Lộ diện top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới, quốc gia Đông Nam Á đứng số 1
Báo cáo mới nhất cho thấy thị hiếu của giới siêu giàu đang thay đổi, giữa lúc thị trường hàng cao cấp bước vào thời kỳ điều chỉnh sau giai đoạn bùng nổ.
Singapore tiếp tục giữ vững vị trí thành phố đắt đỏ nhất thế giới cho lối sống xa xỉ trong năm thứ 3 liên tiếp, trong khi London (Anh) vượt qua Hồng Kông (Trung Quốc) để vươn lên vị trí thứ 2.
Theo báo cáo “Lối sống và sự giàu có toàn cầu” của tập đoàn quản lý tài sản Julius Baer (Thụy Sĩ), các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Monaco và Zurich (Thụy Sĩ). Thượng Hải (Trung Quốc) – thành phố từng dẫn đầu bảng xếp hạng năm 2022 – tụt 2 hạng xuống vị trí thứ 6.
Lần đầu tiên kể từ khi khảo sát bắt đầu vào năm 2020, giá trung bình của các mặt hàng xa xỉ trong khảo sát của Julius Baer đã giảm 2%. Ngân hàng Thụy Sĩ mô tả đây là điều “hiếm thấy” bởi lẽ trong lịch sử, giá tiêu dùng hàng cao cấp thường tăng nhanh gấp đôi mức trung bình.

Ông Christian Gattiker, Giám đốc nghiên cứu của Julius Baer, nhận định: “Trong bối cảnh bất ổn, căng thẳng thương mại và các hàng rào thuế quan gia tăng, kết quả năm nay có thể xem là khoảnh khắc cuối cùng ‘trước khi’ tình hình thay đổi”. Báo cáo năm sau, theo ông, nhiều khả năng sẽ đem đến một góc nhìn “hậu” thú vị.
Giữa thế giới ngày càng khó đoán, Singapore được đánh giá cao nhờ môi trường ổn định và an toàn. Trong khi đó, tại Hồng Kông, chương trình đầu tư đổi lấy quyền cư trú mới đã thu hút sự quan tâm lớn từ giới giàu có. Giá phòng suite khách sạn tại Singapore tăng 10,3% trong khi ở Hồng Kông lại giảm 26,1%.
Tại London, mức học phí tư thục tăng 26,6% sau những thay đổi trong chính sách và giá vé máy bay hạng thương gia tăng gần 30% đã góp phần đẩy thành phố này lên cao trong bảng xếp hạng. Tuy nhiên, sức hút của London với giới tài phiệt đã có phần “chao đảo” sau khi Anh bãi bỏ quy chế cư trú không định cư (non-dom).
Điều này tạo cơ hội cho các thành phố như Dubai, Milan và Zurich thu hút nhóm khách hàng giàu có đang cân nhắc rời Anh.
Dubai tăng 5 bậc lên vị trí thứ 7 và hiện là “đối thủ đáng gờm” của các trung tâm tài sản truyền thống như London, Monaco và Zurich. “Làn sóng triệu phú đổ về Dubai bắt đầu từ đại dịch và được dự báo sẽ còn tiếp diễn”, báo cáo nêu.
New York giữ vị trí thứ 8 và là đại diện duy nhất của châu Mỹ trong top 10. Còn São Paulo và Mexico City ghi nhận mức tụt hạng mạnh nhất, lần lượt rơi xuống vị trí 16 và 21.
Julius Baer nhận xét rằng ngành hàng xa xỉ đang đối mặt với giai đoạn “chững lại” sau một thời kỳ mua sắm bùng nổ, trong bối cảnh lãi suất cao, tăng trưởng kinh tế chậm lại và nguy cơ chiến tranh thương mại. Nhóm sản phẩm công nghệ là tác nhân chính khiến giá giảm. Ngược lại, vé máy bay hạng thương gia vẫn đi ngược xu hướng khi tăng hơn 18%.
Chỉ số phong cách sống của Julius Baer xếp hạng 25 thành phố dựa trên các yếu tố như bất động sản cao cấp, ô tô, vé máy bay hạng thương gia, học phí, bữa tối thượng hạng và nhiều mặt hàng xa xỉ khác. Khảo sát được thực hiện từ tháng 2 đến tháng 3/2025, nhắm đến nhóm khách hàng có tài sản đầu tư từ 1 triệu USD trở lên.