Vĩ mô

Liên tục thua lỗ, các doanh nghiệp phân phối xăng dầu kiến nghị 'đòi công bằng'

Khúc Văn 04/10/2024 - 06:44

Theo nhóm doanh nghiệp phân phối và bán lẻ xăng dầu, dự thảo mới nhất về Nghị định kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương lấy ý kiến còn nhiều bất cập khi “phân biệt đối xử” giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, hạn chế quyền kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ,…

Nhiều doanh nghiệp phân phối, bán lẻ xăng dầu phải rời bỏ thị trường

Theo ghi nhận, từ đầu năm đến nay có gần 20 thương nhân phân phối xăng dầu tự nguyện xin trả lại giấy phép và dự báo con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Chính phủ đề xuất giảm thuế xăng dầu đến hết 2024
Nhiều doanh nghiệp phân phối, bán lẻ xăng dầu phải rời bỏ thị trường.

Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Nai, doanh nghiệp phân phối xăng dầu than thở: "Chưa năm nào tình hình kinh doanh xăng dầu ảm đạm, khó khăn đến vậy. Sức tiêu thụ giảm trong khi giá thế giới xuống liên tục".

Theo ông Phụng lí giải, gần đây, chiết khấu xăng dầu luôn ở mức thấp dao động 700-1.000 đồng/lít, còn xăng chỉ hơn 500 đồng/lít khiến doanh nghiệp phân phối, bán lẻ gặp không ít khó khăn. Với mức chiết khấu như vậy, ông Phụng thừa nhận doanh nghiệp không thể có lãi, thậm chí lỗ nặng.

Bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty xăng dầu Chiến Thắng chia sẻ, những người làm trong ngành xăng dầu rời bỏ nghề khá nhiều. Doanh nghiệp bán lẻ chỉ đủ chi phí tối thiểu duy trì hoạt động như lương nhân viên, điện nước, văn phòng…, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải bù lỗ.

Trái lại, theo bà Sinh, bất chấp thực tế nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ làm ăn thua lỗ, một số “ông lớn” trong ngành xăng dầu vẫn có lợi nhuận ngàn tỷ. Điển hình, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có văn bản giải trình báo cáo tài chính sau soát xét 6 tháng năm 2024 lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong nửa năm nay đạt gần 1.530 tỷ đồng, tăng tới 135% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân, do hoạt động kinh doanh xăng dầu nửa đầu năm nay cơ bản ổn định, có hiệu quả và sản lượng bán tăng so với cùng kỳ năm trước.

>>4 gã khổng lồ trong ngành dầu khí với vốn hoá gần 1.000 tỷ USD cùng khởi nguồn từ 1 gia tộc

Yêu cầu giảm vị thế độc quyền của doanh nghiệp lớn

Trước bối cảnh khó khăn của nhóm doanh nghiệp phân phối và bán lẻ xăng dầu, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, thay thế các nghị định trước đó là Nghị định 83; 95 và 80.

Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp phân phối và bán lẻ xăng dầu cho rằng, dự thảo mới đang “phân biệt đối xử” giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tạo lợi thế kinh doanh cho các doanh nghiệp lớn có vị thế độc quyền, tạo cơ hội phát sinh tiêu cực, hình thành “lợi ích nhóm”, hạn chế quyền kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Giá xăng dầu trong nước dự báo tăng trong kỳ điều hành tới
Yêu cầu giảm vị thế độc quyền của doanh nghiệp lớn.

Ông Hoàng Trung Dũng, đại diện nhóm doanh nghiệp phân phối và bán lẻ xăng dầu nêu quan điểm, hiện phần lớn nguồn cung xăng dầu đã được sản xuất trong nước nhưng theo quy định chỉ có thương nhân đầu mối mới được mua từ các nhà sản xuất trong nước, trong khi thương nhân phân phối lại không được.

Không những vậy, dự thảo Nghị định còn quy định thương nhân đầu mối được mua bán lẫn nhau, bao gồm cả mua từ thương nhân đầu mối khác, trong khi thương nhân phân phối lại chỉ được hay buộc phải mua từ một nguồn duy nhất là thương nhân đầu mối, không được mua bán với nhau.

Theo ông Dũng, việc quy định như vậy sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh cho thị trường. Thương nhân đầu mối sẽ đương nhiên trở thành "người lãnh đạo thị trường". Vô hình trung biến các doanh nghiệp còn lại là rơi vào vị thế phụ thuộc hay làm thuê, trừ các doanh nghiệp là công ty con của thương nhân đầu mối.

Trong khi đó, theo Luật Cạnh tranh 2024, một doanh nghiệp chiếm 30% thị phần và/hoặc 5 doanh nghiệp cùng nhau chiếm 85% thị phần trở lên sẽ trở thành doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.

Ngoài ra, theo Điều 25 Luật Cạnh tranh, "doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan".

Trên thực tế, nhóm thương nhân cho biết từ nhiều năm qua, trên thị trường có một doanh nghiệp siêu lớn chiếm tới 51% thị phần, có đủ các quyền kinh doanh của thương nhân đầu mối, đặc biệt có hệ thống phân phối từ nhập khẩu, bán buôn và bán lẻ tới tận người tiêu dùng.

Như vậy, tính ra chỉ có 6 doanh nghiệp lớn cùng là thương nhân đầu mối đang chiếm 88% thị phần từ nhập khẩu đến bán buôn và bán lẻ.

Từ các lý do trên, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Hải Âu Phát kiến nghị Chính phủ đề ra giải pháp để làm giảm vị thế độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường của các doanh nghiệp lớn và siêu lớn. Qua đó, giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phân phối và bán lẻ không bị thôn tính phù hợp với tinh thần, mục tiêu của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, Nghị định kinh doanh xăng dầu cần được sửa đổi theo hướng tập trung vào việc cho phép doanh nghiệp bán lẻ phải được ký nhiều nguồn, không giới hạn về số lượng đầu mối/phân phối và chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng mà mình kinh doanh.

Đồng quan điểm, TS. Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (kinh doanh xăng dầu, tỉnh Trà Vinh) bày tỏ, các kiến nghị tâm huyết từ doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rất cần được các cơ quan chức năng tiếp thu, đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

“Rất mong Bộ Công thương lắng nghe để có giải pháp đưa vào Nghị định kinh doanh xăng dầu, nhằm ổn định thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán lẻ phát triển lành mạnh, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Tây bày tỏ.

Giá xăng dầu hôm nay 3/10: thế giới giữ đà tăng, trong nước dự báo giảm

10 bộ ngành, đơn vị họp bàn nghị định mới về kinh doanh xăng dầu

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lien-tuc-thua-lo-cac-doanh-nghiep-phan-phoi-xang-dau-kien-nghi-doi-cong-bang-251652.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Liên tục thua lỗ, các doanh nghiệp phân phối xăng dầu kiến nghị 'đòi công bằng'
POWERED BY ONECMS & INTECH