Câu chuyện đầu tư

4 gã khổng lồ trong ngành dầu khí với vốn hoá gần 1.000 tỷ USD cùng khởi nguồn từ 1 gia tộc

Nhật Hà 19/09/2024 19:30

Sự chia tách Standard Oil vào năm 1911, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong luật chống độc quyền, đồng thời, tạo ra 4 công ty dầu khí hàng đầu hiện nay.

Đã hơn 100 năm kể từ khi "vua dầu mỏ" John D. Rockefeller thành lập Standard Oil và trở thành tỷ phú đầu tiên của lịch sử Mỹ. Trong trí nhớ của người Mỹ, cái tên Rockefeller gắn liền với danh hiệu "giàu nhất trong những người giàu", suốt 1 thế kỷ, nhà Rockefeller luôn được xếp vào hàng những gia tộc quan trọng nhất ở New York.

Điều đặc biệt hơn cả là các thành viên vẫn đoàn kết duy trì sự hưng thịnh của gia tộc thay vì chia rẽ, tranh giành quyền lực với các mối thù truyền kiếp hay kiện tụng phân chia tài sản thường xuất hiện tại các gia tộc giàu có khác.

Tại 1 cuộc phỏng vấn hiếm hoi, David Rockefeller Jr - cố Chủ tịch của Rockefeller & Co, cho biết gia đình ông đã phát triển hệ thống các giá trị, truyền thống và thể chế khác nhau giúp họ luôn sát cánh và cùng nhau duy trì sự giàu có.

Trong đó, việc không còn duy trì doanh nghiệp gia đình nữa cũng là yếu tố quan trọng. Nhiều tranh chấp tại các gia đình giàu có đều bắt đầu công việc kinh doanh - ví dụ như ai nên điều hành, nên điều hành như thế nào và ai nên được hưởng lợi.

4 gã khổng lồ trong ngành dầu khí với vốn hoá đều khởi nguồn từ một gia tộc
Rockefeller và công ty mang lại tên tuổi của ông - Standard Oil (Ảnh: Oklahoma Minerals Rights)

Gia tộc Rockefeller đã không còn sở hữu công ty gia đình kể từ năm 1911, khi Standard Oil bị Chính phủ chia tách thành các công ty niêm yết do luật chống độc quyền mới. Hệ quả của sự thay đổi đột ngột đó là, tài sản của Rockefeller, từ sở hữu 1 công ty khổng lồ đã biến thành nhiều công ty niêm yết công khai. Kết hợp với loạt các ủy thác được soạn thảo cẩn thận, các cổ phiếu và tài sản tài chính dễ dàng được truyền lại cho các thế hệ tương lai mà ít phải chịu rủi ro về các biến động tài chính.

"Tất nhiên, sự giàu có trong gia đình chúng tôi xuất phát từ hoạt động kinh doanh dầu mỏ của Standard Oil", Rockefeller cho biết. "Tuy nhiên, công việc kinh doanh đã mang chúng tôi lại với nhau, trong khi đã có rất nhiều gia đình vì thế mà bị chia tách. Một cách tình cờ, tôi nghĩ lại nghĩ rằng chúng tôi thật may mắn vì không sở hữu 1 doanh nghiệp có thể chia cắt mọi người trong gia đình. Chúng tôi đã có công việc kinh doanh mang lại sự giàu có qua các thế hệ và được truyền lại qua ngày càng nhiều người, song vẫn được lưu giữ. Nhưng chúng tôi đã không có 1 doanh nghiệp cốt lõi."

Cụ thể, sự chia tách Standard Oil vào năm 1911 theo yêu cầu của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, nhằm mục đích phá vỡ sự độc quyền, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong luật chống độc quyền, đồng thời, đã tạo ra một số công ty dầu khí hàng đầu hiện nay.

Exxon Mobil: Gã khổng lồ toàn cầu

Exxon Mobil (NYSE: XOM) hình thành từ sự hợp nhất giữa Exxon và Mobil vào năm 1999. Cả 2 doanh nghiệp đều có nguồn gốc từ Công ty Standard Oil của John D. Rockefeller, được thành lập vào năm 1870. Exxon Mobil hiện thuộc nhóm các công ty đầu ngành công nghiệp dầu mỏ tích hợp thuộc lĩnh vực khoáng sản năng lượng, bao gồm các thương hiệu sau: Exxon, Mobil, Esso và ExxonMobil Chemical.

Exxon Mobil đã thực hiện đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 18/11/1970 với giá 0,63 USD/cp, sau gần 53 năm, mã này đã tăng 16.452% đạt đỉnh 120 USD (tháng 2/2023). Trải qua nhiều đợt điều chỉnh, thị giá XOM vẫn neo ở mức cao 114,58 USD/cp (tăng 11,94% tính từ đầu năm), vốn hoá thị trường theo đó đạt 509,06 tỷ USD.

4 gã khổng lồ trong ngành dầu khí với vốn hoá gần 1.000 tỷ USD cùng khởi nguồn từ 1 gia tộc
Diễn biến giá cổ phiếu XOM

Chevron: Tập đoàn năng lượng lớn nhất Mỹ

Chevron (NYSE: CVX) - tập đoàn năng lượng lớn nhất ở Mỹ hiện đang thuộc nhóm những tập đoàn có quy mô lớn nhất hành tinh. Hầu hết các lĩnh vực thuộc sở hữu của công ty được trải rộng ở Mỹ, Úc và Kazakhstan.

Tiền thân của Chervon là công ty Pacific Coast Oil, được thành lập vào năm 1879. Từ năm 1900 đến năm 1911, Chervon trở thành một phần của công ty Standard Oil Trust. Khi quỹ tín thác sụp đổ, Standard Oil trở thành công ty độc lập. Vào năm 1984, Standard Oil mua lại Gulf Oil với giá 13 tỷ USD - thương vụ lớn nhất tại thời điểm đó. Sau đó, công ty đổi tên thành Tập đoàn Chevron.

Cổ phiếu của Chevron được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) với mã CVX. Hiện, CVX được giao dịch quanh mức 143,96 USD/cp, vốn hoá thị trường trên 263 tỷ USD.

4 gã khổng lồ trong ngành dầu khí với vốn hoá gần 1.000 tỷ USD cùng khởi nguồn từ 1 gia tộc
Diễn biến giá cổ phiếu CVX

ConocoPhillips: Từ di sản đến đổi mới

ConocoPhillips (NYSE: COP) là kết quả của sự hợp nhất giữa Conoco (trước đây là Standard Oil của Indiana) và Phillips Petroleum. Niêm yết trên NYSE, ConocoPhillips hiện đang là công ty dầu khí độc lập lớn nhất trên thế giới.

ConocoPhillips tập trung vào khai thác và sản xuất dầu khí, đồng thời đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ năng lượng mới. Công ty nổi bật với các dự án dầu khí quy mô lớn tại Bắc Cực và các vùng biển sâu. ConocoPhillips còn chủ động trong việc áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu suất khai thác và giảm tác động môi trường. Công ty cũng đang khám phá các cơ hội trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và quản lý carbon.

ConocoPhillips cũng từng là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí. Tuy nhiên vào đầu năm 2012, ConocoPhillips đã bán toàn bộ khối tài sản trị giá 1,29 tỷ USD cho Perenco, công ty dầu khí có trụ sở tại Paris, sau 15 năm kinh doanh không mấy hiệu quả.

Đóng cửa phiên giao dịch 18/9, COP tăng 0,3% lên mức 108,62 USD/cp, song, giảm 7,63% tính từ đầu năm, vốn hoá thị trường theo đó giảm về 126,13 tỷ USD.

4 gã khổng lồ trong ngành dầu khí với vốn hoá gần 1.000 tỷ USD cùng khởi nguồn từ 1 gia tộc
Diễn biến giá cổ phiếu COP

Marathon Petroleum: Doanh nghiệp lọc dầu và phân phối hàng đầu

Marathon Petroleum (NYSE: MPC), trước đây là một phần của Marathon Oil (trước đây là Standard Oil của Ohio), hiện là 1 trong những công ty lọc dầu và phân phối hàng đầu tại Hoa Kỳ. Marathon Petroleum chuyên về lọc dầu và quản lý hệ thống phân phối nhiên liệu.

Công ty đang sở hữu và vận hành nhiều nhà máy lọc dầu lớn ở Hoa Kỳ và điều hành một mạng lưới phân phối rộng rãi. MPC cũng đầu tư vào các công nghệ mới để cải thiện hiệu suất lọc dầu và giảm chi phí vận hành. Trong bối cảnh sự chuyển dịch toàn cầu hướng tới năng lượng bền vững, Marathon Petroleum đang mở rộng các hoạt động để bao gồm năng lượng sạch và các giải pháp giảm phát thải carbon.

Marathon Petroleum là doanh nghiệp có cổ phiếu giá trị nhất trong số 4 công ty dầu khí bắt nguồn từ tập đoàn của gia tộc Rockefeller.

Đóng cửa phiên giao dịch 18/9, MPC tăng 0,49% lên mức 164,67 USD/cp, tương ứng tăng 8,08% tính từ đầu năm. Vốn hoá thị trường đạt 55,11 tỷ USD.

4 gã khổng lồ trong ngành dầu khí với vốn hoá gần 1.000 tỷ USD cùng khởi nguồn từ 1 gia tộc
Diễn biến giá cổ phiếu MPC

Sự phát triển và mở rộng của các công ty này đã phản ánh sự chuyển mình không ngừng của ngành công nghiệp dầu khí, từ thời kỳ độc quyền của Standard Oil đến kỷ nguyên toàn cầu hóa và đổi mới. Những gã khổng lồ này tiếp tục định hình tương lai của ngành năng lượng và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.

>> Người đàn ông từ biên tập viên trở thành tỷ phú với khối tài sản khủng trên sàn chứng khoán

Novaland (NVL) và NovaGroup ủng hộ 3 tỷ đồng tiền mặt và 2 BĐS trị giá 12 tỷ cho đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi

Khu tạm cư cho người dân Làng Nủ: Vingroup (VIC) tài trợ 2 tỷ đồng, thi công thần tốc sớm hoàn thành trong 4 ngày nữa

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/4-ga-khong-lo-trong-nganh-dau-khi-voi-von-hoa-gan-1000-ty-usd-cung-khoi-nguon-tu-1-gia-toc-249542.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
4 gã khổng lồ trong ngành dầu khí với vốn hoá gần 1.000 tỷ USD cùng khởi nguồn từ 1 gia tộc
POWERED BY ONECMS & INTECH