Lao động nhập cư - động lực tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc
Với tỷ lệ sinh giảm, Hàn Quốc mở rộng phạm vi việc làm cho lao động nước ngoài để tìm đà tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong nước.
Vào khoảng thời gian Kuda Jayantha sắp tốt nghiệp trung học, anh bắt đầu chú ý đến các bảng quảng cáo ở quê nhà ở Sri Lanka về cơ hội kiếm việc làm tại Hàn Quốc.
Những gì anh biết về Hàn Quốc là một quốc gia hào nhoáng hiện lên trong những thước phim truyền hình. Chứng kiến viễn cảnh kinh tế ảm đạm với tỷ lệ thất nghiệp cao tại quê nhà, đã nhìn thấy những hình ảnh về Hàn Quốc qua những bộ phim truyền hình hào nhoáng, Jayantha bắt đầu học tiếng Hàn và chuẩn bị thủ tục giấy tờ để xin việc làm tại các nhà máy ở quốc gia Đông Á này.
Sáu năm sau, Jayantha làm việc theo ca 12 giờ để đúc các trục bánh xe bằng thép ở Hàn Quốc. Dù công việc khiến bản thân kiệt sức, Jayantha vẫn hài lòng.
“Đây là một đất nước hòa bình, nơi nếu làm việc chăm chỉ, bạn có thể kiếm được một số tiền”, chàng trai 27 tuổi chia sẻ.
Hàn Quốc, quốc gia vốn có luật nhập cư nghiêm ngặt, đã chấp nhận lao động nước ngoài tạm thời từ những năm 1990 để giải quyết tình trạng thiếu lao động trong các ngành sản xuất và nông nghiệp.
Nhưng giờ đây, chính phủ Hàn Quốc đang coi những người lao động nhập cư như Jayantha như động lực mới để nền kinh tế tăng trưởng. Chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol đang nỗ lực gia tăng số lượng lao động nước ngoài và phạm vi công việc họ có thể làm, khi đất nước tìm cách giải quyết tình trạng thiếu lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu trước công chúng hồi tháng 7, Bộ trưởng Tư pháp Han Dong-hoon đã đưa ra một nhận định thẳng thắn gây sốc: “Không có người nhập cư, Hàn Quốc không có tương lai”.
Năm nay, nước này đã tăng số lượng thị thực tối đa dành cho người lao động nhập cư lên 110.000, tăng mạnh so với con số 88.000 suất vào năm trước và 51.000 suất trước đại dịch COVID-19.
Giống như nước láng giềng Nhật Bản đang ngày càng dựa vào lao động nước ngoài, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và các nhà hoạch định chính sách đang phải loay hoay tìm cách giải quyết tình trạng thiếu lao động.
Nhưng trong khi Nhật Bản nỗ lực công khai để thu hút lao động có tay nghề cao làm việc trong các lĩnh vực kỹ thuật, thì lao động nước ngoài ở Hàn Quốc chỉ được làm các công việc phổ thông hoặc tay nghề thấp trong các nhà máy, trang trại và thủy sản.
Nhưng có nhiều cơ sở đang thay đổi quan niệm này. Các chủ doanh nghiệp đã kêu gọi chính phủ điều chỉnh luật để giúp người nước ngoài dễ dàng nhận việc hơn trong những lĩnh vực gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên, chẳng hạn như nhà hàng, nhà nghỉ và dịch vụ chuyển phát nhanh.
Tờ báo kinh doanh Maeil đã đưa ra những lập luận như vậy trong một bài xã luận gần đây, nói rằng chính phủ Hàn Quốc nên "mạnh dạn nới lỏng các quy định trong các ngành thiếu lao động, dựa trên nhu cầu của từng lĩnh vực."
Một động thái đã thu hút sự giám sát đặc biệt: Chính quyền thành phố Seoul đã công bố kế hoạch mở đường cho Hàn Quốc tuyển dụng người nước ngoài làm việc trong lĩnh vực giúp việc gia đình.
Ở các nền kinh tế châu Á phát triển như Hồng Kông và Singapore, người giúp việc gia đình từ các nước đang phát triển từ lâu đã đảm nhận việc nhà và chăm sóc trẻ em, nhưng Hàn Quốc cho đến nay vẫn chưa chấp thuận điều này, khiến các gia đình phải dựa vào người thân hoặc thuê nhân công trong nước với giá cả đắt đỏ.
Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon cho biết việc cho phép người nước ngoài giúp việc nhà có thể giúp nước này làm chậm tốc độ giảm tỷ lệ sinh. Ông Oh nói rằng trong khi những người giúp việc kiếm được từ 2 triệu đến 3 triệu won tại Hàn Quốc (tương đương 1.500 đến 2.200 USD) mỗi tháng, thì những đồng nghiệp tại Hồng Kông và Singapore có mức thu nhập thấp hơn con số trên.
Chính phủ Hàn Quốc đã quy định mức lương tối thiểu mỗi giờ cho người lao động làm nghề giúp việc, hiện ở mức 9.620 won, nhưng thấp hơn mức mà chính phủ nói là "tỷ giá thị trường" là 15.000 won.
Hàn Quốc đang tiến hành một chương trình thí điểm sẽ thu hút khoảng 100 lao động giúp việc gia đình. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nước này sẽ phải hết sức cẩn thận vì chính sách mới sẽ mở ra nhiều lĩnh vực thị trường việc làm hơn cho người di cư.
Oh Kye-taik, giám đốc Trung tâm Tiền lương và Lao động Hàn Quốc, cho biết: “Có những lĩnh vực mà người lao động Hàn Quốc không muốn làm việc vì công việc được trả lương quá thấp hoặc quá khó, do đó việc sử dụng lao động nước ngoài là điều hợp lý. Nhưng trong một số trường hợp, các công ty muốn thuê lao động nước ngoài vì họ có thể trả lương cho họ thấp hơn cho cùng một công việc. Điều đó có thể dẫn đến nhiều hệ lụy".
Ngoài ra còn có những câu hỏi về việc Hàn Quốc có sẵn sàng tiếp nhận số lượng lớn người nhập cư chưa hiểu rõ ngôn ngữ và văn hóa nước này không. Nhiều trường hợp người lao động bị ngược đãi thường xuyên gây xôn xao dư luận.
Vào mùa đông năm 2020, một phụ nữ trẻ người Campuchia đã đột tử tại nơi ở của mình tại một trang trại ở vùng nông thôn Hàn Quốc. Thi thể của cô được tìm thấy trong một căn nhà tạm bợ cách nhiệt kém và không có máy sưởi.
Sau vụ việc đó, các báo cáo về người nhập cư chết hoặc bị thương trong các vụ tai nạn lao động vẫn xuất hiện. Những người ủng hộ lao động nhâp cư đã gây sức ép buộc chính phủ Hàn Quốc ban hành các tiêu chuẩn nơi làm việc chặt chẽ hơn và thay đổi cách xã hội nhìn nhận về vai trò của người lao động nước ngoài.
Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố hồi tháng 7: “Chúng ta phải loại bỏ ý tưởng vô nhân đạo rằng lao động nước ngoài có thể được sử dụng với giá rẻ trong môi trường nghèo nàn rồi bị gửi trở lại. Tính mạng và sự an toàn của họ rất quan trọng”.
Từ năm 2007, Ryu Ji-ho đã điều hành 1 trong 9 trung tâm hỗ trợ người nhập cư do chính phủ tài trợ trên toàn quốc, nơi ông và nhân viên của mình tư vấn cho các nhân viên ở Uijeongbu, một thành phố vệ tinh phía bắc Seoul.
Mỗi tuần có khoảng 300 đến 350 công nhân tới trung tâm để được hỗ trợ bằng 14 ngôn ngữ. Ryu cho biết, yêu cầu phổ biến nhất của họ là được hỗ trợ nhận lại số tiền lương chưa trả và hoàn thành các thủ tục giấy tờ cần thiết để thay đổi chỗ làm.
Trung tâm hỗ trợ dành cho người lao động nước ngoài ở Uijeongbu (Hàn Quốc) có một thư viện đa ngôn ngữ cho người nhập cư châu Á. Ảnh: Nikkei Asia |
Ryu và các đồng nghiệp của mình đang lo lắng khi nghe tin chính phủ có kế hoạch rút tài trợ cho các trung tâm hỗ trợ người lao động nhập cư trên khắp đất nước như một phần trong chiến dịch thắt lưng buộc bụng của chính quyền Tổng thống Yoon.
Những người ủng hộ lập luận rằng với số lượng lớn người di cư vào nước này, các trung tâm hỗ trợ phải duy trì hoặc tăng ngân sách chứ không phải cắt giảm.
“Nhân viên của chúng tôi ở đây có rất nhiều kiến thức được tích lũy qua nhiều năm vận hành trung tâm này. Nếu chúng tôi mất nơi này, tất cả những bí quyết đó sẽ biến mất và người lao động nhập cư sẽ không thể tiếp cận được thông tin họ cần về cách làm thế nào để sống ở Hàn Quốc," Ryu nói.
Bộ Việc làm và Lao động phản hồi rằng thông tin ngân sách dành cho các trung tâm hỗ trợ đang bị cắt giảm là "gây hiểu lầm" và chính phủ Hàn Quốc đang tái cơ cấu ngân sách cho các tổ chức công, vốn được cung cấp thông qua các nhà cung cấp hỗ trợ tư nhân, bao gồm cả các tổ chức phi lợi nhuận.
Jayantha, công nhân đến từ Sri Lanka, dự định ở lại Hàn Quốc trong thời gian sắp tới. Anh đã đạt được chứng chỉ tiếng Hàn và bằng lái xe, những thủ tục pháp lý mà anh hy vọng sẽ mang đến công việc lương cao hơn, hấp dẫn hơn.
Anh cũng đã có thể chuyển sang loại thị thực cho phép sống ở Hàn Quốc vô thời hạn. Jayantha thừa nhận rằng những ca làm việc dài 12 tiếng có thể rất tẻ nhạt và là một người nước ngoài đến từ một quốc gia kém phát triển, anh phải đối mặt với sự phân biệt đối xử.
“Mọi quốc gia đều có những điều tồi tệ, nhưng tôi không quan tâm”, Jayantha nói về trải nghiệm của mình ở Hàn Quốc. "Chúng ta cần nhìn thấy điều tốt và cố gắng bỏ qua điều xấu".
Huy Vũ
Theo Asia Nikkei