Lộ diện 10 đại học có doanh thu nghìn tỷ tại Việt Nam
Dẫn đầu về tổng doanh thu là Đại học FPT, đạt gần 2.920 tỷ đồng, tiếp theo là Đại học Bách khoa Hà Nội với khoảng 2.140 tỷ đồng.
Đầu năm học 2024-2025, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hầu hết các trường đại học đã công bố báo cáo "Ba công khai", bao gồm số liệu tài chính của năm 2023. Trong số này, 6 trường đại học công lập có doanh thu đạt ngưỡng nghìn tỷ đồng là Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP. HCM, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Công nghiệp TP. HCM, và Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. HCM.
Đáng chú ý, Đại học Công nghiệp TP. HCM và Đại học Bách khoa TP. HCM là hai cái tên mới trong danh sách này so với năm ngoái. Đại học Cần Thơ đã rời khỏi danh sách do doanh thu giảm từ gần 1.120 tỷ đồng xuống còn hơn 950 tỷ đồng.
Về phía các trường đại học tư thục, những trường có doanh thu trên nghìn tỷ đồng bao gồm Đại học FPT, Đại học Nguyễn Tất Thành, và Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH). Đại học Văn Lang chưa công bố tổng doanh thu năm 2023, nhưng năm 2022 đã đạt mức 1.758 tỷ đồng. Học phí và quy mô sinh viên của trường này gần như không thay đổi trong năm qua.
Đại học FPT dẫn đầu về tổng doanh thu năm 2023 |
Dẫn đầu về tổng doanh thu là Đại học FPT, đạt gần 2.920 tỷ đồng, tăng 125% so với năm 2021. Tiếp theo là Đại học Bách khoa Hà Nội với khoảng 2.140 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước. Các trường khác có mức tăng thấp hơn, như Đại học Kinh tế Quốc dân tăng từ 1.060 tỷ đồng (năm 2022) lên 1.410 tỷ đồng, và Đại học Kinh tế TP. HCM tăng từ hơn 1.440 tỷ lên gần 1.680 tỷ đồng.
Ngoài ra, Đại học RMIT Việt Nam báo cáo doanh thu năm 2023 đạt 226,2 triệu AUD (hơn 3.780 tỷ đồng), tăng 22% so với năm trước. Trường này có vốn đầu tư nước ngoài và thuộc sự quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.
Các đại học đạt doanh thu từ 4 nguồn chính: ngân sách nhà nước; học phí và lệ phí; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; các nguồn khác như tài trợ từ doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà xuất bản, và doanh nghiệp trực thuộc.
Trong đó, học phí đóng góp tỷ lệ lớn nhất vào tổng doanh thu. Trong số 5 trường đã công khai chi tiết nguồn thu, có 4 trường thu hơn nghìn tỷ đồng từ riêng học phí. Đặc biệt, tỷ lệ học phí trong tổng doanh thu của Đại học Nguyễn Tất Thành và Đại học Công nghệ TP.HCM lên tới hơn 98%.
>>Bộ GD&ĐT: Mức thu học phí đại học còn quá thấp, chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo
Các chuyên gia nhận định, việc các trường đại học đạt doanh thu cao là tín hiệu tích cực, giúp trường có nguồn lực để phát triển đội ngũ, nâng cấp cơ sở vật chất, tăng thu nhập cho giảng viên và đầu tư cho sinh viên, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu.
Tuy nhiên, cũng có một số lo ngại khi nguồn thu của các trường vẫn phụ thuộc quá nhiều vào học phí, trong khi học phí ngày càng tăng, gây áp lực đáng kể lên người dân.
Năm học trước, Chính phủ đã quyết định tăng trần học phí đại học sau nhiều năm giữ nguyên vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các trường công lập chưa tự chủ được phép thu học phí trong khoảng 12-24,5 triệu đồng mỗi năm, tăng so với mức cũ là 9,8-14,3 triệu đồng. Đối với các trường đã tự chủ, mức thu có thể gấp 2,5 lần. Với những chương trình đạt kiểm định chất lượng, các trường đại học được tự xác định mức học phí.
Thực tế, học phí cho tân sinh viên năm nay dao động từ 10,6 đến 250 triệu đồng, phổ biến trong khoảng 20-40 triệu đồng, và các trường dự kiến sẽ tăng từ 8-15% mỗi năm.
>>Nhà trường 'quay xe' trong vụ giảng viên FPT Polytechnic bị chấm dứt hợp đồng
Dự án trường đại học dược nghìn tỷ tại Bắc Ninh 'gặp khó' vì vướng 200 ngôi mộ
Ricons bàn giao ‘siêu phẩm’ trường liên cấp quốc tế, học phí thuộc hàng đắt đỏ nhất Thủ đô