Lãi suất tiết kiệm chạm đáy, lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao gây khó cho doanh nghiệp.
Các ngân hàng đang “thừa tiền” vì không cho vay được nên liên tục giảm lãi suất huy động xuống mức thấp nhất lịch sử. Tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao ngất ngưởng khiến hàng triệu tỷ đồng mà ngân hàng huy động để cho vay vẫn phải "đắp chiếu" vì "ế".
Lãi suất huy động giảm thấp kỷ lục
Chỉ còn 1 tuần nữa sẽ kết thúc năm 2023 và cuộc đua giảm lãi suất huy động vẫn chưa dừng lại. Diễn biến này là điều hiếm thấy, bởi thông thường các ngân hàng sẽ đua nhau hút tiền gửi khách hàng trong những tháng cuối năm để đáp ứng nhu cầu cho vay trong mùa cao điểm. Tuy nhiên, động thái liên tục đưa lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục đang phản ánh tình trạng dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng do tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp.
Ngày 25/12, Vietcombank giảm lãi suất huy động xuống mức thấp chưa từng có, chỉ còn 1,9%/năm. Đây là mức lãi suất tiền gửi thấp nhất thị trường hiện nay đối với tiền gửi kỳ hạn ngắn, bỏ xa mức trần 4,75%/năm.
Trước đó, Agribank điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống còn 2,2%/năm tại kỳ hạn 1-2 tháng. Tại kỳ hạn 3-5 tháng, lãi suất giảm từ 3%/năm xuống 2,5%/năm, giảm 0,5 điểm %.
Ngày 18/12, Techcombank thông báo giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Kỳ hạn 6 tháng giảm xuống còn 4,35%/năm, giảm 0,2%/năm; 3 tháng còn 3,35%/năm, giảm 0,2%/năm.
BIDV cũng thông báo tiếp tục giảm 0,1%/năm lãi suất huy động các kỳ hạn tiền gửi từ 1-11 tháng. Kỳ hạn 1-2 tháng còn 2,6%/năm, 3-5 tháng còn 3%/năm, 6-11 tháng còn 4%/năm.
Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, lãi suất huy động đã giảm tương đối kịch sàn do lạm phát năm nay được dự đoán trong khoảng 3,3 - 3,5%; nếu nằm trong khoảng này thì mức lãi suất huy động cũng phải ở mức tương xứng để đảm bảo mức lãi suất thực dương.
Lãi suất cho vay vẫn "neo" ở mức cao
Dù lãi suất huy động đã giảm sâu ở mức thấp nhất trong lịch sử nhưng lãi suất cho vay với khách hàng cũ và mới vẫn neo ở mức cao. Nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn “oằn mình” gánh lãi suất từ 10 - 12%/năm.
Các ngân hàng vẫn lấy lý do huy động lãi cao từ đầu năm nên chưa thể hạ nhanh lãi suất cho vay. Thực tế này khiến hàng triệu tỷ đồng mà ngân hàng huy động để cho vay vẫn phải "đắp chiếu" vì "ế".
Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, các doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt với khó khăn về nguồn vốn. Dù các ngân hàng vẫn tuyên bố giảm lãi suất cho vay nhưng hiện lãi suất cho vay vẫn ở mức trên 10%/năm. Ngoài ra, không chỉ lãi suất cao, các doanh nghiệp bất động sản còn gặp vướng mắc ở khâu hồ sơ vay. Theo đó, các doanh nghiệp không có tài sản thế chấp hoặc có tài sản nhưng vẫn không vay được hoặc chỉ vay được rất ít.
Lãnh đạo một công ty khác than thở, năm nay doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do bất động sản vẫn đóng băng, trong khi đó khoản vay ngân hàng không giảm mà còn tăng. Cụ thể, với lãi suất ưu đãi ban đầu chỉ từ 5,9% - 7,7%/năm trong 3 - 6 tháng đầu, qua đến tháng sau lãi suất vay của doanh nghiệp đã tăng đến gần 12%, dựa trên lãi suất sẽ được thả nổi bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3 - 4%/năm.
Nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn lãi suất cho vay có thể ở khoảng 7%/năm. Có như vậy, các doanh nghiệp mới dám mạnh dạn vay để mở rộng sản xuất kinh doanh hay tính chuyện làm ăn bài bản, lâu dài. Đặc biệt với doanh nghiệp bất động sản, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp phục hồi thị trường.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới bởi ngân hàng chưa thể giảm ngay vì thực tế có nhiều khoản vốn huy động từ đầu năm với lãi suất tương đối cao, bây giờ vẫn phải trả lãi cho doanh nghiệp. Do đó, các ngân hàng phải cân đối để đưa ra mức lãi suất vay hợp lý.
>> Lãi suất huy động thấp lịch sử, 'cuộc đua' chưa có hồi kết
Lãi suất huy động thấp lịch sử, 'cuộc đua' chưa có hồi kết
VCBS: Lãi suất cho vay vẫn còn dư địa giảm thêm 1-1,5 điểm %