Làm sạch sông Seine – cơn đau đầu của người Pháp
Chất lượng nước sông Seine vẫn bị xem là vấn đề nhức nhối nhất của chính quyền Paris nói riêng và nước Pháp nói chung, đặc biệt trong thời điểm Olympic.
Là biểu tượng lịch sử, văn hóa của nước Pháp, sông Seine cũng đồng thời là điểm tổ chức lễ Khai mạc và nơi tranh tài của một số bộ môn thể thao dưới nước của Thế vận hội Paris 2024.
Giới chức Paris từng đầu tư tới 1,4 tỷ euro (tương đương 1,5 tỷ USD) với hy vọng sau 1 thể kỷ, người dân cũng như các vận động viên có thể thoải mái bơi lội giữa con sông biểu tượng này. Tuy nhiên, những gì xảy ra ở kỳ Thế vận hội vừa qua cho thấy hy vọng trên còn quá xa vời.
Ô nhiễm sông Seine, đặc biệt là mức độ nhiễm khuẩn E. coli, vẫn ở mức cao cả trong và sau thời điểm diễn ra Thế vận hội. Tình trạng này khiến một số buổi bơi tập trên sông bị hủy, phần thi 3 môn phối hợp dành cho nam phải hoãn 1 ngày, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của các vận động viên.
Quá trình đầy gian nan
Suốt nhiều thế kỷ, sông Seine là nơi tập kết chất thải của con người, nước giặt vải và cả những phần thịt thừa từ các lò mổ gia súc tại Paris. Đến tận thế kỷ 19, nước thải từ các công xưởng và nhà dân vẫn được xả thẳng vào con sông này.
Dự án cải tạo Paris của Nam tước Georges Eugène Haussmann nửa sau thế kỷ 19 dù mang lại diện mạo mới cho thủ đô nước Pháp, nhưng lại khiến sông Seine ô nhiễm hơn. Việc xả thải trực tiếp xuống con sông này dường như là lựa chọn duy nhất để tránh làm mạng lưới xử lý nước thải của Paris bị bão hòa, gây ngập lụt thành phố khi mưa lớn ập đến.
Phải đến năm 2015, chính quyền Paris mới vạch ra các biện pháp chi tiết để làm sạch sông Seine. Đầu tiên, giới chức thành phố kết nối với hơn 23.000 khu dân cư và nhà thuyền, những nơi trực tiếp xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Seine nhiều nhất. Hộ dân các khu vực này được yêu cầu phải nối hệ thống xả thải của mình vào hệ thống thoát nước chung của thành phố nếu không muốn di dời.
Đến tháng 5/2024, bể chứa nước ngầm khổng lồ gần ga tàu Austerlitz để thu gom nước mưa và ngăn nước thải tràn vào sông Seine được khánh thành, với sức chứa tương đương 20 bể bơi Olympic. Đây được xem là trung tâm của các cải tiến cơ sở hạ tầng lớn mà thành phố đang cố gắng hoàn thành kịp thời gian cho Thế vận hội, cũng như đảm bảo sông Seine có thể sạch hơn trong những năm tới.
Những nỗ lực cải tạo trên đã mang lại thành quả nhất định. Nếu ở những năm 1970, chỉ có 4 loài cá có thể sinh sống được ở đoạn sông Seine chảy qua Paris, thì đến thời điểm hiện tại, con số này đã tăng lên 35.
Song theo Michel Riottot, chuyên gia về sức khỏe và môi trường của tổ chức France Nature Environment, những nỗ lực gần đây dù đi đúng hướng nhưng vẫn chưa đủ để đảm bảo nước sông Seine có thể an toàn đối với con người.
Nguyên nhân là vì khi mạng lưới nước thải trở nên bão hòa bởi nước mưa, đặc biệt khi có bão, chúng vẫn xả lượng nước thải dư thừa vào sông Seine. Ngoài ra, mưa ở các vùng làm nông nghiệp tại thượng nguồn vẫn cuốn theo dư lượng thuốc trừ sâu vào nhánh sông Seine chảy qua Paris.
Đánh cược về sức khỏe
Đối với nhiều người dân Paris hiện nay, tự do bơi lội trên sông Seine không khác gì một giấc mơ, do hoạt động này đã cấm từ năm 1923.
Dù giới chức môi trường gần đây xác định 3 điểm trên sông có thể tắm được - gần Nhà thờ Đức Bà, gần Tháp Eiffel và phía Đông thành phố, người dân Paris chỉ dám đi bơi ở Kênh l’Ourcq phía Bắc, nơi luôn được các cơ quan y tế khu vực đánh giá là có chất lượng tốt trong vài năm qua.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn không cưỡng lại ý tưởng có thể vẫy vùng giữa con sông này. Là một vận động viên bơi lội có kinh nghiệm ở môi trường nước mở, Sina Witte rất nhiệt tình khi được trao cơ hội ngâm mình dưới lòng sông Seine cùng thị trưởng Paris Anne Hidalgo trước ngày khai mạc Thế vận hội.
“Tôi thực sự thích việc này”, Sina Witte nói sau khi bơi khoảng 45 phút dưới sông, theo hãng tin AP. “Tôi không bận tâm quá nhiều vấn đề về nó. Bơi được thì cứ bơi thôi, và điều đó khiến tôi cảm thấy vinh hạnh”.
Nhưng sự lạc quan này không thể ngăn được thực tế rằng nhiều vận động viên Olympic bị nhiễm khuẩn E.Coli sau khi hoàn thành các chặng bơi dưới sông Seine. VĐV Adrien Briffod của đoàn thể thao Thụy Sĩ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa sau khi tham gia 3 môn phối hợp, buộc đoàn phải thay người tham dự nội dung tiếp sức đồng đội. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với các VĐV Hayden Wilde của đoàn New Zealand và Claire Michel của đoàn Bỉ.
VĐV 3 môn phối hợp Jolien Vermeylen của Bỉ chia sẻ khi bơi trên sông Seine, cô nhìn thấy nhiều thứ không dám nghĩ đến,. “Sông Seine đã ô nhiễm cả trăm năm. Giờ đây, họ nói rằng ưu tiên tới sức khỏe của vận động viên. Đó thực sự là lời nói nhảm nhí,” Vermeylen tuyên bố.
Cú hích về môi trường
Bất chấp những tín hiệu tiêu cực từ Thế vận hội, chính quyền Paris vẫn hứa hẹn “toàn bộ hệ sinh thái sẽ hưởng lợi từ việc cải tạo sông Seine”.
François Houix, Giám đốc dự án Olympic tại Cơ quan Đường thủy Pháp, khẳng định Thế vận hội giúp mở rộng các nỗ lực cải thiện dòng chảy của sông Seine. Ông cho biết một rào chắn nổi đã được thiết lập ở nhánh sông tổ chức các môn thi Olympic, có chức năng thu gom thải rác cũng như các chất gây ô nhiễm khác trên sông. Hệ thống sẽ được mở rộng sau khi Thế vận hội bế mạc.
Các đãi ngộ từ nhà nước, chẳng hạn như thưởng tiền cho những nhà khai thác tàu thuyền động cơ điện, cũng thôi thúc việc “xanh hóa” phương tiện trên sông Seine. Ông Houix cho hay sẽ có khoảng 40 tàu điện hoạt động ở Paris vào cuối năm nay so với chỉ 1 chiếc vào năm 2018.
Thế vận hội cũng thúc đẩy chính phủ Pháp chi 15 triệu euro để mở lại một nhánh phụ của sông Seine ở ngoại ô Paris, trong bối cảnh nhánh chính chạy qua Làng vận động viên Olympic bị đóng cửa nhiều tuần vì lý do an ninh. Theo giới chức địa phương, khi hoạt động tàu thuyền tạm dừng vào cuối tuần hoặc chiều muộn trong hè, việc bơi lội, chèo thuyền hoặc ván đứng sẽ được cho phép trên cả nhánh sông chính và nhánh phụ kể trên.
>> Các khách sạn, quán bar và bảo tàng ở Pháp lãi lớn nhờ Olympic