Dù ghi nhận sự phân hóa trong quý 4 song 2022 vẫn là năm thắng lớn với VHC, MPC và nhiều doanh nghiệp thủy sản, nhất là nhóm đầu ngành.
Trong quý 4/2022, Vĩnh Hoàn (Mã VHC) hụt đi hơn một nửa lợi nhuận so với cùng kỳ, chỉ còn gần 200 tỷ đồng. Đây cũng là quý lãi thấp nhất năm 2022 của "nữ hoàng cá tra". Trong khi đó, "ông lớn" ngành tôm Sao Ta (Mã FMC) cũng giảm 26% lợi nhuận về còn hơn 80 tỷ đồng.
Nhóm các doanh nghiệp thủy sản có thị phần nhỏ hơn cũng ghi nhận tình trạng lao dốc trong đó CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia (Mã IDI) báo lãi giảm hơn 70% YoY về còn 25 tỷ; Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) cũng đi lùi 76% còn hơn 4 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp có quý thứ 2 liên tiếp suy giảm lợi nhuận chia bức tranh kinh doanh của ngành thủy sản thành hai mảng đối lập.
Ở chiều ngược lại, vẫn có những doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trong quý 4/2022 trong đó AGF chuyển từ khoản lỗ 13 tỷ lên mức lãi 1 tỷ đồng; DAT đạt mức tăng trưởng gần 400%, ANV ghi nhận mức tăng gấp đôi lên 107 tỷ. Đặc biệt "vua tôm" Minh phú dù chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất xong công ty mẹ MPC cũng ghi nhận lãi ròng quý 4 tăng tới 238% YoY lên mức 314 tỷ. Đáng nói, đây cũng là quán quân về lợi nhuận nhóm thủy sản trong quý 4 vừa qua.
Nửa đầu năm 2022, ngành này hưởng lợi liên tiếp nhờ giá bán tốt và thị trường xuất khẩu thuận lợi trong đó VHC, FMC và IDI đồng loạt có mức lợi nhuận cao nhất lịch sử vào quý 2. Tình hình dần xấu đi khi càng dần về cuối năm, xuất khẩu hạ nhiệt.
Ban lãnh đạo các doanh nghiệp đều nêu rằng ngành này đang chịu áp lực từ 2 phía. Ở đầu vào, chi phí nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng trong khi đầu ra tiêu thụ gặp khó vì sản lượng và giá bán giảm.
Đại diện Sao Ta cho biết, sức tiêu thụ thủy sản trầm lắng vì ảnh hưởng bởi tình hình lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới.
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), tháng 11/2022 là tháng đầu tiên kể từ đầu năm tăng trưởng xuất khẩu thủy sản rơi xuống mức âm (giảm hơn 14%) so với cùng kỳ năm ngoái. Sang tháng 12, chỉ số này tiếp tục âm 13% (tính chung quý 4/2022 tăng trưởng xuất khẩu thủy sản âm 9%).
Dù vậy, không thể phủ nhận đà tăng trưởng trong bức tranh kinh doanh ngành thủy sản trong đó quán quân lợi nhuận thuộc về "nữ hoàng" cá tra Vĩnh Hoàn với khoản lãi sau thuế kỷ lục hơn 2.000 tỷ đồng; ANV cũng báo lãi tăng gấp hơn 5,2 lần năm 2021 - đạt 674 tỷ đồng, công ty mẹ MPC cũng ghi nhận mức tăng gần 60% YoY lên mức 802 tỷ hay như Thủy sản IDI cũng tăng gấp 3,9 lần cùng kỳ - đạt 559 tỷ.
Bước sang năm 2023, giới phân tích đánh giá thị trường thủy sản vẫn còn nhiều rủi ro trước nguy cơ lạm phát làm giảm sức mua và rủi ro chênh lệch tỷ giá. Tổng Cục Thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu nhóm hàng này đạt 10 tỷ USD cho năm nay - giảm 9% so với cùng kỳ. Riêng tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 600 triệu USD - giảm 36% trong đó mảng cá tra giảm 50%, tôm giảm 46% và cá ngừ giảm 32%,...
Mới đây, nhóm phân tích SSI Research cũng đưa ra dự báo kém khả quan trong bối cảnh hàng tồn kho thủy sản còn nhiều. Đơn vị này dự báo hàng tồn kho sẽ được xử lý hoàn toàn vào khoảng quý 3/2023; khi đó các đơn đặt hàng mới được khởi động trở lại.
Ngoài ra, SSI cũng cho rằng giá bán bình quân mặt hàng này sẽ giảm 20 - 30% so với cùng kỳ trong năm 2023 và chi phí thức ăn cũng sẽ giảm theo.
Nhìn chung, tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ giảm kết hợp chi phí tài chính tăng có thể khiến các công ty công bố mức tăng trưởng lợi nhuận âm cả năm.
Nếu Mỹ áp thuế lên hàng Việt, chứng sĩ và người tiêu dùng trong nước sẽ ra sao?
Thương mại Việt Nam – Trung Quốc bứt phá, hướng tới kỷ lục chưa từng có