Linh hoạt, quyết liệt hơn để chữa 'căn bệnh' hấp thụ vốn kém của nền kinh tế
Tín dụng tăng trưởng thấp, cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, "không muốn vay". Do đó, cần có các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn, tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy tăng trưởng.
Ngày 7/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Tại cuộc họp, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng: "Chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ". Lãnh đạo NHNN cho hay, hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa thì các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.
Dù NHNN cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục tổ chức các hội nghị nhằm đẩy kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trên toàn quốc, để lắng nghe ý kiến, rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, các mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo, thủy sản, cà phê); ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất; giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh công tác truyền thông… nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, "không muốn vay", đây là vấn đề rất khó đối với NHNN.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, việc hấp thụ vốn của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 thấp do các nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Theo đó, nguyên nhân tác động bên ngoài là do khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, khiến tổng cầu của nền kinh tế suy giảm, các đơn hàng giảm, nên xuất khẩu có giảm. Bên cạnh đó, các yếu tố như lãi suất các nền kinh tế cũng tăng cao, tác động gián tiếp vào sự hấp thụ vốn của nền kinh tế Việt Nam.
Về nguyên nhân chủ quan, trước tiên, trong những năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách phục hồi kinh tế hỗ trợ DN rất cần thiết và đúng đắn cũng như yêu cầu các bộ ngành, địa phương quyết liệt triển khai nhưng điều đáng tiếc việc thực thi các chính sách nhìn chung thật sự chưa được như kỳ vọng, trong đó tác động chính sách tài khóa cho nền kinh tế còn hạn chế.
Nguyên nhân thứ hai là thị trường vốn, sau sự cố liên quan đến sai phạm của các nhà đầu tư bị phát hiện từ năm 2022, các vụ việc như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát ít nhiều tạo tâm lý e ngại cho nhà đầu tư nên việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khó khăn. Do đó, vốn từ các nhà đầu tư tiếp tục đi vào doanh nghiệp cũng như nền kinh tế còn hạn chế.
Nguyên nhân thứ ba là vấn đề lãi suất. Trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng cao, NHNN lo ngại tác động bên ngoài làm lạm phát trong nước tăng, lo ngại tỉ giá USD tăng cao nên sử dụng công cụ đưa lãi suất VND lên. Có giai đoạn không ít NHTM đẩy lãi suất 12 tháng lên tới hơn 11% làm cho lãi suất cho vay trong nền kinh tế Việt Nam ngắn hạn lên tới 13-15%, trung và dài hạn 17-18%; lạm phát thấp khiến lãi suất thực quá cao, tăng chi phí vốn của DN.
Từ những nguyên nhân trên, TS. Trương Văn Phước nêu lên một số giải pháp.
Thứ nhất về lãi suất, vị chuyên gia này đánh giá cao việc thời gian gần đây, NHNN đã liên tiếp triển khai giảm lãi suất điều hành, trong đó có trần lãi suất huy động giảm, tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, do chi phí vốn cao từ năm ngoái kéo dài đến khoảng 6 tháng đầu năm 2023 cao, nên các NHTM khó hạ lãi suất, dù lãnh đạo Chính phủ đã liên tục chỉ đạo, NHNN cũng đã đề nghị các NHTM hạ lãi suất cho vay, các NHTM cũng nỗ lực triển khai các chương trình nhưng lãi suất cho vay giảm chưa tương xứng.
Lãi suất cho vay thực chất cũng là "giá của loại hàng hóa đặc biệt" nên trong bối cảnh tình hình khó khăn mà giá cao sẽ khiến người "mua" (đi vay) e ngại. Đó cũng là một nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng thấp.
TS. Trương Văn Phước phân tích: Năm 2023, lạm phát chỉ ở mức khoảng 3-4% thì lãi suất cho vay ngắn hạn của VND chỉ nên khoảng 7-8%, cho vay trung dài hạn khoảng 10-12% là hợp lý.
Vấn đề lớn gặp phải là chi phí nguồn vốn cho đến 6 tháng đầu 2023 còn cao, do đó cần giảm chi phí bình quân huy động vốn các NHTM thấp xuống, giá hàng tồn kho phải giảm. Tình huống này, NHNN cần vận dụng các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ kéo "hàng tồn kho huy động vốn" thấp xuống bằng một số công cụ như: Điều chỉnh dự trữ bắt buộc, triển khai các nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt. Cụ thể, các tổ chức tín dụng (TCTD) dùng các trái phiếu Chính phủ (TPCP) thế chấp NHNN để vay tiền, kéo lãi suất thị trường mở xuống nữa và thời gian vay trên thị trường mở kéo dài ra, có thể cho vay 6 tháng, 1 năm. Hay NHNN hỗ trợ các TCTD bằng cách cho phép dùng tài sản đảm bảo người vay đang thế chấp để vay tái cấp vốn.
"Tóm lại, NHNN đóng vai trò lớn hơn trong việc gia tăng niềm tin thị trường liên ngân hàng cho các TCTD lớn dư thừa thanh khoản cho vay TCTD nhỏ. Đó là giải pháp kéo lãi suất huy động, kéo theo lãi suất cho vay thấp xuống, kéo "giá bán" hàng hóa xuống, thì sẽ có nhiều người mua", TS. Trương Văn Phước nêu nguyên lý.
TS. Trương Văn Phước cũng thẳng thắn cho rằng, các chính sách NHNN không nên can thiệp quá nhiều vào các "hành vi tín dụng".
"Khi khám chữa bệnh, việc chính của bác sĩ là căn cứ các chỉ số sức khỏe như huyết áp, máu, đường... để có phác đồ điều trị chứ không bắt bệnh nhân hằng ngày ăn mấy bát cơm, ăn mấy lạng thịt. Bảo đảm an toàn hệ thống cũng vậy. Không phải kiểm soát ngân hàng nào được cho vay bao nhiêu, hay thu hẹp đối tượng vay mà phải theo chuẩn cho vay đặt ra, bám sát chuẩn mực quốc tế, theo các chỉ số quản trị rủi ro Basel II, Basel III, để TCTD tự cho vay tự chịu trách nhiệm cùng với dứt khoát nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng", TS. Trương Văn Phước ví von.
Giải pháp thứ hai, chuyên gia Trương Văn Phước cho rằng, hấp thụ vốn nền kinh tế không chỉ có kênh tín dụng, các DN không chỉ vay từ ngân hàng mà nên có nguồn lực của các nhà đầu tư. Thị trường TPDN, sau những "va vấp" trong năm 2022, đã có những bước chấn chỉnh cần thiết. Tuy nhiên, TS. Trương Văn Phước cho rằng, bên cạnh chấn chỉnh, việc triển khai các giải pháp, tốc độ củng cố tạo lập niềm tin thị trường còn chậm.
"Một kinh nghiệm quốc tế phổ biến là các DN phát hành trái phiếu cần xếp hạng tín nhiệm, qua đó, phân loại trái phiếu phát hành có tài sản hoặc không tùy vào tín nhiệm nhưng Việt Nam vẫn chưa triển khai hiệu quả để kích hoạt thị trường mạnh mẽ hơn", chuyên gia Trương Văn Phước chia sẻ, đồng thời góp ý với các cơ quan quản lý Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước... nâng cao vai trò trách nhiệm của mình trong việc kích hoạt thị trường phát triển trở lại mạnh mẽ hơn.
Giải pháp thứ ba, cần tạo niềm tin đối với thị trường về ổn định tỉ giá hối đoái, ổn định lãi suất. Bản thân ngành ngân hàng phải có trách nhiệm tạo ra sự ổn định thông qua công tác truyền thông.
Hai yếu tố căn bản tác động lên tỉ giá là chênh lệnh lạm phát, chênh lệch lãi suất. Về lãi suất, hiện ở Mỹ mức chênh vẫn cao, nhưng mức chênh lãi suất của Việt Nam cũng cao. Về lạm phát, năm 2023 dự báo lạm phát chỉ khoảng 3,5-4%, thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội cho phép. Đồng thời, do nhiều mặt hàng trên thế giới đã hạ nhiệt nên giảm nguy cơ nhập khẩu lạm phát, trong khi Việt Nam vẫn bảo đảm an ninh lương thực tốt và có thế xuất khẩu lương thực.
"Từ các yếu tố trên, nhìn chung vẫn có nhiều yếu tố có lợi cho VND, để có các chính sách điều hành phù hợp", TS. Trương Văn Phước nói.
Theo thống kê của NHNN, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%). Trong 3 năm gần đây, tín dụng toàn hệ thống tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm. Thực tế doanh số cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế trong năm lớn hơn rất nhiều lần. Cụ thể, năm 2021 là 17,4 triệu tỷ đồng; năm 2022 là 19,7 triệu tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 gần 10,2 triệu tỷ đồng.