Quốc tế

Kinh tế xanh - Hướng đi tất yếu cho sự phát triển bền vững

PV 24/01/2024 08:40

Với mong muốn giúp cho các bạn trẻ học sinh, sinh viên có thể có được cái nhìn sâu sắc hơn về kinh tế "xanh", Câu lạc bộ Kinh tế Toàn cầu (GEC) trường Đại học Ngoại thương, dưới sự bảo trợ của khoa Kinh tế Quốc tế, đã tổ chức hội thảo: “Kinh tế xanh - Hướng đi tất yếu cho sự phát triển bền vững”.

Tổng quan về kinh tế “xanh”

Tiến sĩ Mai Nguyên Ngọc, Giảng viên trường ĐH Ngoại Thương mở đầu buổi hội thảo với các vấn đề về kinh tế “nâu" (brown economy). Đó là nền kinh tế dựa vào các nguồn năng lượng hóa thạch, bỏ qua các vấn đề xã hội, suy thoái môi trường và suy giảm tài nguyên thiên nhiên.

Trung Quốc được lấy làm ví dụ để miêu tả về kinh tế “nâu”. Trong quá khứ, đất nước này đã mắc phải một số sai lầm, dẫn đến không tối ưu hóa được các nguồn năng lượng hóa thạch. Với quan điểm ưu tiên tăng trưởng kinh tế, quốc gia này đã đạt được những bước tiến nhanh chóng, vươn lên trở thành cường quốc kinh tế. Tuy nhiên quốc gia này cũng đồng thời phải đối mặt với những hệ quả của nền kinh tế nâu, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái suy giảm nghiêm trọng.

Kinh tế xanh - Hướng đi tất yếu cho sự phát triển bền vững
Tiến sĩ Mai Nguyên Ngọc, Giảng viên trường ĐH Ngoại Thương, thuyết trình tại hội thảo

Trong bối cảnh nguyên-nhiên liệu hóa thạch ngày càng khan hiếm và nhu cầu giảm thiểu tối đa khí thải trở nên cấp thiết, thế giới ngày càng nhận thức rõ phải thay đổi cơ cấu nền kinh tế. Và thế giới không có cách nào khác ngoài việc hướng đến một nền kinh tế “xanh".

Kinh tế “xanh” là khái niệm dùng để chỉ mô hình kinh tế mới đã xuất hiện từ năm 1989 nhưng trở nên phổ biến hơn từ năm 2008. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) đã nhắc đến khái niệm này và cho rằng đây là một lối thoát quan trọng cho các quốc gia, hướng đến phát triển bền vững.

Kinh tế xanh ở Việt Nam: Các ngân hàng triển khai ESG như thế nào?

Tiếp nối chủ đề kinh tế “xanh” trên thế giới, Tiến sĩ Hoàng Đình Minh, Phó Trưởng phòng Ngân hàng Trung ương và các định chế tài chính thuộc Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trình bày về chủ đề “ESG và việc triển khai tại các ngân hàng ở Việt Nam".

Thực hành đầu tư ESG đã được khởi động vào những năm 1960 tại Mỹ với tư cách là các hoạt động đầu tư có trách nhiệm với xã hội và thân thiện với môi trường. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ loại khỏi danh mục đầu tư của họ các dự án hoặc ngành nghề có tác động xấu đối với môi trường và xã hội, ví dụ như ngành sản xuất thuốc lá hoặc các dự án mà trong đó có sự phân biệt chủng tộc…

Kinh tế xanh - Hướng đi tất yếu cho sự phát triển bền vững
Tiến sĩ Hoàng Đình Minh, Viện Chiến lược Ngân hàng, thuyết trình tại hội thảo

Sự gia tăng trong nhận thức và mối quan tâm về các yếu tố ESG từ các bên liên quan (nhà đầu tư, khách hàng, cộng đồng) đòi hỏi ngân hàng phải nắm bắt và quản lý các yếu tố “vô hình” trong hoạt động kinh doanh, thông qua việc tích hợp và minh bạch các vấn đề liên quan ESG. Việc quản lý kém các vấn đề ESG có thể tiềm ẩn rủi ro danh tiếng (phá hủy hình ảnh thương hiệu), ảnh hưởng đến lợi nhuận dài hạn, sự ổn định tài chính của ngân hàng.

Hơn nữa, các ngân hàng tích hợp ESG vào mô hình kinh doanh sẽ có lợi thế trong việc thấu hiểu và nắm bắt nhu cầu chuyển đổi của khách hàng, đồng thời đảm bảo mối quan hệ kinh doanh bền vững với họ. Điều này có thể trở thành một lợi thế cạnh tranh, tạo ra các dòng doanh thu mới.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước coi việc thúc đẩy triển khai ESG như một biện pháp để thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, chiến lược phát triển của ngành và Phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh.

Mới đây nhất, Thông tư số 17/2022/TT-NHNN đã đưa ra hướng dẫn và quy định bắt buộc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.

Kinh tế xanh - Hướng đi tất yếu cho sự phát triển bền vững

Kết quả thống kê cho thấy hiện có 47,37% ngân hàng thương mại (NHTM) đã xây dựng quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, trong đó có 10 NHTM (chiếm 26,31%) xây dựng quy định nội bộ trên cơ sở tham khảo chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, đã có 12 NHTM thành lập bộ phận chuyên trách để quản lý rủi ro môi trường và xã hội (chiếm 27%).

Đáng chú ý, các con số thống kê này chủ yếu tập trung trong khối NHTM cổ phần. Trong nhóm 4 NHTM có vốn sở hữu của Nhà nước, chỉ có VietinBank đã xây dựng quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, đồng thời không có ngân hàng nào thành lập bộ phận quản lý chuyên trách.

Các chi nhánh NHNN hiện đang dựa vào hệ thống, quy định của tập đoàn/ngân hàng mẹ, đã tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như “Nguyên tắc xích đạo”, hướng dẫn môi trường và xã hội của IFC, phát triển bền vững của UN… . Đồng thời, việc đánh giá rủi ro môi trường và xã hội sẽ do bộ phận chuyên trách tại ngân hàng mẹ tiến hành đối với hoạt động tín dụng tại chi nhánh.

Nhiệm vụ thiết lập hệ thống báo cáo về hoạt động quản lý rủi ro môi trường hiện đang được triển khai một cách hạn chế với 20,5% NHTM và 18,37% chi nhánh NHNN có báo cáo đánh giá rủi ro môi trường cho cả hệ thống/báo cáo kiểm toán.

Đến cuối năm 2022, 90,12% các NHTM, chi nhánh NHNN đã đánh giá rủi ro môi trường đối với một phần hoặc toàn bộ các khoản vay. Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường cuối năm 2022 đạt 2,36 triệu tỷ đồng, gấp hơn 10 lần cuối năm 2017. Tỷ trọng tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường tăng từ khoảng 3,5% lên 20% trong giai đoạn này.

Thách thức trong việc triển khai ESG tại các ngân hàng Việt Nam

Theo Tiến sĩ Hoàng Đình Minh, hiện tại hành lang pháp lý cho ESG ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Sự mới mẻ của khái niệm ESG đối với cả ngân hàng và khách hàng đang ngăn cản tầm nhìn chiến lược, làm chậm quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững của ngân hàng và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chi phí xây dựng bộ máy khá lớn vì trong giai đoạn đầu, các ngân hàng phải gia tăng chi phí, nguồn lực để xây dựng phòng ban chuyên trách, thiết kế các chương trình đào tạo về các tiêu chuẩn môi trường và xã hội, kỹ năng đánh giá rủi ro ESG trong thẩm định tín dụng…

Hơn nữa, các lợi ích từ ESG chủ yếu mang tính chất dài hạn, do vậy đòi hỏi các ngân hàng phải có chiến lược, tầm nhìn để cân đối nguồn lực của tổ chức và khả năng đáp ứng của khách hàng.

Do đó, các Bộ, ngành có liên quan rất cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp lý trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, tín dụng xanh, kinh tế số… để xây dựng khung chính sách hoàn thiện về ESG. Đồng thời các cơ quan cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, phổ cập và nâng cao kiến thức, kỹ năng về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, đạo đức kinh doanh, quản trị…

Về phía các tổ chức tín dụng (TCTD), cần nhìn nhận đây là cơ hội để đón đầu xu thế quốc tế, tận dụng các cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư ESG. Qua đó, trên cơ sở định hướng kinh doanh, nguồn lực và điều kiện của mỗi TCTD, chủ động tiếp cận, sớm có lộ trình áp dụng các chuẩn mực ESG.

TCTD cần tạo lập phòng ban chuyên trách để chuyên môn hóa, đảm bảo chất lượng giám sát, đánh giá định kỳ. Việc áp dụng ESG cần được thực hiện có lộ trình để tạo điều kiện cho khách hàng chuyển đổi dần và tối ưu hóa lợi ích đôi bên.

G’Talk là sự kiện thường niên do câu lạc bộ Kinh tế Toàn cầu GEC - Đại học Ngoại Thương đứng ra tổ chức. Với sự thành công của G’Talk 2023 với hơn 1.000 người đăng ký tham gia sự kiện và đã trải qua hơn 10 mùa tổ chức, đầu năm 2024, G’Talk đã chính thức trở lại với 3 buổi hội thảo về các chủ đề kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn.

Buổi hội thảo tiếp theo với chủ đề "Kinh tế tuần hoàn - Động cơ vĩnh cửu của phát triển bền vững" sẽ diễn ra vào lúc 18h00 tối 24/1, tại Hội trường D201 trường ĐH Ngoại Thương, 91 Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội.

Ngành Lâm nghiệp tiếp cận với kinh tế xanh

TPHCM cùng các tỉnh ĐBSCL liên kết để hướng tới kinh tế xanh và bền vững

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kinh-te-xanh-huong-di-tat-yeu-cho-su-phat-trien-ben-vung-221151.html
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Kinh tế xanh - Hướng đi tất yếu cho sự phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS & INTECH