Thế giới

Kinh tế toàn cầu 'lung lay': Hàng tồn, đơn tắc, doanh nghiệp khốn đốn vì thuế quan

Chung Khanh 05/07/2025 10:16

Ông Wayne Winegarden, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Pacific, cảnh báo: “Ông Donald Trump không sai khi nói thuế sẽ làm 'tổn thương' các nước khác. Nhưng ông quên mất rằng người chịu ảnh hưởng lớn nhất là chính nước Mỹ”.

Vào tháng Năm, Vương quốc Anh trở thành quốc gia đầu tiên ký thỏa thuận thương mại với Mỹ. Điều này được xem là hình mẫu để các đối tác thương mại khác của nền kinh tế lớn nhất thế giới noi theo. Tuy nhiên, hiện tại, các chi tiết của hiệp định với Anh vẫn chưa được công bố rõ ràng, thậm chí có nguy cơ bị điều chỉnh.

Hiện Anh đang cố gắng xin miễn áp dụng mức thuế cao hơn đối với thép. Tuy nhiên, theo sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump, ông có toàn quyền áp dụng lại mức thuế 50% nếu cho rằng Anh không tuân thủ cam kết giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng.

Tác động ban đầu đã bắt đầu rõ rệt: Trong tháng Năm, Mỹ thu được 24,2 tỷ USD từ thuế nhập khẩu – gần gấp bốn lần so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao kỷ lục. Cùng thời điểm, nhập khẩu từ Trung Quốc giảm mạnh 43% so với tháng 5 năm 2024.

Tuy nhiên, với các chính sách thay đổi chóng mặt phụ thuộc vào quyết định của ông Trump, việc lập kế hoạch dài hạn cho chuỗi cung ứng trở nên cực kỳ khó khăn đối với các doanh nghiệp.

Theo ông Neil Shearing, kinh tế trưởng của Capital Economics: “Di dời nhà máy là quyết định kéo dài từ 8 đến 10 năm, nhưng khi bạn không thể đoán được điều gì sẽ xảy ra vào tuần tới, chứ chưa nói đến năm sau hay năm năm tới, thì chiến lược khả thi nhất là duy trì hiện trạng”.

Cú sốc mang tên “Ngày giải phóng” mà Trump tuyên bố hôm 2/4 nhanh chóng bị xoa dịu chỉ một tuần sau đó khi ông công bố thời gian hoãn áp thuế trong 90 ngày. “Tâm lý thị trường chuyển từ hoảng loạn cực độ sang lo lắng có điều kiện”, ông Heiko Schwarz, chuyên gia chuỗi cung ứng tại Sphera, nhận định.

Hiện tại, khi nhiều quốc gia đang chạy đua để đạt thỏa thuận với ông Trump trước hạn chót ngày 9/7, tâm lý bất an vẫn bao trùm các phòng họp của tập đoàn đa quốc gia và chuỗi cung ứng toàn cầu.

screenshot-2025-07-05-091841.png
Hiện tại, khi nhiều quốc gia đang chạy đua để đạt thỏa thuận với ông Trump trước hạn chót ngày 9/7

Chiến lược tạm thời, tồn kho và tắc nghẽn cảng biển

Nhiều doanh nghiệp lựa chọn giải pháp “án binh bất động”. Ông Simon Geale, Phó Chủ tịch điều hành tại công ty tư vấn chuỗi cung ứng Proxima (thuộc sở hữu của Bain & Company), cho biết: “Chúng tôi thấy có sự gia tăng trong việc đa dạng hóa nguồn cung ứng, nhưng đa số vẫn chờ đợi xem tình hình sẽ diễn biến ra sao”.

Các nhà nhập khẩu đang tích trữ hàng hóa nhiều hơn và tăng cường sử dụng kho ngoại quan - nơi cho phép lưu giữ hàng hóa đến 5 năm mà chưa phải nộp thuế cho đến khi hàng được tung ra thị trường. Tuy nhiên, chi phí lưu trữ tại các kho này hiện đã cao gấp bốn lần so với kho thông thường.

Tác động lan tỏa khác là tình trạng tắc nghẽn tại các cảng – nơi vận chuyển tới 90% hàng hóa thương mại toàn cầu. Tại cảng Rotterdam, cảng lớn nhất châu Âu, Giám đốc điều hành Boudewijn Siemons dự báo giá hàng tiêu dùng sẽ tăng khi các công ty điều hướng lại chuỗi cung ứng. “Tôi luôn ngạc nhiên với khả năng điều hướng nhanh chóng của chuỗi cung ứng. Tàu có chân vịt và bánh lái, nên chúng có thể đi bất cứ đâu”, ông nói.

Đầu tư và sáp nhập bị “đóng băng”

Tác động không chỉ giới hạn ở chuỗi cung ứng. Các quyết định đầu tư đang bị trì hoãn, còn hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) đang sụt giảm do bất ổn gia tăng.

1-2-.jpg
Các quyết định đầu tư đang bị trì hoãn, còn hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) đang sụt giảm

Theo ông Mats Persson, cựu cố vấn Bộ Tài chính Anh và hiện làm việc tại EY: “Nếu bạn bị ảnh hưởng trực tiếp, có thể bạn sẽ điều chỉnh lại cơ cấu chuỗi cung ứng. Nhưng tác động lớn hơn là hiệu ứng đóng băng đối với các thương vụ. Điều đó còn ảnh hưởng nặng hơn cả việc chuyển sản xuất ra khỏi ‘bức tường thuế quan’ của ông Trump”.

Và tất cả phụ thuộc vào một con người, theo Shearing: “Đây là điểm khác biệt lớn với đại dịch Covid-19 hay khủng hoảng tài chính 2008 – mọi thứ giờ đây tùy thuộc vào ông Donald Trump”.

Xu hướng “friendshoring” tăng nhưng khó khăn

Từ khi Tổng thống Trump bắt đầu áp thuế lên Trung Quốc năm 2018, xu hướng “friendshoring” – dịch chuyển sản xuất sang các nước thân thiện với Mỹ – đang tăng. Tuy nhiên, việc di dời nhà máy rất phức tạp.

Một khảo sát của Bain thực hiện trước cuộc tái đắc cử của ông Trump cho thấy, 80% Giám đốc điều hành có kế hoạch tăng cường nội địa hóa chuỗi cung ứng trong 3 năm tới, tăng từ 63% năm 2022, nhưng chỉ 2% thực sự triển khai được.

“Chuyển nhà cung cấp hay di dời nhà máy nói thì dễ, làm mới khó. Tất cả doanh nghiệp đều ngắm đến cùng một vài địa điểm, dẫn đến thiếu hụt lao động tay nghề cao và mặt bằng nhà máy”, ông Geale nói.

Việc thay đổi chuỗi cung ứng cũng tùy thuộc từng loại sản phẩm. Theo bà Olivia Smith từ Viện Toàn cầu McKinsey, pin lithium-ion dễ chuyển nguồn cung hơn laptop; áo thun dễ hơn vớ. “Nếu đi sâu vào từng sản phẩm, bạn sẽ thấy mỗi chuỗi cung ứng có động lực và mức độ linh hoạt khác nhau”, bà nói thêm

Thậm chí, theo ông Persson tại EY, thuế quan hiếm khi là lý do đủ mạnh để di dời sản xuất. Những thay đổi quy định – ví dụ quy định từ 2027 cấm phần mềm Trung Quốc trong ô tô bán tại Mỹ – mới là động lực chính.

Ngành dược liệu đứng trước rủi ro cao

Với các ngành có quy định nghiêm ngặt như dược phẩm, việc di dời sang Mỹ cực kỳ tốn kém. Dù vậy, chính quyền Tổng thống Trump vẫn cân nhắc áp thuế riêng với nhập khẩu dược phẩm, trong đó đặc biệt nhắm tới Ireland – nơi đặt nhà máy của nhiều hãng dược lớn như Merck, Roche, Johnson & Johnson.

Ngành này đang tích trữ hàng tại Mỹ để sẵn sàng đối phó nếu thuế cao được áp dụng. "Yếu tố chính hiện tại là bất định, dẫn tới tình trạng ‘đóng băng’ đầu tư", theo Lawrence Lynch, chuyên gia tại Metatron Consulting (Ireland).

l2busqtz2ei6xdc6glshwqvvdm.jpg
Mỹ vẫn cân nhắc áp thuế riêng với nhập khẩu dược phẩm, trong đó đặc biệt nhắm tới Ireland – nơi đặt nhà máy của nhiều hãng dược lớn như Merck, Roche, Johnson & Johnson

“Việc thay đổi chuỗi cung ứng cần nhiều năm, không thể xảy ra trong ngày một ngày hai”, ông Stefan Oelrich, người đứng đầu mảng dược phẩm tại Bayer, nói với báo chí hồi tháng Sáu ở Brussels. Ông cũng cảnh báo: “Sự gián đoạn này sẽ đẩy giá thuốc lên, và ai đó sẽ phải gánh chịu”.

Hậu quả rõ ràng nhất: Thương vụ "gặp khó"

Theo ông Persson, tác động rõ rệt nhất từ thuế quan của Trump đến nay không phải là tái cấu trúc chuỗi cung ứng, mà là sự sụt giảm đột ngột trong hoạt động mua bán doanh nghiệp. Một khảo sát của PwC vào tháng Năm cho thấy 30% nhà đầu tư đang tạm hoãn hoặc điều chỉnh thương vụ do lo ngại thuế quan.

Một số thương vụ bị dừng lại bao gồm: Đề xuất mua lại mảng điều hướng của Boeing, và thương vụ 4 tỷ bảng Anh từ tập đoàn Apax bán công ty bảo hiểm PIB.

Trái với kỳ vọng ban đầu rằng việc ông Trump trở lại Nhà Trắng sẽ thúc đẩy làn sóng M&A nhờ các chính sách nới lỏng, ông Josh Smigel từ PwC cho biết hiện các quỹ đầu tư tư nhân đang “kẹt” khoảng 1.000 tỷ USD tài sản không thể tái đầu tư do kế hoạch thoái vốn bị ngưng trệ.

“Chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến điều gì như thế này. Và nó vẫn đang tiếp tục tăng theo từng quý. Không chỉ do thị trường hay lãi suất – mà do những thay đổi chính sách táo bạo khiến giới đầu tư không lường trước được”, ông nói.

Nguy cơ dài hạn cho kinh tế Mỹ

Ngay cả khi một số ý kiến cho rằng cuộc chiến thuế quan này là “chiến tranh giả” – vì thị trường chứng khoán Mỹ đã hồi phục sau cú sụt giảm đầu tháng 4 – các chuyên gia vẫn cảnh báo nguy cơ dài hạn.

Theo dữ liệu từ Yale Budget Lab, mức thuế nhập khẩu trung bình thực tế của Mỹ hiện đã lên tới 15,8% – mức cao nhất kể từ năm 1936. Con số này đã tăng hơn 13 điểm phần trăm kể từ khi ông Trump quay trở lại Nhà Trắng vào tháng Một.

Ngân hàng Thế giới và OECD đều đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ và toàn cầu trong tháng Sáu, một phần do bất ổn từ chính sách thương mại.

Một số hàng hóa như đồ chơi, chuối và thiết bị điện tử lớn – những mặt hàng không có nguồn thay thế dễ dàng – đang bắt đầu tăng giá vì ảnh hưởng thuế. Việc ông Trump tăng gấp đôi thuế nhập khẩu thép lên 50% từ ngày 3/6 cũng đang phản tác dụng: Giá nguyên liệu tăng, ảnh hưởng đến ngành sản xuất Mỹ.

Ông Wayne Winegarden, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Pacific, cảnh báo: “Ông Trump không sai khi nói thuế sẽ làm 'tổn thương' các nước khác. Nhưng ông quên mất rằng người chịu ảnh hưởng lớn nhất là chính nước Mỹ”.

screenshot-2025-06-11-192824.png
Ông Trump không sai khi nói thuế sẽ làm 'tổn thương' các nước khác. Nhưng ông quên mất rằng người chịu ảnh hưởng lớn nhất là chính nước Mỹ

Ông và các chuyên gia khác dẫn chứng năm 2018: Thuế thép của Trump giúp tạo ra 1.000 việc làm trong ngành thép nhưng khiến 75.000 việc làm khác bị mất, theo dữ liệu từ Econofact.

Niềm tin kinh doanh cũng đang giảm. “Các doanh nghiệp từng lạc quan về cắt giảm thuế và nới lỏng quy định đầu năm, giờ đang mất dần hy vọng”, ông Atakan Bakiskan từ ngân hàng Berenberg viết trong báo cáo tháng Sáu. Nhiều chỉ số về kế hoạch đầu tư và đơn hàng mới đều đang co hẹp.

“Thoạt nhìn, thuế chỉ ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng và kinh doanh, chưa gây tổn thất rõ ràng. Nhưng hiệu ứng đình lạm (stagflation) từ thuế vẫn đang âm ỉ. Chúng tôi dự báo các dấu hiệu tổn thất kinh tế sẽ rõ ràng hơn trong vài tháng tới”, ông nói.

Cho đến khi có dữ liệu rõ ràng hơn, giới đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp buộc phải sẵn sàng đối phó với mọi kịch bản. “Rủi ro với đầu tư là rất lớn, nhưng hiện tại nó mới chỉ xuất hiện trong ý định đầu tư, chưa hiện rõ trong số liệu thực tế. Nó có thể thành hiện thực – hoặc cũng có thể biến mất”, Shearing kết luận.

Tham khảo FT

>> Nóng: Mỹ dự kiến siết xuất khẩu chip AI sang Malaysia và Thái Lan, chuyện gì đã xảy ra?

Mỹ dọa đánh thuế mới với Nhật Bản, tuyên bố hoàn tất các thỏa thuận thương mại với hàng loạt quốc gia sau ngày 4/7

Nóng: Bắc Kinh lên tiếng về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/kinh-te-toan-cau-lung-lay-hang-ton-don-tac-doanh-nghiep-khon-don-vi-thue-quan-146150.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Kinh tế toàn cầu 'lung lay': Hàng tồn, đơn tắc, doanh nghiệp khốn đốn vì thuế quan
    POWERED BY ONECMS & INTECH