Hàng Trung Quốc ồ ạt tràn sang Đông Nam Á, chuyện gì xảy ra?
Trung Quốc đang đẩy mạnh việc chuyển hướng xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ thông qua các quốc gia Đông Nam Á nhằm né tránh bức tường thuế quan do Tổng thống Donald Trump thiết lập trong cuộc chiến thương mại.
Theo số liệu từ Cục điều tra dân số Mỹ, giá trị hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ trong tháng 5 đã giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương khoảng 15 tỷ USD. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tăng 4,8% trong cùng giai đoạn, nhờ mức tăng 15% trong xuất khẩu sang Đông Nam Á và 12% sang Liên minh châu Âu.
Động thái này phản ánh xu hướng ngày càng rõ rệt: Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm cách tránh thuế quan bằng cách tái xuất hàng hóa qua các nước thứ ba. Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics, ông Mark Williams, nhận định dữ liệu cho thấy "một xu hướng rất đáng chú ý".
Ấn Độ, UAE và EU – những điểm đến thay thế của hàng Trung Quốc
Tại Ấn Độ, tác động của thuế quan chủ yếu rơi vào ngành điện thoại thông minh, một phần lớn do Apple chuyển hoạt động lắp ráp iPhone bán tại Mỹ sang Ấn Độ từ năm tới.
Xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 5 tăng 17%, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) cũng tăng tới 22,4%, theo ông Ajay Srivastava từ Tổ chức Sáng kiến Nghiên cứu Thương mại Toàn cầu. “Sự gia tăng nhập khẩu thiết bị điện tử và máy móc - phần lớn từ Trung Quốc và xuất khẩu ngày càng mạnh sang Mỹ cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu đang thích nghi rất nhanh”, ông nói.

Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 5 đã tăng 1,1 tỷ USD, tương đương 20% so với cùng kỳ năm ngoái, với các mặt hàng như điện thoại thông minh, máy tính xách tay và thuốc lá điện tử chiếm phần lớn.
Chuyên gia kinh tế trưởng Monica Malik từ Ngân hàng Abu Dhabi cho biết: “Trung Quốc đang nhắm đến các thị trường thay thế với nhu cầu tiêu dùng cao, dân số trẻ, đầu tư mạnh và ít sản xuất trong nước”. Bà nói thêm rằng sự hiện diện của các sản phẩm Trung Quốc - đặc biệt là xe điện và điện tử tiêu dùng - đang ngày càng dễ nhận thấy trong khu vực. “Giờ bạn có thể dễ dàng thấy nhiều xe điện Trung Quốc chạy trên đường phố nơi đây”, bà nói.
Tại châu Âu, các chuyên gia cho biết phần lớn hàng hóa Trung Quốc gia tăng không phải để xuất tiếp sang nước khác, mà được người dân trong khu vực tiêu dùng trực tiếp. Ủy ban châu Âu cho biết trong 5 tháng đầu năm 2025, châu Âu đã nhập khẩu nhiều hàng dệt may, hóa chất và máy móc từ Trung Quốc hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái.
Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của sự chuyển hướng thương mại là sự gia tăng đột biến của các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc, sau khi ông Trump cấm các doanh nghiệp nước này lợi dụng quy định “de minimis” - cho phép miễn thuế đối với hàng hóa trị giá dưới 800 USD gửi đến Mỹ.
Kể từ đó, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không từ Trung Quốc và Hồng Kông sang Mỹ đã giảm mạnh. Theo số liệu của WorldACD, khối lượng hàng hóa tính phí trong tuần đầu tháng 6 đã giảm 19% so với năm ngoái.
Giới chức EU cho biết họ đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể trong các chiến dịch quảng cáo nhắm vào người tiêu dùng châu Âu của các nhà bán lẻ Trung Quốc như Temu và Shein. Khối này cũng đang xem xét bãi bỏ quy định “de minimis” của riêng mình và thay vào đó áp mức phí xử lý 2 euro cho mỗi kiện hàng.
Chuyên gia Maria Demertzis từ tổ chức tư vấn Conference Board tại Brussels nhận định: “Sự chuyển hướng thương mại lớn nhất từ Trung Quốc sang châu Âu là ở các gói hàng giá trị thấp. Bạn có thể thấy rõ điều đó qua số lượng quảng cáo từ các nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc. Những mặt hàng đó đang được tiêu thụ ngay tại châu Âu, chứ không phải được tái xuất”.
Tham khảo FT
>> Thái Lan tuyên bố sẵn sàng gỡ bỏ thuế với hầu hết hàng Mỹ nhằm tránh 'đòn giáng' 36% từ ông Trump
Thâm hụt thương mại của Mỹ tăng vọt trong tháng 5
Mỹ sẽ áp thuế quan theo mức cũ nếu không có thỏa thuận trước ngày 1/8