'Lấp tới nửa vịnh, còn gì là di sản'
Không thể để tình trạng lấp biển hết, con cháu chúng ta sẽ học theo, lấp được một chỗ rồi lấp nhiều chỗ, lấp tới nửa vịnh thì còn gì là di sản”, GS Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm.
Bộ VHTTDL vừa tổ chức Hội nghị - Hội thảo xin ý kiến góp ý hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Tại hội nghị, hội thảo, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền báo cáo tóm tắt nội dung Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Theo đó về bố cục, nội dung cơ bản, Luật Di sản văn hóa gồm 10 Chương, 154 Điều.
Nhiều quy định mới được bổ sung như: quy định biện pháp xử lý đối với trường hợp di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam sau khi được đưa vào các danh sách của UNESCO không thực hiện đúng Chương trình hành động bảo vệ di sản đã cam kết với UNESCO; quy định thực hiện chế độ báo cáo kiểm kê hàng năm; công bố Danh mục quốc gia di sản văn hóa phi vật thể, chương trình hành động quốc gia, các báo cáo quốc gia, đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể...
Tại hội thảo, ông Phạm Đình Huỳnh - Phó Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long bày tỏ băn khoăn của mình về những quy định trong việc quản lý vùng đệm, vùng lõi, vùng lân cận của di sản.
Ông Huỳnh cho rằng, Điều 49 quy định về hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có sự xung đột với các luật khác.
Ông Huỳnh nêu cụ thể Điều 49, mục 1 quy định: Dự án đầu tư xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích trong khu vực bảo vệ I và dự án đầu tư cải tạo, xây dựng công trình kinh tế - xã hội ở khu vực bảo vệ II của di tích chỉ được phê duyệt và triển khai thực hiện sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia; của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích cấp tỉnh, di tích được kiểm kê.
Quy định này theo ông Huỳnh có xung đột với Điều 31 của Luật Đầu tư. Ông đề nghị có sự thống nhất để khi triển khai dự án tại vùng lõi, vùng đệm của di sản có hướng dẫn cụ thể.
Phó Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long cũng góp ý Điều 47 “Bảo vệ yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan môi trường - sinh thái thuộc khu vực I, khu vực II của di tích và di sản thế giới”. Theo ông, cần có điều khoản do Chính phủ quy định chi tiết về bảo vệ các yếu tố gốc cấu thành di sản, di tích, cảnh quan môi trường, sinh thái.
Ông Huỳnh lấy ví dụ: “Tại di sản vịnh Hạ Long đã được UNESCO ghi danh bởi giá trị thẩm mỹ, tuy nhiên mọi đánh giá về tác động môi trường hay báo cáo khác không bao giờ đề cập đến; công nhận về giá trị địa chất cũng thế phải quy định rất rõ yếu tố gốc của di sản từ đó các yếu tố đánh giá tác động tới di sản phải thể hiện ra”.
Bên lề hội nghị, đánh giá về ý kiến của Phó Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long về việc quy định vùng đệm, vùng lõi… GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng “những quy định này hiện nay đúng là có những hiểu lầm và khó khăn cho địa phương, nhất là di sản thế giới kéo dài qua vài tỉnh, diện tích lớn”.
Nhưng quan điểm của GS Nguyễn Minh Thuyết việc “lấn biển” ở vịnh Hạ Long thời gian qua là không nên.
“Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên hiếm có, là vốn quý không chỉ riêng Việt Nam mà của thế giới. Vịnh có nhiều núi, đảo nổi lên rất đẹp, sơn thuỷ hữu tình, giờ lấn biển, biến núi nằm trên đất liền thì hết giá trị. Phần lớn các nước có bờ biển rộng sẽ để rất thoáng, thậm chí nhà cao tầng không cho xây. Tôi đi hàng chục km chỉ thấy biển, rất đẹp. Quảng Ninh rất hạnh phúc khi có di sản hiếm có như vậy, ít nhất họ phải hiểu giá trị của di sản, không nên vì mục tiêu trước mắt mà làm hỏng di sản mang giá trị nghìn đời.
Tôi nghĩ việc khắc phục tình trạng lấn biển ở vịnh Hạ Long hiện tại là rất tốn kém, nhưng vẫn phải khắc phục. Chứ không thể để tình trạng lấp biển hết vậy, con cháu chúng ta sẽ học theo, lấp được một chỗ rồi lấp nhiều chỗ, lấp tới nửa vịnh thì còn gì là di sản”, GS. Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm.
Bổ sung quy định về Bảo quản di vật, cổ vật
Tại hội nghị, nhiều tham luận đề nghị làm rõ hơn các mục cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa như: Bổ sung quy định về Bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; quy định về mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ, bảo quản một khối lượng lớn tài liệu, hiện vật, trong đó có 24 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Những năm gần đây, hoạt động hợp tác quốc tế, phối hợp tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề của bảo tàng đã chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, góp phần đưa di sản văn hóa Việt Nam giới thiệu tới bạn bè quốc tế.
Từ năm 2011 đến năm 2023, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp tổ chức đưa hiện vật ra nước ngoài trưng bày có thời hạn 11 cuộc với 1.728 cổ vật, trong đó 02 bảo vật quốc gia.
Tuy nhiên, khi thực hiện phía bảo tàng cũng gặp một số bất cập trong điều kiện để xin quyết định đưa hiện vật, bảo vật đi trưng bày tại nước ngoài.
Vì vậy, phía bảo tàng đề xuất điều chỉnh mục b, Điều 79 Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) - có bảo hiểm cho di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (muộn nhất trước khi hiện vật được đưa ra khỏi bảo tàng); tức là khi trình xin quyết định có thể chưa có "Chứng nhận bảo hiểm hiện vật" mà chỉ cần "Cam kết mua bảo hiểm của đơn vị mượn hiện vật".
Có như vậy, thủ tục xin phép đưa hiện vật, bảo vật đi trưng bày tại nước ngoài sẽ được thuận lợi hơn, tạo điều kiện để các bảo tàng phối hợp thực hiện nhiều cuộc trưng bày hơn nữa, góp phần quảng bá ngày càng sâu rộng những giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam với thế giới.
Hay trong công tác quản lý di tích, dẫn chứng từ thực tế, đại diện Ban quản lý làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) ông Nguyễn Đăng Thạo cho biết, đã và đang xuất hiện tình trạng người nơi khác đến tìm mua bán chuyển nhượng các thửa đất có nhà cổ để làm du lịch.
Song theo ông Nguyễn Đăng Thạo: “Hiện nay Luật của chúng ta cũng chưa quy định việc cấm hay hạn mua bán, chuyển nhượng các loại hình di tích sở hữu tư nhân này nên không thể ngăn cấm hành vi này, nên chăng phải có quy định cấm không cho chuyển nhượng, thừa kế, chia lô tách thửa các loại hình di tích sở hữu tư nhân, có như vậy mới giữ được di sản”.
Chính sách đối với nghệ nhân chưa đáp ứng được thực tế, thiếu đồng bộ
Quan tâm đến chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho hay: Chủ trương không xếp hạng mà kiểm kê phân loại di sản văn hóa phi vật thể và xây dựng Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo tinh thần của Luật di sản văn hóa là hết sức đúng đắn.
Tuy nhiên, mặc dù trong hướng dẫn thực hiện kiểm kê có ghi rõ "ưu tiên kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể đang bị mai một cần bảo vệ khẩn cấp", Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Danh mục quốc gia) chưa thể hiện rõ về tình trạng sức sống của các loại hình di sản. Chẳng hạn loại hình nào đang có sức sống tốt, loại hình nào đang ở tình trạng khẩn cấp hoặc cực kỳ khẩn cấp, ngoại trừ các loại hình nằm trong danh sách của UNESCO.
Trong hướng dẫn thực hiện xây dựng hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục quốc gia, các tiêu chí và biểu mẫu chưa thể hiện rõ tinh thần và mục tiêu ưu tiên nhận diện và bảo vệ kịp thời những loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ biến mất.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đắc Thủy, chính sách đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể còn chậm, chưa đáp ứng được thực tế, thiếu đồng bộ, thiên về danh hiệu. Mặc dù đã có những văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa liên quan tới nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể, nhưng chính sách đối với nghệ nhân vẫn còn nhiều nội dung khác mà hệ thống văn bản này chưa đề cập đến hoặc có đề cập nhưng còn nhiều vướng mắc khi thực hiện.
Theo ông Nguyễn Đắc Thủy, việc phong tặng các danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú bị chi phối bởi Luật Thi đua, Khen thưởng và các chính sách cũng chỉ tập trung vào nghệ nhân đã có danh hiệu.
Phát biểu kết luận hội nghị, hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đầy tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu. Theo Thứ trưởng, kết quả của hội nghị, hội thảo sẽ củng cố thêm cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để Bộ VHTTDL nghiên cứu, tiếp thu, từng bước hoàn thiện quy định trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội thời gian tới.
Vì sao Cát Bà tạm dừng hoạt động chèo thuyền kayak trên vịnh?
Quảng Ninh sắp đưa vào khai thác 3 bãi tắm độc đáo bậc nhất trên vịnh Hạ Long