Láng giềng Việt Nam hoàn thiện thành công siêu dự án đập thủy điện cao 162m: Sản xuất 30,7 tỷ kWh điện/năm, chi phí xây dựng hơn 158 nghìn tỷ đồng
Siêu đập thủy điện này không chỉ là công trình kỹ thuật ấn tượng mà còn là minh chứng cho khả năng của Trung Quốc trong việc triển khai các dự án năng lượng quy mô lớn.
Đập thủy điện Hướng Gia Bá (Xiangjiaba) là một trong những công trình thủy điện lớn và quan trọng hàng đầu ở Trung Quốc. Con đập này nằm trên sông Dương Tử (Yangtze) tại tỉnh Tứ Xuyên và là một phần quan trọng của siêu dự án phát triển năng lượng thủy điện quy mô lớn của Trung Quốc.
Đập Hướng Gia Bá có chiều cao 162m, chiều dài khoảng 284m. Hồ chứa của đập có thể chứa tới 6,2 tỷ m3 nước. Con đập này được đánh giá là cải thiện đáng kể điều kiện giao thông đường thủy trên sông Dương Tử, giúp vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn.
Theo Power Technology, ước tính hàng năm, sản lượng điện của đập Hướng Gia Bá vào khoảng 30,7 tỷ kWh. Nó gồm có 6 tổ máy với mỗi tổ có công suất 100 MW và 6 tổ máy với mỗi tổ có công suất 800 MW. Tổng công suất lắp đặt lên tới 6.448 MW.
Siêu dự án đập thủy điện Hướng Gia Bá được khởi công vào năm 2006 và hoàn thành vào năm 2012. Đây là một trong những đập thủy điện lớn nhất thế giới. Nó được phát triển bởi Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc (CTG) - thuộc sở hữu Nhà nước. Dự án trị giá 6,3 tỷ USD, tương đương hơn 158 nghìn tỷ đồng (theo tỷ giá hiện tại).
Được thiết kế để kiểm soát lũ lụt, cung cấp năng lượng và cải thiện điều kiện giao thông đường thủy, Hướng Gia Bá đã đóng góp đáng kể vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân trong khu vực.
Theo đó, con đập giúp giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch, đồng thời giúp Trung Quốc đạt được các mục tiêu về năng lượng sạch và phát triển bền vững.
Đập thủy điện Hướng Gia Bá không chỉ là công trình kỹ thuật ấn tượng mà còn là một minh chứng cho khả năng của Trung Quốc trong việc triển khai các dự án năng lượng quy mô lớn.