Sự kiện này đánh dấu đột phá trong công cuộc khám phá Trái đất của loài người.
Hố siêu sâu được khoan ở khu tự trị Tân Cương phía Tây Bắc Trung Quốc đã đạt mốc 10.000m vào ngày 4/2 và sẽ xuống sâu nữa, đánh dấu đột phá trong khám phá Trái Đất.
Nằm ở sa mạc Taklimakan tại lòng chảo Tarim, hố khoan Shenditake 1 đang tiến gần tới độ sâu thiết kế là 11.100m khi hoàn thành. Đây là hố khoan khám phá khoa học đầu tiên của Trung Quốc vượt độ sâu 10.000m, theo CGTN.
Từ khi bắt đầu khoan vào ngày 30/5/2023, hố khoan đã xuyên qua 13 địa tầng lục địa, với hơn 1.000 ống khoang chạy thẳng vào lòng đất và dùng hết hơn 20 mũi khoan trong quá trình.
"Đây là lần đầu tiên Trung Quốc khoan hố thẳng đứng sâu trên 10.000m", Wang Chunsheng, chuyên gia ở giếng dầu Tarim thuộc Tập đoàn xăng dầu quốc gia Trung Quốc, đơn vị giám sát quá trình khoan, cho biết.
Ở vị trí giữa dãy núi Thiên Sơn và Côn Luân, lòng chảo Tarim là một trong những khu vực khó khám phá nhất do môi trường khắc nghiệt trên mặt đất và điều kiện phức tạp dưới lòng đất. Theo Wang, sau khi đạt độ sâu 10.000m, công tác khoan sẽ đối mặt nhiều thách thức ngặt nghèo hơn như nhiệt độ trên 200 độ C và áp suất hơn 130MPa.
Được biết, trước đó khi giếng đạt độ sâu 9.000m vào cuối tháng 12/2023, nhiệt độ và áp suất cao ở độ sâu hệ tầng này, cùng với việc đẩy đá ra ngoài đã khiến tiến độ khoan bị chững lại đáng kể.
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Dầu khí mỏ dầu PetroChina Tarim Phùng Thiếu Ba cho hay: "Điều kiện làm việc khắc nghiệt này luôn thách thức các dụng cụ và thiết bị khoan của chúng tôi".
Ông Phùng cho biết thêm rằng nhiệt độ dưới lòng đất hiện đã vượt quá giới hạn chịu nhiệt độ của các công cụ chống lệch chủ động. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã khám phá một bộ cơ chế và phương tiện kỹ thuật để ngăn ngừa hiện tượng nghiêng. Khi không thể sử dụng các công cụ khoan đứng hiện có, vẫn còn nhiều cách để chống lệch và làm thẳng giếng để đảm bảo chất lượng giếng ở độ sâu 10.000m.
Giếng thẳng đứng sâu nhất trên thế giới hiện nay có độ sâu hơn 12.262m. Jia Chengzao, học giả ở Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết Shenditake 1 sẽ trở thành giếng thẳng đứng sâu thứ hai trên thế giới và sâu nhất ở châu Á, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nghiên cứu khoa học lòng đất cũng như thăm dò dầu khí siêu sâu.
Hiện nay, mũi khoan đang xuyên qua lớp đá hình thành cách đây 500 triệu năm. Trong quá trình khoan, các nhà địa chất học thu thập mẫu đá từ nhiều độ sâu và địa tầng khác nhau. Việc khoan những giếng sâu vừa giúp xác định các nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng, đồng thời giúp đánh giá rủi ro của các thảm họa môi trường, như động đất và núi lửa phun trào.
Tarim là lưu vực lớn nhất thế giới nằm trên đất liền và là lưu vực dầu khí lớn nhất Trung Quốc, phần lớn các mỏ đều ở độ sâu dưới 6.000m và 8.000m. Theo dự đoán địa chất, có thể tồn tại nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào được chôn sâu 10.000m trong lưu vực Tarim.
Một khi giếng thăm dò trên đạt được bước đột phá, nó sẽ mở ra một "kho tàng" dầu khí ở độ sâu hơn 10.000m và hình thành một mỏ thay thế để tăng trữ lượng và sản xuất.