KQKD quý II/2022 của nhóm hàng không: Nhiều ông lớn vẫn "say đòn" COVID

11-08-2022 06:43|Nhật Hà

Du lịch hồi phục mạnh, thị trường bay nội địa cũng khởi sắc nhưng 2 trong 3 hãng hàng không lớn nhất Việt Nam vẫn chưa thể thoát lỗ?

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay, tổng lượt khách vận chuyển hàng không đạt 23,3 triệu lượt - tăng 74,2% so cùng kỳ năm 2021 và bằng 60% so cùng kỳ năm 2019 trong đó thị trường nội địa đạt 20,8 triệu lượt khách, tăng 58,4% so cùng kỳ năm trước và tăng 12% so cùng kỳ năm 2019.

Như vậy, thị trường nội địa đã ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ trong nửa đâu năm 2022, vượt cả hồi trước khi xảy ra đại dịch. Tuy nhiên thị trường quốc tế vẫn đang gặp khó do nhiều quốc gia vẫn áp dụng biện pháp kiểm soát dịch bệnh, hạn chế đi lại. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu tăng phần lớn đến từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến nhiều hãng hàng không lớn chưa thể thoát lỗ.

screenshot-543-.png

Vietnam Airlines (HVN): Quý II/2022, doanh thu thuần HVN đạt 18.323 tỷ đồng, cao gấp 2,8 lần cùng kỳ năm ngoái; lỗ gộp được cải thiện và giảm gần 9 lần so với quý II/2021 về còn gần 377 tỷ đồng.

Kết quả, Vietnam Airlines báo lỗ trước thuế 2.497 tỷ đồng; lỗ sau thuế 2.568 tỷ đồng - giảm 43% so với quý II/2021. Đây cũng là quý thứ 10 liên tiếp HVN chìm trong thua lỗ kể từ khi đại dịch bùng phát. Theo đó, mức lỗ lũy kế được nâng lên 28.921 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp tiếp tục âm trên 4.900 tỷ đồng.

screenshot-402-1-.png

Tính chung 6 tháng đầu năm, HVN mang về 29.944 tỷ đồng doanh thu thuần - tăng 114% so với cùng kỳ; lỗ sau thuế hơn 5.118 tỷ đồng - giảm 40% so với mức lỗ bán niên 2022.

Về kết quả vận chuyển nửa đầu năm 2022, Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) đạt gần 9,5 triệu lượt khách - tăng 24,6% so với kế hoạch đã báo cáo ĐHCĐ năm 2022.

Theo HVN, kết quả phục hồi và giảm lỗ kể quý II/2022 nhờ thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, các khó khăn còn tồn tại khiến HVN chưa thể thoát lỗ gồm giá nhiên liệu bay (chiếm 40% chi phí khai thác) tăng cao đột biến - mức giá nhiên liệu bình quân cao gấp đôi cùng kỳ, thị trường quốc tế phục hồi chưa được như kỳ vọng.

Lãnh đạo HVN chia sẻ, chỉ cần chênh lệch 1 USD nhiên liệu bay đã làm tăng chi phí của Vietnam Airlines lên 10 tỷ đồng/tháng. Theo đó, bán niên 2022, Vietnam Airlines phát sinh thêm chi phí nhiên liệu bay khoảng 2.300 tỷ đồng.

Vietjet Air (VJC): Trong quý II/2022, VJC ghi nhận doanh thu đạt 11.590 tỷ đồng - tăng trưởng 227% so với cùng kỳ năm trước nhờ vào nhu cầu đi lại đang trên đà phục hồi mạnh (nội địa tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019 khi COVID chưa bùng phát).

Kết quả, VJC báo lãi sau thuế 181 tỷ đồng, cao gấp 40 lần cùng kỳ. Kết quả này khá tích cực so với ông lớn ngành hàng không Vietnam Airlines (Mã chứng khoán: HVN) khi tiếp tục ghi nhận quý thứ 11 liên tiếp "vượt mặt" HVN về lợi nhuận.

screenshot-432-1-.png

Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, Vietjet khai thác tổng cộng 51.483 chuyến bay trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng gần 52% so với 6 tháng 2021.

Bamboo Airways: Tại ĐHCĐ bất thường của CTCP Tập đoàn FLC ngày 2/7/2022, ông Đặng Tất Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết, hoạt động của hãng hàng không ghi nhận nhiều tín hiệu đáng mừng, trong bối cảnh du lịch đang bùng nổ trở lại hậu dịch bệnh.

“Doanh thu quý II của Bamboo Airways tăng 50% so với quý I, và vượt 30% so với kế hoạch đầu năm”, ông Thắng chia sẻ.

Vị lãnh đạo cũng cho biết, Bamboo Airways đang khai thác khoảng gần 60 đường bay nội địa và 12 đường bay quốc tế, thuộc quy mô mạng lưới đường bay nội địa lớn nhất Việt Nam. Làm nên thành tích này là dòng máy bay phản lực tân tiến Embraer E190/195 trong đội bay của Bamboo Airways.

Tuy nhiên, theo BCTC hợp nhất quý II/2022 của Tập đoàn FLC, FLC ghi nhận khoản lỗ từ Bamboo Airways số tiền gần 955 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 454 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022.

screenshot-541-.png
Nguồn: BCTC FLC

Được biết, FLC đang nắm giữ trực tiếp 21,7% vốn điều lệ của Bamboo Airways với khoản đầu tư lên đến hơn 4.015 tỷ đồng. 

Không chỉ gặp khó trong hoạt động kinh doanh, cơ cấu bộ máy điều hành của Bamboo Airways cũng có nhiều xáo trộn.

Mới đây, ông Đặng Tất Thắng, người tham gia xây dựng Bamboo Airways những ngày đầu vừa từ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc của hãng cũng như vai trò Phó Chủ tịch FLC. Quyết định xin thôi nhiệm của ông Thắng được Bamboo Airways và FLC thông qua vào ngày 29/7.

Trong đơn từ nhiệm, ông Thắng nói vì một số lý do cá nhân, có nhiều công việc cần giải quyết nên không thể sắp xếp thực hiện các nhiệm vụ trên những cương vị hiện tại. 

Triển vọng nửa cuối năm 2022 của doanh nghiệp hàng không

Dự báo về tình hình kinh doanh 6 tháng cuối năm của nhóm hàng không, Chứng khoán SSI (SSI Research) dự phóng tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm 2022 của nhóm các doanh nghiệp này sẽ cao hơn nửa đầu năm.

Cụ thể, nguyên nhân thúc đẩy sẽ đến từ việc đi lại trong nước có xu hướng hồi phục mạnh. Trong khi đó, lượng khách quốc tế ước tính cũng sẽ tăng dần đến cuối năm, đạt 5 triệu lượt khách trong cả năm 2022, tương ứng khoảng 15% của mức 2019.

Bên cạnh đó, SSI Research cho rằng nhu cầu tăng còn giúp các hãng hàng không chuyển chi phí nhiên liệu cho khách hàng, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ từ đó tối ưu hoá được doanh thu và lợi nhuận.

Tuy nhiên, SSI nhận định tăng trưởng lợi nhuận chưa thể mạnh do khách quốc tế là nguồn lợi nhuận chính của tất cả các công ty trong ngành (sân bay, dịch vụ hàng không, hãng hàng không). Song, việc nối lại các đường bay quốc tế ước tính diễn ra chậm trong năm 2022, do các thị trường chính như Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn chưa mở cửa lại ở nhiều mức độ khác nhau. Do đó, lợi nhuận của cả ngành hàng không ước tính tăng mạnh hơn từ năm 2023 trở đi.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2% từ Chính phủ có thể bù đắp phần lớn ảnh hưởng từ việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, tác động đến lãi/lỗ của các doanh nghiệp này có thể nhỏ so với các chi phí khác như chi phí nhiên liệu, chi phí thuê tàu bay, nhân công và bảo dưỡng máy bay. 

Ngoài ra, triển vọng giá dầu tăng trong năm nay có thể làm giảm biên lợi nhuận các hãng hàng không, đặc biệt trong mùa thấp điểm. Đặc biệt, cơ cấu vốn với nợ vay/chi phí thuê cao cũng là vấn đề lớn cần giải quyết để ngành phục hồi bền vững hơn.

Vietnam Airlines (HVN) lên kế hoạch phát hành trái phiếu và cổ phiếu "bù đắp" vốn chủ đang âm 4.900 tỷ đồng

Liên danh Bảo Việt, PVI, Bảo Minh trúng gói thầu bảo hiểm hàng không 2025 với giá trị hơn 540 tỷ đồng

Vietnam Airlines (HVN) chính thức thoát lỗ sau 4 năm

Bài thuộc chủ đề Vận tải, kho bãi
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kqkd-quy-ii2022-cua-nhom-hang-khong-nhieu-ong-lon-van-say-don-covid-143825.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    KQKD quý II/2022 của nhóm hàng không: Nhiều ông lớn vẫn "say đòn" COVID
    POWERED BY ONECMS & INTECH