Lộ diện tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất Việt Nam
Thu nhập bình quân 1 người/tháng ở khu vực thành thị đạt 6,26 triệu đồng, cao gấp gần 1,5 lần khu vực nông thôn (4,17 triệu đồng).
Theo báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê, chương trình điều tra thống kê quốc gia được thực hiện nhằm mục đích thu thập thông tin làm căn cứ đánh giá mức sống, đánh giá tình trạng nghèo đói và phân hóa giàu nghèo, giám sát và đánh giá một số chương trình mục tiêu quốc gia.
Khảo sát mức sống dân cư năm 2023 được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Đáng nói, Hà Giang là địa phương có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước với 2,06 triệu đồng. Trong top 10 thấp nhất còn có Cao Bằng: 2,35 triệu đồng, Bắc Kạn: 2,34 triệu đồng, Điện Biên: 2,08 triệu đồng, Lai Châu: 2,21 triệu đồng, Sơn La: 2,14 triệu đồng, Gia Lai: 2,56 triệu đồng, Lào Cai: 2,88 triệu đồng, Yên Bái: 2,84 triệu đồng, Lạng Sơn: 2,7 triệu đồng.
Thu nhập bình quân 1 người/tháng cao nhất ở nước ta là tại Bình Dương với đạt gần 8,3 triệu đồng, thấp nhất là Điện Biên với gần 2,2 triệu đồng.
Tại Việt Nam, nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số có thu nhập cao nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân 1 người/ tháng đạt 10,86 triệu đồng cao gấp 7,5 lần so với nhóm hộ có thu nhập thấp nhất (nhóm gồm 20% dân số có thu nhập thấp nhất - nhóm 1) với thu nhập bình quân đạt 1,45 triệu đồng/người/tháng.
Trên bình diện chung, thu nhập bình quân 1 người/tháng năm 2023 ở khu vực thành thị đạt 6,26 triệu đồng, cao gấp gần 1,5 lần khu vực nông thôn (4,17 triệu đồng).
>> 'Giấc mơ' một thập kỷ tăng trưởng 2 con số của tỉnh giàu miền Bắc sắp thành hiện thực
Trong năm 2023, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân 1 người/tháng cao nhất (6,52 triệu đồng). Vùng có thu nhập bình quân 1 người/tháng thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc (3,44 triệu đồng). Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung xếp 4/6 vùng với mức thu nhập bình quân 1 người/tháng đạt hơn 4,26 triệu đồng.
Theo Tổng Cục thống kê, cơ cấu thu nhập đang chuyển dịch theo hướng ngày càng tiến bộ hơn. Các khoản thu từ tiền công, tiền lương vẫn giữ tỷ trọng cao trong thu nhập của dân cư, tăng từ 51,1% năm 2018 và duy trì ở mức trên 55% trong các năm từ 2020 đến 2023. Ngược lại, tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng ngày càng giảm, từ 13,3% năm 2018 xuống còn 10,2% năm 2023.
Năm 2023, nhân khẩu bình quân 1 hộ là 3,6 người, số người trong độ tuổi lao động bình quân 1 hộ là 2,1 người.
Hà Giang là tỉnh miền núi vùng cao cực Bắc của Tổ quốc, có diện tích đất tự nhiên là 7.929,48 km2, cách Hà Nội 318km theo đường bộ. Phía Bắc tỉnh Hà Giang giáp với tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với trên 277km đường biên giới; phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng; phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang; phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Lào Cai và Yên Bái.
90% diện tích Hà Giang là đồi núi. Hiện nay, tỉnh Hà Giang có 11 đơn vị hành chính (thành phố Hà Giàng và 10 huyện: Bắc Mê, Bắc Quang, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Quản Bạ, Quang Bình, Vị Xuyên, Xí Mần, Yên Minh). Dân số hơn 80 vạn người, với 19 dân tộc anh em chung sống.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 3,07%. Trong đó, khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%; khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 1,93%; khu vực dịch vụ tăng 6,06%. So sánh với cả nước, tỉnh Hà Giang xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố; so với 14 tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc, tỉnh Hà Giang xếp thứ 10/14 tỉnh trong khu vực.
Đặc biệt, lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt trên 3 triệu lượt người với doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt hơn 2.485 tỷ đồng, tăng hơn 35% so với năm 2022; tỷ lệ nghèo và cận nghèo đa chiều toàn tỉnh còn 42,74 %, giảm 7,21% so với năm 2022…
Bình Định 'ngỏ ý' mời doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư trung tâm dữ liệu hơn 46ha
Hải Dương 'cất dành' gần 27.000 tỷ đồng cho đầu tư công năm 2025