Lộ diện công trình rộng 2.000m2 được mệnh danh là 'Dinh Bảo Đại' thứ 8, nằm ngay 'khu đất vàng' Hà Nội vừa được khoác 'áo mới'
Năm 1945, sau khi thoái vị, cựu hoàng Bảo Đại ra Hà Nội làm cố vấn tối cao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đã sinh sống tại dinh thự này.
Sáng 1/8, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã chính thức khánh thành công trình trụ sở mới sau hơn 2 năm xây dựng và trùng tu, cải tạo biệt thự cổ tại số 51 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trước đó, từ năm 2022, UBND TP. Hà Nội đã khởi động các cơ chế, chính sách nhằm chỉnh trang 20 ngôi biệt thự và 10 công trình kiến trúc có giá trị, được xây dựng trước năm 1945. Việc cải tạo các công trình này không chỉ góp phần nâng tầm cảnh quan đô thị mà còn bảo tồn những giá trị lịch sử, tránh lãng phí các "khu đất vàng" giữa lòng Thủ đô.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, đã nhấn mạnh: “Ngôi nhà số 51 Trần Hưng Đạo là một công trình kiến trúc đặc biệt, đã tồn tại gần 100 năm. Nếu Hà Nội là trái tim của cả nước thì ngôi nhà này có thể ví như trái tim của đại gia đình văn nghệ sĩ nước nhà. Đây là ngôi đền thiêng, một địa chỉ lịch sử, văn hóa, kiến trúc của Thủ đô, nơi mà Bác Hồ và các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã từng đến thăm và làm việc với văn nghệ sĩ.”
Được biết, công trình được xây dựng từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX, nằm trong khuôn viên có sân vườn với tổng diện tích là 2.000m2, trong đó diện tích nhà ở là 800m2. Ngôi nhà này ban đầu được xây dựng để làm nhà ở cho Đốc lí Hà Nội với 2 tầng, 1 trệt.
Năm 1945, sau khi thoái vị, cựu hoàng Bảo Đại ra Hà Nội làm cố vấn tối cao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Hà Nội, ông sống ở căn biệt thự 51 Trần Hưng Đạo. Do đó, nhiều người gọi đây là "Dinh Bảo Đại" thứ 8.
Năm 1947, khi Hội đồng Chấp chính lâm thời Bắc phần Việt Nam được thành lập, thì biệt thự 51 phố Trần Hưng Đạo được giao cho Chủ tịch Hội đồng này sử dụng (đây cũng chính là Bộ trưởng Bộ Y tế của Chính phủ lâm thời sau đó).
Do bị tàn phá sau biến cố ngày 19/12/1946 và bị bỏ không một thời gian dài nên ngôi nhà này đã bị xuống cấp trầm trọng. Ngôi nhà này đã được tiến hành cải tạo từ ngày 22/10/1947. Toàn bộ công trình được nghiệm thu tạm thời vào ngày 28/5/1948.
Trong phiên họp ngày 30/11/1948, Hội đồng thành phố đã yêu cầu trả lại ngôi nhà trên cho Tòa Thị chính thành phố để làm nhà ở cho Thị trưởng đúng như mục đích sử dụng của ngôi nhà này ban đầu. Thị trưởng TP. Hà Nội lúc bấy giờ là ông Phan Xuân Đài đã được giao sử dụng ngôi nhà 51 Trần Hưng Đạo kể từ ngày 4/8/1949.
Sau năm 1954, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã tiếp quản công trình này và sử dụng đến ngày nay.
Đối với các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam, trụ sở số 51 trên phố Trần Hưng Đạo từ lâu đã là một địa chỉ thân thiết, nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của văn học nghệ thuật nước nhà.
Trong những năm chống Mỹ cứu nước, đời sống văn nghệ sĩ cùng nhân dân cả nước gặp muôn vàn khó khăn, vất vả. Khuôn viên của số nhà 51 khi đó ngoài văn phòng làm việc của các Hội, đây còn là nơi ở, sinh hoạt của nhiều gia đình văn nghệ sĩ như nhà thơ Chế Lan Viên, nhà thơ Bảo Định Giang, nhà thơ Xuân Tửu, nhà văn Trần Vân…
Đặc biệt là tại nơi đây, Bác Hồ và nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến thăm và làm việc với văn nghệ sĩ.