Giới phân tích cho rằng, khi lãi suất tăng, nhóm cổ phiếu tài chính - bảo hiểm và các nhóm phòng thủ sẽ được hưởng lợi do tích trữ được lượng tiền lớn trong khi đa số các nhóm còn lại sẽ bị ảnh hưởng bất lợi.
Những tháng trở lại đây, các ngân hàng thương mại đang bước vào cuộc đua lãi suất, thậm chí đã có những ngân hàng huy động trên 10%/năm trong một thời gian ngắn với các điều kiện kèm theo. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm trước, số ngân hàng huy động lãi suất tiết kiệm cao nhất trên 7%/năm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Giới phân tích nhận định, trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh, lợi nhuận kỳ vọng đối với thị trường chứng khoán sẽ khó vượt trội trong những tháng còn lại của năm 2022.
Theo Công ty Chứng khoán VCBS, từ đầu năm 2022 tới nay, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn với mức tăng 1,5 - 2%. Tại những ngân hàng thương mại cổ phần vừa và nhỏ, mức tăng lãi suất có thể lên đến 2,5% ở ngưỡng 8,5 - 9% cho kỳ hạn trên 12 tháng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank – SGB) vừa công bố biểu lãi suất huy động mới, áp dụng từ ngày 25/11/2022.
Cụ thể, lãi suất cao nhất tại nhà băng này đã lên 10,5%/năm, áp dụng cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm online kỳ hạn 13 tháng. Ngoài ra, khách hàng gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên sẽ có lãi suất 10%/năm.
Dẫn nguồn Báo Tin Tức, các số liệu trên thị trường cũng đang cho thấy nhiều hơn những tín hiệu của cuộc chạy đua lãi suất huy động, đặc biệt tại các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ. Việc mặt bằng lãi suất tăng cao trong một thời gian rất ngắn tiềm ẩn những rủi ro và cần được theo dõi, đánh giá sát sao nhất là khi hiện tại một nửa số ngân hàng trong hệ thống niêm yết lãi suất cao nhất trên 8%/năm.
Nhiều ngân hàng đã ghi nhận mức lãi suất cao nhất lên tới 8,5 - 8,7%/năm. Điển hình lãi suất tiết kiệm tại Ngân hàng Bản Việt là 8,9%, Ngân hàng Nam Á (8,5%); Ngân hàng Quân đội và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (cùng 8,6%), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (8,5%), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (8,4%), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (8,0%).
Một số ngân hàng khác như Ngân hàng Bắc Á, Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu, Ngân hàng An Bình, Ngân hàng Kiên Long cũng có mức lãi suất cao tương tự.
Đáng chú ý, trong số các ngân hàng này, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa công bố bảng lãi suất huy động mới với mức cao kỷ lục 9,3%/năm cho các kỳ hạn 15, 18, 24, 36 tháng (áp dụng cho hình thức gửi tiền trực tuyến, nhận lãi cuối kỳ). Đây cũng là mức lãi suất cao nhất thị trường hiện tại.
Tương tự, nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước cũng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi thêm 1% trong đợt này song vẫn ở mức thấp hơn nhóm tư nhân. Kỳ hạn từ 6 tháng được niêm yết 6%, còn kỳ hạn 12 tháng là 7,4%/năm.
Tiền gửi tiết kiệm vốn đã là kênh đầu tư truyền thống được người dân ưa thích cho khoản tiền nhàn rỗi thì nay lại càng hấp dẫn hơn khi nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang tiềm ẩn những rủi ro nhất định.
Tuy vậy, việc lãi suất đầu vào tăng nhanh lên mức cao cungx đồng thời trở thành thông tin kém tích cực đối với nền kinh tế ở chiều cho vay; đây cũng là điều các nhà đầu tư cần suy xét và tính đến.
Theo Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), lãi suất điều hành tăng sẽ tác động tới các chủ thể trong nền kinh tế như ngành ngân hàng, doanh nghiệp, thị trường chứng khoán và ngay cả tới các hộ gia đình.
Với ngành ngân hàng, trần lãi suất huy động tăng có thể khiến chi phí đầu vào của các ngân hàng thương mại gia tăng từ đó khiến lãi suất cho vay sẽ tăng theo.
Đáng nói, để đảm bảo mục tiêu “tăng lãi suất huy động, ổn định lãi suất cho vay” mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra, nhiều ngân hàng thương mại có khả năng sẽ phải giảm biên lãi ròng (NIM). Điều này sẽ làm giảm lợi nhuận kỳ vọng của ngành ngân hàng.
Với thị trường chứng khoán, mặt bằng lãi suất tăng lên sẽ khiến lợi nhuận các doanh nghiệp có khả năng suy giảm và làm giảm định giá cổ phiếu do chi phí sử dụng vốn tăng lên. Vì vậy, lợi nhuận kỳ vọng đối với thị trường chứng khoán sẽ khó vượt trội trong năm 2022.
Cập nhật dữ liệu lịch sử cho thấy, khi lãi suất tăng, giá cổ phiếu thường có diễn biến tăng ở nhóm cổ phiếu tài chính, bảo hiểm và các ngành có tính phòng thủ nhưng giảm ở phần lớn các nhóm ngành còn lại.
Tuần giao dịch dịch từ 21 - 25/11/2022, chỉ tính riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có tới 17/27 mã tăng giá trong khi chỉ có 9 mã giảm và 1 mã đứng tham chiếu.
Cổ phiếu BID dẫn đầu ngành với mức tăng 11,3% và cách đỉnh lịch sử 20%. Kết đến, cổ phiếu STB tăng 10,5% và tăng hơn 25% sau 2 tuần và là mã có diễn biến tích cực nhất toàn ngành trong nửa tháng trở lại.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu tăng giá còn điểm nhiều cái tên khác như LPB, BVB, SHB, ABB, OCB, CTG với mức từ 4,5% trở lên.
Diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng tuần 21 - 25/11/2022 (Lê Huy tổng hợp)
Ngược lại, NVB giảm mạnh nhất nhóm với mức -5,3%; VCB lại giảm 4,4% qua đó là mã ngân hàng có tác động tiêu cực nhất tới VN-Index trong tuần qua.
Thực tế, nhóm ngân hàng thể hiện trạng thái tích lũy cân bằng bất chấp những biến động điều chỉnh của chỉ số VN-Index trong gần 2 tháng vừa qua. Thông tin về việc cấp hạn mức tín dụng mới hay đánh giá xếp hạng cũng có phần tác động tích cực đến nhóm nhà băng.
Dẫn nguồn Tin nhanh Chứng khoán, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) cho rằng, nhóm ngân hàng nếu so về dài hạn vẫn đang ở vùng định giá hấp dẫn. Vì vậy dù một số thông tin ngắn hạn có thể tác động đến yếu tố tâm lý nhà đầu tư nhưng nhìn chung về dài hạn, nhóm ngân hàng vẫn ưu tiên lưu ý và một số ngân hàng có thể nằm trong danh mục đầu tư dài hạn.
Đồng quan điểm, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán DSC đánh giá cao nhóm ngành ngân hàng với các cổ phiếu đủ tiêu chí về định giá, chỉ số an toàn bao gồm ACB, CTG và MBB.
Trở lại với câu chuyện tác động từ việc lãi suất tăng, trái với nhóm tài chính và phòng thủ (do có lượng tiền mặt dự trữ dồi dào) được nhận định tích cực, doanh nghiệp sẽ là chủ thể bị tác động mạnh nhất do họ phải đối mặt với khó khăn ở cả 2 khu vực sản xuất và thị trường.
Về sản xuất, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn hoặc tăng chi phí vốn. Điều này sẽ dẫn đến tác động chi phí đẩy, làm giá bán của sản phẩm tăng lên. Dễ thấy trong quý 3/2022 vừa qua, lần lượt Hòa Phát, Novaland, Phát Đạt,... và nhiều ông lớn khác đều đã chứng kiến các khoản chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) tăng mạnh.
Thêm vào đó, khi lãi suất đi vay tăng, doanh nghiệp có thể trì hoãn các kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh gây ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận.