Tuyến đường này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự kết nối giữa các nước và sự phát triển kinh tế, xã hội trong khu vực.
SCMP đưa tin, Trung Quốc tuần trước đã ký một thỏa thuận về tuyến đường sắt quan trọng nối nước này với Kyrgyzstan và Uzbekistan ở Trung Á.
Dự án được Chủ tịch Tập Cận Bình ca ngợi là “minh chứng cho sự quyết tâm” giữa các nước tham gia hợp tác.
Thông qua video chúc mừng việc ký kết, ông Tập cho biết: “Tuyến đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan là một dự án chiến lược nhằm kết nối Trung Quốc với Trung Á và là một dự án mang tính bước ngoặt để 3 nước cùng nhau xây dựng Sáng kiến Vành đai và Con đường”.
Thỏa thuận cho thấy tham vọng kéo dài hàng thập kỷ của Bắc Kinh nhằm mở rộng kết nối với các nước Á-Âu cuối cùng đã đi đúng hướng.
Một chuyến tàu chở hàng Trung Quốc-châu Âu khởi hành đến Kazakhstan năm 2022. Ảnh: Xinhua |
Theo ông Tập, dự án này đã chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế thấy quyết tâm vững chắc của 3 quốc gia trong việc cùng nhau thúc đẩy hợp tác và tìm kiếm sự phát triển chung.
Ông nói thêm rằng Trung Quốc sẽ hợp tác với Kyrgyzstan và Uzbekistan để xây dựng tuyến đường chiến lược có lợi cho cả 3 bên và phát triển khu vực “càng sớm càng tốt”.
Tổng thống Kyrgyzstan, Sadyr Japarov và Tổng thống Uzbekistan, Shavkat Mirziyoyev cũng gửi điện mừng nhân sự kiện này, Tân Hoa Xã đưa tin.
Ông Japarov tiết lộ tuyến đường sắt dài 523km sẽ trở thành tuyến giao thông mới nhất nối châu Á đến châu Âu và Vịnh Ba Tư, đồng thời sẽ thúc đẩy kết nối và thương mại trong các khu vực này.
Trong khi đó, ông Mirziyoyev nhấn mạnh đây không chỉ là tuyến đường bộ ngắn nhất từ Trung Quốc đến Trung Á mà còn tới Nam Á và Trung Đông, “vì lợi ích lâu dài của các quốc gia liên quan”.
Trung Quốc xây đường sắt mới ngắn hơn tuyến đường bộ đến châu Âu. Ảnh: SCMP |
Tuyến đường sắt trị giá 8 tỷ USD này bắt đầu ở Kashgar, Tân Cương (Trung Quốc) đi qua phía Tây Nam Kyrgyzstan và kết thúc ở Andijon thuộc miền Đông Uzbekistan.
Công trình dự kiến giúp giảm hành trình vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và châu Âu tới 900km, đóng vai trò là giải pháp thay thế nhanh hơn và rẻ hơn cho các tuyến đường bộ hiện tại giữa Trung Quốc và châu Âu, hầu hết đều đi qua Nga.
Dự án được đề xuất lần đầu tiên vào những năm 1990 và 3 bên đã ký biên bản ghi nhớ vào năm 1997. Tuy nhiên, dự án bị đình trệ do các vấn đề kỹ thuật, chính trị và địa chính trị.
Ngoài ra, Nga cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch này khi Moscow ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về thương mại do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
>> Láng giềng Việt Nam lắp đặt thành công tuabin gió lớn nhất thế giới, công suất 18 MW