Sống

Làng nghề dát quỳ vàng duy nhất Việt Nam tồn tại hơn 300 năm tuổi: Ông tổ là 1 Tiến sĩ, phủ sơn son, thếp vàng từ công trình của vua chúa đến đền, chùa lớn khắp cả nước

Nhật Linh 04/10/2023 10:02

Đây là làng nghề nức tiếng cả nước với những lá quỳ vàng, bạc chất lượng cao mà khó có nơi nào sánh kịp.

Cách trung tâm thành phố gần 20 km về phía đông bắc, Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) là làng nghề duy nhất của nước ta làm nghề dát vàng, bạc. Theo nhiều ghi chép, nghề quỳ vàng bạc xuất hiện ở xã Kiêu Kỵ cách đây trên 300 năm, thời Hậu Lê. Ông tổ nghề của làng là Tiến sĩ Nguyễn Quý Trị.

Năm 1763, khi làm Binh Bộ Tả Thị Lang Nguyễn Quý Trị được vua cử đi sứ Trung Quốc. Tại đây, ông đã làm quen và học được nghề dát vàng, bạc (vàng, bạc quỳ) để sơn thếp lên câu đối, hoành phi, đồ thờ tự. Về nước, ông tìm đến đất Kiêu Kỵ để truyền dạy lại nghề cho dân, tạo cho dân nơi đây có việc làm thường xuyên, tay nghề tinh xảo khi nhận sơn son, thếp vàng, thếp bạc các công trình kiến trúc của vua chúa và đền, chùa, miếu, điện ở kinh đô.

kk 7
Hình ảnh nghệ nhân đang dát vàng ở làng nghề Kiêu Kỵ

Hình ảnh nghệ nhân đang dát vàng ở làng nghề Kiêu Kỵ

Ngoài ra còn nhận tô son, thếp vàng các đồ mỹ nghệ, tranh, tượng, ngai thờ, đồ gốm các loại. Tiếng lành đồn xa, dần dần khắp nơi trong cả nước đều mời thợ Kiêu Kỵ đến làm. Suốt mấy thế kỷ liền, dân Kiêu Kỵ có cuộc sống sung túc nhờ đôi tay khéo léo và con mắt nghệ thuật. Không chỉ những công trình kiến trúc, tín ngưỡng, đồ thờ xưa kia mà gần đây, việc trang trí nội thất của Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, lăng Bác, một số công trình kiến trúc ở Huế, Hội An, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa chiền ở thành phố Hồ Chí Minh, Miếu Bà Chúa xứ tỉnh An Giang, Đền Trần Nam Định và nhiều khách sạn lớn trong toàn quốc… đều có sản phẩm vàng, bạc quỳ của Kiêu Kỵ.

Ghi nhớ công ơn của Tiến sĩ Nguyễn Quý Trị, dân làng Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm đã lập đền thờ, đắp tượng và tôn ông làm tổ nghề, xuân thu tế bái. Ngoài ngày giỗ Tổ nghề (17/8 âm lịch), dân Kiêu Kỵ còn có tục lệ cúng lễ Tổ nghề vào ngày 12 tháng Giêng. Khi đó, các gia đình sau khi mang lễ đến cúng Tổ nghề sẽ về nhà làm nghi thức “khai tràng” (tức là lễ khai búa đập quỳ). Bên cạnh nhà thờ tổ nghề, Nhân dân Kiêu Kỵ còn tự đóng góp và thực hiện xã hội hóa để xây nhà trưng bày sản phẩm truyền thống và khu thực hành nghề.

Lễ giỗ tổ làng nghề Kiêu Kỵ

Lễ giỗ tổ làng nghề Kiêu Kỵ

Trong những năm gần đây, nghề làm vàng, bạc quỳ ở làng Kiêu Kỵ đã phát triển thành hai loại: làm vàng, bạc quỳ cựu và làm bạc quỳ tân. Trong đó, vàng và bạc quỳ cựu được làm từ vàng, bạc thật, còn bạc quỳ tân được làm từ thiếc. Để làm ra vàng, bạc quỳ tân, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn như: chế biến mực, pha giấy dó, đập và bóc giấy quỳ, lướt mực và đập giấy quỳ giống, pha giấy khấu làm lá quỳ vỡ, lướt mực và đập giấy quỳ vỡ, cán vàng và bạc, đánh vỡ, cắt dòng, đánh quỳ, trại quỳ thu thành phẩm. Mỗi công đoạn lại có nhiều khâu nhỏ hơn, lên tới gần 40 khâu khác nhau mới cho ra thành phẩm.

Không chỉ tốn công, nghề làm vàng, bạc quỳ còn đòi hỏi ở người thợ sự kiên trì, tinh xảo. Những thỏi vàng, bạc thật được cán và đập cho mỏng thành những miếng diệp có kích thước 1cmx1cm rồi được đánh vỡ và cắt thành 9 đến 12 miếng đều nhau để nong vào giấy quỳ giống – một loại giấy gió mỏng và dai, được lướt nhiều lần với mực pha bằng bồ hóng và keo da trâu.

Sau khi nong các miếng diệp vỡ vào giữa các giấy quỳ giống thành từng quỳ, người thợ xếp quỳ vào lồng và đặt lên bếp lò sấy nóng trong một đêm. Sau đó, quỳ được lấy ra rồi đập bằng búa tay cho đến khi miếng diệp bên trong mỏng dính, dàn đều ra 4 cạnh của lá quỳ (kích thước 5cmx5cm) là được. Công đoạn cuối cùng là dùng một chiếc bay nhỏ để gỡ các lá vàng, bạc quỳ ra rồi nong vào giữa các miếng giấy bản nhỏ cũng có kích thước 5cmx5cm.

Những người thợ Kiêu Kỵ đang thực hiện công đoạn đập diệp

Những người thợ Kiêu Kỵ đang thực hiện công đoạn đập diệp

Các công đoạn xếp vàng chuẩn bị cho khâu đập điệp và làm quỳ cũ đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ cao

Các công đoạn xếp vàng chuẩn bị cho khâu đập điệp và làm quỳ cũ đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ cao

Tất cả các khâu trong quy trình làm vàng, bạc quỳ đều được tiến hành theo trình tự rất nghiêm ngặt. Chỉ khâu chế biến mực, cán vàng bạc và đánh quỳ là được làm ở chỗ mát, thông thoáng. Còn các khâu còn lại đều phải làm trong nhà kín gió. Đặc biệt, ở khâu thu hồi sản phẩm cuối cùng, người thợ phải xoa phấn rôm vào tay cho khỏi dính quỳ. Theo các nghệ nhân có nhiều thâm niên trong nghề làm vàng, bạc quỳ thì khâu làm giấy quỳ giống và giấy vỡ là quan trọng nhất, có tính quyết định đến chất lượng của sản phẩm.

Tượng trâu được thếp vàng

Tượng trâu được thếp vàng

Nghề làm vàng, bạc quỳ rất tinh xảo, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ kiên trì, cần mẫn, cẩn thận, tinh tế. Từ việc xây lò kín, làm mực “lướt” quỳ, đánh quỳ, quỳ vàng, bạc (dát vàng, bạc hay vàng, bạc quỳ). Để ra một sản phẩm quỳ vàng, bạc, người thợ phải trải qua 40-50 công đoạn, nay cải tiến còn 20 công đoạn. Nhiều công đoạn đã dùng máy móc hiện đại hỗ trợ. Búa dùng để đập quỳ cũng được cải tiến để đập được nhanh và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, có những công đoạn thì mãi không thay thế, loại bỏ được và phải làm thủ công, như công đoạn xây lò, làm mực, cắt dòng, sang vàng, trại quỳ.

“Trại quỳ” là công đoạn người thợ phải bóc tách từng miếng thành phẩm mỏng tang rồi ép vào giấy dó để vàng không dính vào nhau và không vỡ vụn

“Trại quỳ” là công đoạn người thợ phải bóc tách từng miếng thành phẩm mỏng tang rồi ép vào giấy dó để vàng không dính vào nhau và không vỡ vụn

Dù đã trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng như bị mai một, nhưng đến nay Kiêu Kỵ vẫn bảo tồn, duy trì được tinh hoa của làng nghề nhờ những đôi bàn tay tài hoa và tấm lòng yêu nghề của người dân nơi đây.

Ngày 09/03/2021, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã ký Quyết định số 826/QÐ-BVHTTDL công nhận Nghề thủ công truyền thống quỳ vàng, bạc Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Việt Nam sở hữu loại cây là một trong tứ bảo đông y, chỉ bóc vỏ bán cũng thu 276 triệu USD, là nước sản xuất đứng thứ 3 thế giới

Quyết liệt xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề tại bắc Ninh

Hình ảnh lạ ở làng nghề là ‘điểm đen’ của Bắc Ninh

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/lang-nghe-dat-quy-vang-duy-nhat-viet-nam-ton-tai-hon-300-nam-tuoi-ong-to-la-1-tien-si-phu-son-son-thep-vang-tu-cong-trinh-cua-vua-chua-den-den-chua-lon-khap-ca-nuoc-d109343.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Làng nghề dát quỳ vàng duy nhất Việt Nam tồn tại hơn 300 năm tuổi: Ông tổ là 1 Tiến sĩ, phủ sơn son, thếp vàng từ công trình của vua chúa đến đền, chùa lớn khắp cả nước
    POWERED BY ONECMS & INTECH