Mỹ 'thua xa' Trung Quốc tới 15 năm ở một lĩnh vực nòng cốt, nguyên nhân do đâu?
Nghiên cứu của Tổ chức Công nghệ Thông tin & Đổi mới cho thấy Mỹ đi sau Trung Quốc tới 15 năm trong việc phát triển năng lượng hạt nhân công nghệ cao.
Một báo cáo hôm thứ Hai (17/6) cho biết Mỹ đi sau Trung Quốc tới 15 năm trong việc phát triển năng lượng hạt nhân công nghệ cao. Báo cáo cho biết chiến lược tiếp cận công nghệ do Nhà nước hậu thuẫn và nguồn tài chính dồi dào của Bắc Kinh đã mang lại lợi thế lớn cho Trung Quốc.
Nghiên cứu của Tổ chức Công nghệ Thông tin & Đổi mới, một viện nghiên cứu phi đảng phái có trụ sở tại Washington, cho biết Trung Quốc có 27 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng với thời gian xây dựng trung bình khoảng 7 năm, nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Báo cáo cho biết: “Việc Trung Quốc triển khai nhanh chóng các nhà máy điện hạt nhân hiện đại, theo thời gian sẽ tạo ra quy mô kinh tế đáng kể, đồng thời điều này cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đạt được lợi thế nhờ sự đổi mới gia tăng trong lĩnh vực này trong tương lai”.
Mỹ có đội ngũ nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới và chính quyền của Tổng thống Joe Biden coi đây là nguồn điện không phát thải quan trọng trong việc hạn chế biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, sau khi hai nhà máy lớn ở Georgia được đưa vào vận hành vào năm 2023 và 2024, với chi phí vượt quá ngân sách hàng tỷ USD và bị trì hoãn nhiều năm, hiện không có thêm bất kỳ lò phản ứng hạt nhân nào của Mỹ đang được xây dựng. Thậm chí, một nhà máy công nghệ cao dự kiến xây dựng tại một phòng thí nghiệm của Mỹ cũng đã bị hủy bỏ vào năm ngoái.
Trong khi đó, các ngân hàng Nhà nước của Trung Quốc có thể cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp tới 1,4%, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phương Tây. Ngành công nghiệp điện hạt nhân của nước này đã được hưởng lợi từ sự hỗ trợ liên tục của Nhà nước và các chiến lược nội địa hóa, giúp Trung Quốc thống trị các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và xe điện.
Quang cảnh lò phản ứng đơn vị 4 của nhà máy điện hạt nhân Tianwan. Ảnh: Reuters |
Lò phản ứng làm mát bằng khí nhiệt độ cao thế hệ thứ tư đầu tiên trên thế giới tại vịnh Shidao đã đi vào hoạt động vào tháng 12/2023. Hiệp hội Năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CNEA) tuyên bố rằng dự án liên quan đến việc phát triển hơn 2.200 bộ thiết bị “đầu tiên trên thế giới" với tỷ lệ nội địa hóa vật liệu sản xuất lên tới 93,4%.
Những người ủng hộ các lò phản ứng công nghệ cao cho biết chúng an toàn và hiệu quả hơn các nhà máy hiện tại. Tuy nhiên, những người phản đối lại lo ngại một số lò phản ứng mới có thể làm gia tăng nguy cơ phổ biến hạt nhân và rủi ro vật liệu.
Tuy nhiên, không phải mọi chuyện đều thuận buồm xuôi gió đối với Trung Quốc. Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc đã cảnh báo về tình trạng dư thừa nghiêm trọng trong sản xuất linh kiện hạt nhân và "cạnh tranh quá mức" đang khiến giá cả giảm và gây thua lỗ.
Stephen Ezell, tác giả báo cáo, cho biết nếu Mỹ nghiêm túc về vấn đề năng lượng hạt nhân thì nước này cần phát triển một chiến lược quốc gia mạnh mẽ bao gồm đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển, xác định và tăng tốc các công nghệ triển vọng cũng như hỗ trợ phát triển lực lượng lao động lành nghề.
Ezell cho biết: "Mặc dù đang tụt hậu, nhưng Mỹ hoàn toàn có thể bắt kịp về mặt công nghệ”.
>> Mỹ vững ngôi cường quốc số 1 thế giới, tham vọng phi USD hóa bị 'dội gáo nước lạnh'