Lộ diện quốc gia châu Á có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, vượt qua Đức-Nhật
Bằng cách đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số, giao thông, nâng cao năng lực sản xuất trong nước và đẩy mạnh nghiên cứu & phát triển (R&D), Ấn Độ có thể vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ và thương mại toàn cầu.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), Ấn Độ được dự báo sẽ thay thế Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2025 với GDP vượt qua mốc 5.000 tỷ USD. Thậm chí, quốc gia châu Á còn có khả năng vượt qua Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2029; đạt quy mô 12.800 tỷ USD vào năm 2039 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2047.
Theo một số chuyên gia, quá trình này sẽ được thúc đẩy bởi phần lớn các yếu tố: dân số trẻ, sự đổi mới công nghệ và sự phát triển mạnh mẽ của các ngành kinh tế. Theo báo cáo, đến năm 2047, ngành dịch vụ dự kiến sẽ đóng góp 60% GDP của Ấn Độ, trong khi ngành sản xuất chiếm 32%. Cả hai lĩnh vực này sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước.
Trong những thập kỷ tới, khoảng 200 triệu người sẽ tham gia vào lực lượng lao động, tạo cơ hội lớn cho Ấn Độ phát triển nhiều việc làm có giá trị cao và khai thác tiềm năng kinh tế.
Năm ngành then chốt gồm điện tử, năng lượng, hóa chất, ô tô và dịch vụ được xác định là động lực tăng trưởng chính, nhờ vào sự phù hợp với xu hướng toàn cầu và khả năng mở rộng quy mô. Các yếu tố như thu nhập tăng, lực lượng lao động có tay nghề cao và cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển sẽ là nền tảng giúp thúc đẩy sự tăng trưởng này.

Thách thức
Để đạt được các mục tiêu, Ấn Độ cần giải quyết những thách thức về cơ cấu bằng cách áp dụng công nghệ và chiến lược phát triển đa hướng. Theo báo cáo, nước này có thể thiếu khoảng 50 triệu lao động vào năm 2030, vì vậy cần mở rộng giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và đẩy mạnh các chương trình đào tạo kỹ năng theo từng ngành nghề.
Bên cạnh đó, việc tăng cường sản xuất trong nước và phát triển chuỗi cung ứng nội địa sẽ giúp Ấn Độ giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới ngày càng có xu hướng bảo hộ và căng thẳng địa chính trị leo thang, quá trình chuyển giao công nghệ sang các nền kinh tế mới nổi có thể diễn ra chậm hơn.
Kể từ năm 2019, các biện pháp hạn chế thương mại đã tăng gấp ba lần, thúc đẩy xu hướng nội địa hóa chuỗi cung ứng và "friendshoring" (chuyển chuỗi cung ứng sang các nước đồng minh). Bên cạnh đó, sự phân tách công nghệ giữa các quốc gia - tức là phát triển công nghệ nội địa thay vì phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài - có thể khiến các nền kinh tế thu nhập trung bình thiệt hại tới 5% GDP.
Tiềm năng
Ấn Độ có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu với quy mô dự kiến đạt 3,5 nghìn tỷ USD vào năm 2047, đóng góp hơn 20% vào sản lượng toàn cầu. Để duy trì tăng trưởng, Ấn Độ cần cải thiện thị trường lao động, đặc biệt là tăng tỷ lệ tham gia của phụ nữ từ 29% lên 50% vào năm 2047.
“Việc nâng cao kỹ năng và tăng số lượng sinh viên tốt nghiệp có thể giúp nâng cao năng suất và đóng góp của lực lượng lao động trong các ngành”, báo cáo cho biết. Ngoài ra, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), điện toán đám mây và gia tăng dữ liệu đang tạo động lực cho nhu cầu trung tâm dữ liệu, với tốc độ tăng trưởng 15-20% mỗi năm.
Các công nghệ đột phá đang định hình lại nhiều ngành công nghiệp, từ điện toán đám mây và dữ liệu lớn cho đến AI, blockchain. Trong tương lai, những công nghệ như điện toán lượng tử và giao thông thế hệ mới sẽ tiếp tục tạo ra những bước đột phá. Việc tận dụng hiệu quả các đổi mới này sẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy làn sóng tăng trưởng tiếp theo.
Bà Sangeeta Gupta, Phó Chủ tịch cấp cao của Nasscom, nhấn mạnh: “Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ phụ thuộc vào việc phát triển hạ tầng, thu hẹp khoảng cách kỹ năng và thúc đẩy đổi mới thông qua công nghệ và hợp tác toàn cầu”.
Theo bà, bằng cách đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số, giao thông, nâng cao năng lực sản xuất trong nước và đẩy mạnh nghiên cứu & phát triển (R&D), Ấn Độ có thể vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ và thương mại toàn cầu. Một chiến lược đa hướng dựa trên công nghệ sẽ là chìa khóa để đạt được tăng trưởng toàn diện và bền vững.
Đầu tư ‘khủng’ xây đế chế xe điện tại Ấn Độ, VinFast đang toan tính điều gì?
Trung Quốc quyết chặn Apple, BYD chuyển hướng sang Ấn Độ và Đông Nam Á, Việt Nam có bị ảnh hưởng?