Lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nâng chuẩn nhà đầu tư

20-05-2022 11:45|Bảo Bảo

Trong 5 năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm. Việc phát triển nhanh và mạnh vô hình đã tạo ra những hệ lụy và phát lộ những vấn đề trong khâu quản lý.

Tại Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững" diễn ra chiều ngày 19/5/222, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đã nên một số giải pháp để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu trong đó nhấn mạnh việc trước mắt là cần giải quyết dứt điểm các vụ việc vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư cũng như tránh tạo tiền lệ xấu đồng thời cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp: sớm sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Nghị định 156/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; rà soát Luật Chứng khoán 2019 tiến tới sửa đổi trong đó nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp,… Đặc biệt, cần cân nhắc mức độ phù hợp về quy định tài sản đảm bảo, bảo lãnh phát hành, phân phối trái phiếu.

Bên cạnh đó, cần có quy định về định hạng tín nhiệm nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng doanh nghiệp, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành.

Theo đó, cần xác định những trường hợp bắt buộc, trường hợp khuyến khích xếp hạng tín nhiệm; cần có quy định đảm bảo các công ty định hạng tín nhiệm có đủ năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; nên xem xét cấp phép thành lập thêm 2 - 3 công ty định hạng khác, ngoài 2 công ty đã có; làm rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các trung gian tài chính liên quan.

Không những thế, cần có giải pháp tăng chất lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành: xem xét quy định cụ thể hơn về quy mô, tần suất, điều kiện phát hành; hoạt động phát hành ra công chúng cần được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn (đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ…).

Đặc biệt, cần hoàn thiện hạ tầng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp như thiết lập thị trường thứ cấp tập trung đối với trái phiếu doanh nghiệp, quy định áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu… Đồng thời, tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ như là một chuẩn định hạng đối với trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần phát triển nền tảng nhà đầu tư chứng khoán đa dạng, chuyên nghiệp; khuyến khích phát triển các nhà đầu tư tổ chức như quỹ đầu tư, quỹ mở, quỹ hưu trí…; khuyến khích hình thức ủy thác đầu tư; cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân thông qua tăng cường giáo dục tài chính cho người dân và những nhà đầu tư mới; yêu cầu minh bạch thông tin cho nhà đầu tư, đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư cá nhân,… giúp họ nhận diện các rủi ro, có thêm các lựa chọn đầu tư tùy vào khẩu vị rủi ro, từ đó tránh những hệ lụy không đáng có,...

Và cuối cùng cần hoàn thiện cơ chế và nâng cao chất lượng quản lý và giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát trên cơ sở rủi ro, chứ không chỉ là biện pháp hành chính.

Nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp

Theo ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ Ban kinh tế của Quốc hội, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả và bền vững, việc hoàn thiện khung pháp luật sắp tới có 2 vấn đề.

Thứ nhất, thị trường vốn là kênh có sự chia sẻ giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp, chứ không thể có an toàn tuyệt đối. Thủ tướng Chính phủ đã nói rất nhiều lần, đó là khó khăn thì phải san sẻ, lợi ích cùng hưởng.

Thứ hai, trong biện pháp can thiệp thị trường trái phiếu doanh nghiệp, việc giám sát để bảo đảm tuân thủ pháp luật là điều phải làm; nếu đặt thêm các chính sách, biện pháp can thiệp cũng phải tính đến việc đôi khi thị trường bị ảnh hưởng nặng do sự can thiệp,...

Được biết ở thời điểm hiện tại, theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, khi phát hành trái phiếu ở thị trường sơ cấp thì số nhà đầu tư là cá nhân tham gia chỉ có 8,6%; sau đó tất cả các trái phiếu ở thị trường sơ cấp lại được bán cho các đầu tư cá nhân ở thị trường thứ cấp. Do đó việc can thiệp, nên tập trung nhiều ở thị trường thứ cấp, ở đó chủ yếu là các nhà đầu chuyên nghiệp.

Về quy định của pháp luật về nhà đầu tư chuyên nghiệp, theo ông Hiếu, Điều 11 của Luật Chứng khoán, có 2 điểm bất cập.

Thứ nhất, các điều kiện để một cá nhân trở thành nhà đầu tư chứng khoán rất dễ để đạt được về mặt luật pháp nhưng có thể không làm thay đổi bản chất của nhà đầu tư đó. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán. Điển hình như quy định: Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 02 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Vậy sau thời điểm đó thì như thế nào? Ông Hiếu nêu vấn đề và dẫn chứng luật pháp nước ngoài: Theo Luật Chứng khoán của Mỹ năm 1933, sửa đổi năm 2010, nhà đầu tư đã được chỉ định thì phải có tài sản là 200.000 USD. Trong 2 năm liên tiếp phải luôn phải duy trì, chứ không chỉ tại thời điểm đó.

Năm 2020, Mỹ lại sửa đổi thêm lần nữa, bổ sung thêm quy định mới về năng lực chuyên môn… Khi đó, nhà đầu tư đáp ứng được điều kiện mới được công nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Thứ hai, Luật Chứng khoán giao cho chính công ty chứng khoán là những người bán hàng. Có nghĩa là họ mua ở thị trường sơ cấp, rồi bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Quy định như thế sẽ có xung đột, vì nếu họ muốn bán hàng, họ sẽ tìm mọi cách để xác nhận người mua đủ tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Từ những lập luận nêu trên, ông Hiếu đề nghị Chính phủ cho xem xét, rà soát Điều 11 của Luật Chứng khoán và Nghị định 155/2020 liên quan điều kiện của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Nếu như nâng được chất lượng thực sự của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ có một lợi ích rất dài hạn. Đây là công cụ thị trường để tự họ sàng lọc mà không cần can thiệp về mặt chính sách.

Về dài hạn, ông Hiếu cho rằng cần nâng cao chất lượng của doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Do vậy, không có gì khác ngoài việc nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp.

Ông Hiếu cho biết, Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh được cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao, có bộ chỉ số bảo vệ nhà đầu tư, chính là chỉ số nâng cấp chất lượng quản trị doanh nghiệp. Do đó, cần thực thi mạnh mẽ Nghị quyết 02 của Chính phủ.

TS Cấn Văn Lực: 'GDP quý I cao nhất 5 năm nhưng doanh nghiệp vẫn khó khăn'

Kéo giảm 'thừa tiền' trong năm 2024

Ngân hàng tung loạt ưu đãi mới kích cầu bất động sản giá rẻ

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lanh-manh-hoa-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-nang-chuan-nha-dau-tu-126522.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nâng chuẩn nhà đầu tư
POWERED BY ONECMS & INTECH