Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm, dòng tín dụng chậm lại

08-09-2021 11:37|Ái Liên

Đến cuối tháng 8/2021, tín dụng tăng khoảng 7,4% so với đầu năm. Dòng vốn vẫn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và hỗ trợ một số ngành thiết yếu như lúa gạo và các khu vực quan trọng như Đồng bằng Sông Cửu Long.

Lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm

Tuần qua (30/8 – 1/9/2021), mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng vẫn duy trì giảm nhẹ khoảng 0,03 điểm phần trăm, dừng ở các mức: qua đêm 0,71%; 1 tuần 0,85%; 2 tuần 0,98% và 1 tháng 1,20%.  

Như vậy, mặc dù nguồn tiền VND bổ sung từ nghiệp vụ mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước đáo hạn không còn xuất hiện nhưng diễn biến của lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì đà giảm. Đây cũng là tuần thứ 3 liên tục ghi nhận mức lãi suất này giảm nhờ thanh khoản hệ thống dồi dào và tín dụng giảm tốc độ tăng trưởng do diễn biến dịch bệnh kéo dài.

Trước đó, trong tháng 7 và tháng 8, thị trường đón nhận thêm hơn 127.000 tỷ đồng thông qua kênh đáo hạn ngoại tệ.

Hiện Ngân hàng Nhà nước chưa công bố tăng trưởng tín dụng trong tháng 8. Tuy nhiên, dựa vào số liệu của Cục Thống kê tại 2 đầu tàu kinh tế gồm Hà Nội và TP. HCM thì tín dụng trong tháng 8 dự kiến sẽ không quá tích cực.

Tại một diễn biến liên quan, theo thông báo của Kho bạc Nhà nước, trong tuần này sẽ tổ chức mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ với tất cả các ngày làm việc trong tuần (6 - 10/9) trong đó, các kỳ hạn phổ biến nhất là 14 và 21 ngày, kỳ hạn ngắn nhất là 7 ngày và dài nhất là 3 tháng.

Khối lượng giao dịch cụ thể sẽ được cơ quan này công bố theo mỗi phiên. Còn riêng trong quý 3 này, tổng hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ là 54.760 tỷ đồng.

Hồi trung tuần tháng 7, Kho bạc Nhà nước đã dùng kênh này để “bơm tiền” thành công cho 2 thành viên tham gia thị trường với tổng khối lượng đạt 300 tỷ đồng.

Theo giới phân tích, với việc tín dụng chưa có dấu hiệu tăng mạnh trở lại, trong khi kênh “bơm tiền” Kho bạc đã sẵn sàng, đồng thời Ngân hàng Nhà nước chuyển qua phương thức mua ngoại tệ giao ngay thì lãi suất liên ngân hàng dự kiến vẫn sẽ tiếp tục ổn định ở mức thấp trong thời gian tới.

Tín dụng chững lại

Khác với những tháng trước, anh T, nhân viên tín dụng của ngân hàng trong top 10 tổng tài sản, gần như không còn những hợp đồng vay vốn trong 2 tuần gần đây khi Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chị thị 16. Anh chia sẻ công việc chủ yếu hiện tại là thu nợ và nhắc khách hàng trả nợ, “khách hàng quá hạn nhiều hơn trước”. Giải ngân tín dụng gần như không có, một phần vì khách hàng không vay, phần vì giãn cách. Trong những tháng này, anh đẩy mạnh việc tìm khách mở tài khoản thanh toán qua ứng dụng ngân hàng.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội, tính riêng tháng 8, dư nợ vẫn tăng 1% so với tháng trước, nhưng thấp hơn con số 1,2% của tháng 7.  Diễn biến này kém tích cực hơn tại TP. HCM. 

Dù số liệu tín dụng tháng 8 chưa được công bố song theo số liệu của Tổng cục Thống kê TP. HCM, tín dụng riêng tháng 7 tăng 0,2% so với tháng trước lên hơn 2,68 triệu tỷ đồng. Trong 2 tháng từ khi giãn cách theo Chỉ thị 15 và 16, dư nợ tăng 1,1% trong khi 5 tháng đầu năm lũy kế gần 5%, bình quân mỗi tháng tăng 1%.

Một vị lãnh đạo ngân hàng khác chia sẻ, các khu vực trong Nam với các khoản vay thế chấp, việc giải ngân sẽ bị chậm lại do giãn cách xã hội ảnh hưởng đến nhiều khâu. Tuy nhiên, các khoản vay tín chấp qua lương, ứng dụng công nghệ chưa bị tác động nhiều.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 8/2021, tín dụng tăng khoảng 7,4% so với đầu năm. Dòng vốn vẫn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và hỗ trợ một số ngành thiết yếu như lúa gạo và các khu vực quan trọng như Đồng bằng Sông Cửu Long.

Người đứng đầu vụ tín dụng chia sẻ tăng trưởng tín dụng tháng 8 có chậm lại và dự kiến tháng 9 sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh và thực hiện hiện giãn cách xã hội. NHNN dự kiến kịch bản tín dụng sẽ hồi phục từ tháng 10 và hai tháng cuối năm.

Đầu năm, NHNN đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Ở kịch bản 1, việc tiêm chủng vắc xin đại trà và dịch COVID-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12 - 13%, có thể đạt 14%. Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vắc xin kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10 - 12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng khoảng 7 - 8%.

Theo số liệu báo cáo của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, đến cuối năm 2020, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 12,17%. Con số này thấp hơn bình quân giai đoạn 2016-2020 là 15,2% nhưng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh còn phức tạp, lực cầu nền kinh tế còn yếu, nhóm chuyên gia cho rằng, khả năng tín dụng cả năm nay tăng khoảng 10-11%.

Giá vàng có tiếp tục tăng trong năm 2025?

Lãi suất ngân hàng hôm nay 12/12: Muôn kiểu tặng lãi suất cho khách gửi tiền

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lai-suat-lien-ngan-hang-tiep-tuc-giam-dong-tin-dung-cham-lai-130196.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm, dòng tín dụng chậm lại
    POWERED BY ONECMS & INTECH