Kỳ lân bán lẻ được Vingroup và Masan 'chăm sóc' suốt 10 năm đã tới ngày 'mang tiền về cho mẹ'
Đến tháng 6/2024, WinCommerce - công ty sở hữu chuỗi WinMart, WinMart+ đã có 3.673 điểm bán và lợi nhuận sau thuế dương sau 10 năm thành lập.
WinCommerce (WCM) - công ty sở hữu chuỗi WinMart, WinMart+ trong quý II/2024 ghi nhận doanh thu tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ, đạt 7.844 tỷ đồng trên toàn mạng lưới. EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) là 172 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, "WCW ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương trong tháng 6/2024. Đây là dấu hiệu rõ ràng của một lộ trình gặt hái lợi nhuận bền vững trong thời gian tới" - thông tin từ Tập đoàn Masan. Như vậy, sau 10 năm hình thành và phát triển, chuỗi bán lẻ hàng đầu Việt Nam này đã bắt đầu cho "trái ngọt".
Quay ngược thời gian, vào tháng 10/2014 Vingroup chính thức gia nhập thị trường bán lẻ khi mua lại 70% cổ phần tại Công ty Ocean Retail (chủ sở hữu chuỗi siêu thị Ocean Mart) và đổi tên thành CTCP Siêu thị VinMart. Vingroup cũng đồng thời công bố 2 thương hiệu mới là VinMart và VinMart+ do tập đoàn sở hữu toàn bộ. Ngay trong năm ấy, mảng này mang về cho Tập đoàn 423 tỷ đồng doanh thu và đến năm 2018 đã đạt 19.333 tỷ đồng doanh thu.
Tuy nhiên, dưới thời Vingroup, chuỗi VinMart, VinMart+ chưa thể đem lại lợi nhuận mà chỉ tập trung cho việc tăng trưởng và mở rộng.
Kết quả kinh doanh mảng bán lẻ gồm VinCommerce, VinPro, VinID của Vingroup trước khi chuyển giao VinCommerce cho Masan |
Cuối năm 2019, Masan tiếp quản VinCommerce (công ty sở hữu VinMart, VinMart+) từ Vingroup, khi ấy chuỗi bán lẻ này đã có doanh thu trên 1 tỷ USD/năm nhưng lỗ lũy kế 17.500 tỷ đồng. Công ty đang sở hữu 115 siêu thị VinMart cùng gần 2.500 cửa hàng VinMart+ sau 5 năm thành lập.
Sau khi tiếp quản VinCommerce, Masan đổi tên thành WinCommerce (sở hữu các chuỗi WinMart và WinMart+). Đồng thời, Masan đóng cửa nhiều điểm bán thua lỗ, không hiệu quả. Đến cuối năm 2020, chuỗi có 123 siêu thị WinMart và 2.231 cửa hàng WinMart+. Tuy vậy, từ mức doanh thu thuần 27.130 tỷ đồng năm 2019 đã lên 30.978 tỷ đồng vào năm 2020 cho thấy chiến dịch trên mang lại hiệu quả.
WinCommerce bắt đầu có lãi sau 10 năm thành lập |
Trong những năm sau đó, Masan đã tiến hành những thay đổi trong hệ thống WinCommerce thông qua 3 chiến lược chính: (1) đóng cửa các điểm bán không đạt mục tiêu lợi nhuận; (2) cải thiện danh mục sản phẩm; (3) chính sách giá.
Đồng thời, Masan tiến hành công tác nâng cấp, cải tiến cửa hàng WiN (hướng đến người tiêu dùng ở khu vực thành thị) và WinMart+ Rural (phục vụ người tiêu dùng ở khu vực ở nông thôn). Hai mô hình cửa hàng này đạt hiệu quả vượt trội so với mô hình truyền thống với mức tăng trưởng LFL lần lượt là 6,3% và 10,7% trong quý II/2024 so với cùng kỳ. Công ty sẽ tiếp tục tăng cường vị thế ở khu vực nông thôn với mô hình WinMart+ Rural.
Đến tháng 6/2024, bên cạnh việc có lãi sau thuế, WinCommerce sở hữu 3.673 điểm bán (tăng 40 điểm so với ngày đầu năm). Theo kế hoạch, Masan sẽ có 4.000 điểm bán vào cuối năm nay.
Trong báo cáo hồi đầu năm, HSBC Research đưa ra mức định giá 26.000 tỷ đồng (trên 1 tỷ USD) cho WinCommerce. Định giá này dựa trên bội số EV/EBITDA dự phóng cho năm 2024 là 20 lần, tương đương với mức trung bình 5 năm qua của các công ty khác trong khu vực ASEAN. Do WinCommerce đang trong giai đoạn đầu tăng trưởng, định giá hợp lý của công ty phụ thuộc nhiều vào ước tính biên lợi nhuận trong tương lai.
>> Tập đoàn Masan (MSN) ghi nhận hơn 20.000 tỷ đồng doanh thu trong quý II/2024, lợi nhuận tăng 379%