Bất động sản

Lần đầu tiên Việt Nam có di sản thiên nhiên thế giới liên quốc gia

Quang Anh 14/07/2025 06:48

UNESCO vừa thông qua quyết định phê duyệt điều chỉnh ranh giới của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) mở rộng thêm cả Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, Lào).

Báo Tuổi Trẻ thông tin, ngày 13/7, tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới diễn ra ở Paris (Pháp), UNESCO đã thông qua quyết định mở rộng ranh giới Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) để bao gồm cả Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, Lào).

Di sản sau điều chỉnh mang tên “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô”, trở thành di sản thiên nhiên liên biên giới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, khẳng định nỗ lực hợp tác khu vực trong bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững.

> > Việt Nam có đến 3 điểm đến được vinh danh trong top đầu Đông Nam Á

Lần đầu tiên Việt Nam có di sản thiên nhiên thế giới liên quốc gia- Ảnh 1.
Cảnh quan Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: TTXVN

Hồ sơ đề cử do chính phủ hai nước phối hợp lập, đệ trình lên UNESCO từ tháng 2/2024, với phần mở rộng là Vườn quốc gia Hin Nam Nô. Tại kỳ họp lần này, UNESCO chính thức phê duyệt, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử hợp tác di sản của hai quốc gia.

Như vậy, Việt Nam hiện có 9 Di sản thế giới, trong đó có 2 di sản liên tỉnh là Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (Quảng Ninh, Hải Phòng) và Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng), cùng di sản liên biên giới đầu tiên với Lào.

Khu vực liên biên giới này được giới khoa học đánh giá là một trong những hệ thống karst nhiệt đới nguyên vẹn lớn nhất thế giới, với địa hình đá vôi hình thành hơn 400 triệu năm trước, sở hữu những hang động khổng lồ như hang Sơn Đoòng (Việt Nam) – hang lớn nhất thế giới, và hang Xe Bang Fai (Lào) đầy ấn tượng.

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), di sản này không chỉ có giá trị toàn cầu về địa chất và sinh học mà còn là hình mẫu tiêu biểu cho hợp tác xuyên biên giới trong công tác bảo tồn. Hiện hai vườn quốc gia vẫn vận hành theo các kế hoạch quản lý riêng, song phối hợp chặt chẽ thông qua cơ chế chung đã ký kết. Các hoạt động tuần tra rừng, kiểm soát du lịch, chia sẻ dữ liệu khoa học và nâng cao năng lực quản lý đều được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác này.

Lần đầu tiên Việt Nam có di sản thiên nhiên thế giới liên quốc gia- Ảnh 2.
Cảnh quan Karst, phía Đông Nam làng Vangmaneur thuộc Vườn Quốc gia Hin Nam Nô, CHDCND Lào. Ảnh: GIZ ProFEB/Paul Williams.

Việc UNESCO công nhận di sản liên biên giới Phong Nha - Kẻ Bàng – Hin Nam Nô không chỉ ghi nhận giá trị nổi bật của hệ sinh thái, mà còn mở ra cơ hội để Việt Nam đóng góp kinh nghiệm vào công tác quản lý di sản thế giới theo Công ước 1972 của UNESCO.

Đồng thời, đây cũng là biểu tượng sinh động của tình đoàn kết, hợp tác bền chặt giữa hai nước Việt Nam – Lào trên lĩnh vực bảo tồn di sản, góp phần củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai dân tộc.

Thời gian tới, Việt Nam và Lào sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học liên quốc gia, đánh giá sức tải du lịch, xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý và bảo tồn di sản chung.

Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận Di sản Thiên nhiên Thế giới lần đầu vào năm 2003 với hệ thống hang động, núi đá vôi và đa dạng sinh học quý hiếm.

Vườn quốc gia Hin Nam Nô, giáp ranh Phong Nha - Kẻ Bàng, là một trong những khu bảo tồn có hệ sinh thái rừng nguyên sinh lớn nhất Lào, từng được đánh giá cao bởi tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

> > Việt Nam chính thức có thêm một Di sản Thế giới

Việt Nam có thể sắp có thêm di sản thế giới

Thành phố lớn nhất Việt Nam chính thức sở hữu thêm 2 di sản thế giới

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/lan-dau-tien-viet-nam-co-di-san-thien-nhien-the-gioi-lien-quoc-gia-20225071322082906.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lần đầu tiên Việt Nam có di sản thiên nhiên thế giới liên quốc gia
    POWERED BY ONECMS & INTECH