Láng giềng Việt Nam bứt phá trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân: Siêu dự án đường ống dẫn hơi nước dài 23,3km đi vào hoạt động
Dự án Heqi No.1 là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm đa dạng hóa năng lượng hạt nhân và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng ít carbon.
Theo SCMP, dự án sản xuất hơi nước chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc dành cho mục đích công nghiệp đã bắt đầu được sản xuất, khi Bắc Kinh tăng tốc đa dạng hóa năng lượng hạt nhân và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng ít carbon.
Dự án có tên Heqi No.1, đã chính thức đi vào hoạt động vào thứ Tư (19/6), được xây dựng bởi Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC), một doanh nghiệp Nhà nước với khung công nghệ hạt nhân hoàn chỉnh.
Theo CNNC, thông qua đường ống trên mặt đất dài 23,3km, Heqi No.1 có thể cung cấp 4,8 triệu tấn hơi nước hàng năm từ nhà máy điện hạt nhân Tianwan đến cơ sở hóa dầu ở thành phố Liên Vân Cảng, cả hai đều nằm ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
Nhà máy điện hạt nhân Tianwan ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Trong quy trình được CNNC mô tả là “đun sôi nước”, dự án sử dụng hơi nước được tạo ra từ hai hệ thống tuabin của trạm Tianwan làm nguồn nhiệt.
Phản ứng hạt nhân biến nước làm mát tuần hoàn thành hơi trong máy tạo áp suất cao, từ đó làm sôi nước trong nhà máy khử muối nước biển và hơi nước thu được sẽ được gửi qua đường ống đến cơ sở hóa dầu.
Để đảm bảo an toàn, dự án đã thiết lập nhiều điểm giám sát bức xạ nhằm phát hiện phóng xạ của hơi nước theo thời gian thực. CNNC cho biết trong trường hợp có sự bất thường, dự án sẽ ngừng hoạt động ngay lập tức.
Zhang Yi, Chủ tịch Tập đoàn Điện hạt nhân Giang Tô, nói với Tân Hoa Xã rằng dự án này cung cấp một giải pháp mới cho việc nâng cấp năng lượng xanh trong ngành hóa dầu.
Dự án dự kiến sẽ giảm lượng than tiêu thụ lên tới 400.000 tấn mỗi năm, tương đương với việc cắt giảm lượng khí thải 1,07 triệu tấn carbon dioxide, 184 tấn sulfur dioxide và 263 tấn oxit nitơ.
Theo CNNC, nó có thể so sánh với việc trồng 2.900 ha rừng mới mỗi năm và tiết kiệm hơn 700.000 tấn khí thải carbon cho cơ sở hóa dầu hàng năm. Báo cáo không tiết lộ chi phí của dự án.
Dự án Heqi No.1 đánh dấu nỗ lực của Trung Quốc trong việc đẩy nhanh việc sử dụng đa dạng năng lượng hạt nhân để đạt được cam kết phát thải “đỉnh carbon” vào năm 2030 và “trung hòa carbon” vào năm 2060.
Đường ống Heqi No.1 ở Liên Vân Cảng, vận chuyển hơi nước được tạo ra tại nhà máy điện hạt nhân Tianwan đến cơ sở hóa dầu. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Trong khi nhiều nước phương Tây đang chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để có nguồn cung cấp năng lượng xanh hơn thì Trung Quốc đã là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất điện hạt nhân.
Trong nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính, Trung Quốc đang áp dụng công nghệ hạt nhân vào mọi khía cạnh của đời sống - bao gồm công nghiệp, nông nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường và an ninh.
Vào tháng 11/2022, một dự án trình diễn hệ thống sưởi ấm cấp huyện đã được đưa vào sử dụng tại Hongyanhe, tỉnh Liêu Ninh, đánh dấu dự án sưởi ấm bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên ở phía Đông Bắc Trung Quốc.
Sau đó, dự án sản xuất nhiệt sử dụng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc dành cho mục đích công nghiệp đã bắt đầu được sản xuất tại quận Haiyan, tỉnh Chiết Giang, Tân Hoa Xã đưa tin.
Tháng trước, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã ban hành kế hoạch hành động về tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu carbon vào tháng trước, lưu ý rằng vào năm 2024, mức tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon dioxide trên một đơn vị GDP ước tính sẽ giảm lần lượt khoảng 2,5% và 3,9%.
Hội đồng cũng đã đề cập đến việc thay thế dần động cơ điện bằng động cơ hơi nước theo trình tự nhất định, đồng thời khuyến khích các nhà máy hóa dầu nghiên cứu sử dụng năng lượng hạt nhân để cung cấp hơi nước và nhiệt.