Lệch pha cung – cầu thị trường lao động

02-07-2023 14:45|THY HẰNG

6 tháng đầu năm, số lao động không sử dụng hết tiềm năng là 2,3 triệu người, cho biết mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động, phản ánh tình trạng dư cung về lao động.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 2/2023 và 6 tháng đầu năm của Tổng Cục Thống kê cho thấy, lực lượng lao động có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động, việc làm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất.

bhtn7.jpeg
Quý 2/2023, ĐBSCL và Đông Nam Bộ có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao nhất cả nước, tương ứng là 2,65% và 2,64%.

Theo đó, trong quý 2/2023, lao động có việc làm ước tính là 51,2 triệu người, tăng 83,3 nghìn người so với quý trước và tăng 691,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 902 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.  

Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm 6 tháng đầu năm 2023 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,8 triệu người, chiếm 27%; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17,2 triệu người, chiếm 33,6%; khu vực dịch vụ là 20,1 triệu người, chiếm 39,4%.

Tuy nhiên, số lao động có việc làm phi chính thức chung quý 2/2023 chiếm tỷ trọng lớn với 33,3 triệu người, chiếm 65,1% trong tổng số lao động có việc làm và tăng 301,9 nghìn người so với quý trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 64,8%, giảm 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải về nguyên nhân, Tổng Cục Thống kê cho biết chủ yếu do nhiều doanh nghiệp công nghiệp cắt giảm lao động nên lao động có xu hướng chuyển dịch sang khu vực dịch vụ và chấp nhận làm công việc ít ổn định hơn.

“Lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng lên ở hầu hết các vùng kinh tế - xã hội”, Tổng Cục Thống kê cho biết thêm.

Trên thực tế, tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề thiếu đơn hàng diễn ra từ quý 4/2022 và tiếp tục kéo dài sang quý 2/2023, dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.

6-chot-thay-1629981683720102311440.jpg
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 2/2023 là 2,3%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước.

Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 2/2023 là 2,3%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước.

Theo báo cáo từ các địa phương, số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý 2 năm nay khoảng 241,5 nghìn người, giảm 52,5 nghìn người so với quý trước, chủ yếu là lao động ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 84,1%), tập trung ở ngành da giày với 66,3% và dệt may với 14,4%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ước khoảng 2,27%, giảm 0,12 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,71%; khu vực nông thôn là 2%.

Hệ lụy của tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng là tỉ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng đang có dấu hiệu tăng trở lại. Trước đó, tỷ lệ này đã tăng rất nhanh từ thời điểm quý 1/2020 và đạt mức cao kỷ lục là 10,4% vào quý III/2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Báo cáo cho thấy, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có dấu hiệu tăng trở lại vào quý 1/2023 ở mức 4,5% và giữ mức 4,3% vào quý 2/2023, tương ứng với khoảng 2,2 triệu người.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, số lao động không sử dụng hết tiềm năng là 2,3 triệu người, giảm gần 0,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước

Theo Tổng Cục Thống kê, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là chỉ tiêu tổng hợp cho biết mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường, phản ánh tình trạng dư cung về lao động.

“Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (51,7%). Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ”, Tổng Cục Thống kê cho biết thêm.

Tăng tốc, bứt phá để quyết tâm đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu, mục tiêu của năm 2024

Chuyên gia giáo dục Mỹ chỉ ra 4 kỹ năng buộc phải có để không bị AI ‘cướp việc’ trong vòng 5 năm tới?

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/lech-pha-cung-cau-thi-truong-lao-dong-246738.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lệch pha cung – cầu thị trường lao động
    POWERED BY ONECMS & INTECH