Đồng Ruble mạnh lên gần đây và doanh thu từ việc bán năng lượng với giá cao đang tạo ra rủi ro cho sự phát triển của nền kinh tế Nga trong dài hạn.
Tiến sĩ Kinh tế, Denis Domashchenko cho rằng, sự kết hợp giữa Ruble mạnh và giá dầu cao sẽ tạm thời kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, đồng nội tệ mạnh lên cũng có thể đẩy nhanh tốc độ tăng giá tiêu dùng trong tương lai.
Vào ngày 23/5, Ruble đã tăng hơn 6% so với EUR đạt mức 58,75 Ruble đổi một EUR, cao nhất kể từ tháng 6/2015. So với USD, đồng tiền Nga tăng 4,6% lên mức 57,47 vào ngày 20/5, không xa so với đỉnh trong 4 năm.
Nhà phân tích Denis Domashchenko cảnh báo rằng sự thống trị của doanh thu ngành năng lượng cùng với đồng tiền quốc gia lên giá có thể gây ra "căn bệnh Hà Lan".
Tình trạng này có thể phát sinh từ việc giá trị đồng tiền của quốc gia mạnh lên đột biến do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của một ngành chiếm ưu thế, thường là nhiên liệu hóa thạch.
Lúc đầu, dòng ngoại tệ đổ vào làm giảm lạm phát trong nước, nhưng đồng thời, tình trạng này cũng làm chậm sự phát triển của những ngành khác và cản trở tăng trưởng kinh tế, cuối cùng dẫn đến giá cả tăng.
Tỷ giá hối đoái cao sẽ gây ra tình trạng trì trệ ở các lĩnh vực công nghệ cao của nền kinh tế và dẫn đến tăng giá cả trong tương lai.
Theo Tiến sĩ Domashchenko, việc thiết lập một tỷ giá hối đoái cố định bằng ruble thay vì chính sách thả nổi đang được sử dụng tại Nga kể từ 2014 sẽ giúp tạo ra sự cân bằng giữa điều tiết lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Nhà kinh tế này cho rằng một cơ chế tương tự trước đây đã giúp ổn định tình hình kinh tế ở Trung Quốc.