước mỗi cổng có 2 khẩu súng thần công dùng để bảo vệ thành. Phía trên mỗi cổng đều có lầu canh (vọng lâu), ngoài ra bề mặt thành có nhiều lỗ để quân lính nấp từ trong bắn súng ra ngoài.
Bên trong thành cổ có kỳ đài và điện Kính Thiên (Vọng cung). Kỳ đài cao 18m, là nơi thượng cờ và là đài quan sát của binh lính. Ðiện Kính Thiên được sử dụng như là hành cung của nhà vua. Ngoài ra, Thành cổ Sơn Tây còn có nhiều công trình lớn nhỏ như dinh Tổng đốc, Bố chính, Án sát, kho tiền, nhà chứa vũ khí, kho lương thực, cột cờ, võ miếu…
Trong cuốn hồi kí viết vào tháng 4/1884, viên bác sỹ quân đội viễn chinh Pháp là Charles Edouard Hocquard mô tả về kiến trúc trong thành Sơn Tây như sau: “... Bên trong, giữa thành có một tháp cao 18m (tức cột cờ). Còn lại là hành cung, nhà ở của các quan tỉnh và kho lương. Phía trước tháp có 2 bể nước lớn hình vuông, xung quanh xây gạch và lan can bảo vệ. Theo người ta nói lại, trước đây một bể chứa nước dùng cho quân đồn trú, còn một bể dùng nuôi cá phục vụ bữa ăn...".
Là công trình có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, năm 1924, Thành cổ Sơn Tây được Toàn quyền Đông Dương ra nghị định xếp hạng di tích. Năm 1994, Thành cổ Sơn Tây được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Điểm đến văn hóa, lịch sử hấp dẫn du khách
Hiện nay, Thành cổ Sơn Tây đã trở thành một di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc quân sự độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Từ Hà Nội có thể đi xe bus đến Thành cổ Tây Sơn thuận tiện, nhanh chóng, chỉ mất thời gian hơn 1 tiếng. Du khách có thể tới đây bằng cách bắt xe buýt số 20A, 20B, 70, 71, 77, 79, tùy thuộc vào vị trí xuất phát.
Nếu đi bằng phương tiện cá nhân từ Hà Nội, du khách theo hướng quốc lộ 32 tới Sơn Tây. Khi đến bùng binh Chùa Thông, rẽ vào đường Phùng Khắc Khoan, chạy xe hơn 1km nữa là đến Thành cổ Sơn Tây. Điểm tham quan này miễn phí vé vào cửa. Tuy nhiên sẽ phải mất chi phí gửi xe.
Không chỉ là nơi có ý nghĩa văn hóa, lịch sử, kiến trúc và là nơi giúp giới trẻ hiểu thêm về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc, Thành cổ Sơn Tây còn để lại ấn tượng bởi khung cảnh đẹp, yên bình, thảm thực vật phong phú. Đến đây vào mùa xuân, du khách sẽ được ngắm nhìn hàng cây cơm nguội khoe lá mới. Tháng 3 hoa gạo nở đỏ rực. Thu đến những hàng bồ kết dại tỏa sắc vàng.
Mặc dù không tách biệt hẳn với phố phường thị xã Sơn Tây nhưng chỉ cần đi vào khuôn viên của Thành cổ, mọi người sẽ cảm nhận được bầu không khí yên bình, trong lành, cách xa sự ồn ào náo nhiệt.
*Tổng hợp
>> Sân vận động 'ngủ quên' cả thập kỷ giữa Hà Nội, dự kiến tốn hơn 200 tỷ đồng cải tạo, sửa chữa