Lộ trình di chuyển đến siêu nhà ga nội địa gần 11.000 tỷ lớn nhất Việt Nam
Các du khách bay nội địa của Vietnam Airlines và Vietjet Air cần lưu ý đường đi, theo dõi lịch trình để tránh trễ chuyến sau khi nhà ga T3 chính thức đi vào hoạt động.
Nhà ga nội địa lớn nhất Việt Nam
Hôm nay ngày 17/4, nhà ga T3 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã chính thức mở cửa đón chuyến bay thương mại đầu tiên.
Theo thiết kế, đây là nhà ga phục vụ khách nội địa lớn nhất Việt Nam với công suất 20 triệu hành khách mỗi năm.
Nhà ga T3 có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, do Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, được thiết kế nằm cạnh ga T1 với mặt trước hướng ra đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa.
Sau khi đi vào hoạt động, nhà ga T3 sẽ khai thác các chuyến bay nội địa của 2 hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines và Vietjet Air.
>> Nếu sáp nhập, tỉnh giàu bậc nhất Việt Nam sẽ nằm trong nhóm quy mô dân số lớn nhất cả nước

Những hãng khác gồm: Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Pacific Airlines và VASCO vẫn vận chuyển khách đến và đi tại ga T1.
Theo thiết kế, lấy cảm hứng từ tà áo dài Việt Nam, phần mái của nhà ga T3 có hình mái cong, được kéo dài từ ga đến vườn trung tâm khu phức hợp thương mại văn phòng.
Nhà ga gồm 4 tầng nổi và một tầng hầm, được xây dựng trên tổng diện tích sàn 112.500m2 bao gồm 4 hạng mục chính: Nhà ga hành khách,nhà xe cao tầng tích hợp dịch vụ phi hàng không, hệ thống cầu cạn và sân đỗ máy bay.
Ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất có 25 cửa kiểm soát an ninh với vách ngăn kín và 90 quầy làm thủ tục truyền thống, 20 quầy tự động thả hành lý (bagdrop) và 42 ki-ốt check-in. Khu xử lý hành lý gồm 6 đảo gửi hành lý đi và 10 đảo nhận hành lý đến.
Hướng di chuyển đến nhà ga T3
Để tránh tình trạng đến nhầm nhà ga khi di chuyển ra sân bay, hành khách cần phân biệt rõ giữa các nhà ga hiện hữu (T1) và nhà ga mới (T3). Dưới đây là hướng dẫn chi tiết các tuyến đường thuận tiện dẫn vào Nhà ga T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dựa theo từng khu vực xuất phát tại TP. HCM:
Từ Nhà ga T1 (nội địa hiện tại)
Hành khách di chuyển thẳng theo đường Trường Sơn, sau đó rẽ phải vào đường Phan Thúc Duyện để tiếp cận Nhà ga T3.

Từ trung tâm TP. HCM
Xuất phát từ khu vực Quận 1, hành khách đi theo trục Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi, vượt qua Công viên Hoàng Văn Thụ, sau đó rẽ vào tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn để đến Nhà ga T3.
Từ phía Đông thành phố (TP. Thủ Đức)
Di chuyển theo trục Phạm Văn Đồng, nhập vào đường Trường Sơn, sau đó tiếp tục đi vào tuyến nối Trần Quốc Hoàn, đến khu vực ga.
Từ phía Tây và Nam TP. HCM
Hành khách từ khu vực An Sương, Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh có thể đi theo trục Cộng Hòa, rồi rẽ vào tuyến nối Trần Quốc Hoàn để vào Nhà ga T3.
Từ đường Trường Chinh
Người đi đường Trường Chinh có hai phương án:
Rẽ vào đường Cộng Hòa, sau đó tiếp cận tuyến nối Trần Quốc Hoàn.
Hoặc sử dụng đường Hoàng Hoa Thám mở rộng hoặc đường 18E để đến thẳng khu vực ga mới.
Phương tiện di chuyển và lưu ý khác
Du khách có thể tiếp cận Nhà ga T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thông qua nhiều phương tiện di chuyển khác nhau. Hiện nay, sân bay đã triển khai hệ thống xe điện trung chuyển giữa các nhà ga với tần suất khoảng 20 phút/chuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách di chuyển từ ga T1 hoặc T2 sang T3.
Bên cạnh đó, hành khách có thể lựa chọn phương tiện cá nhân, xe công nghệ, taxi truyền thống hoặc các tuyến xe buýt công cộng như 109, 152, 72-1 và 103 để đến khu vực nhà ga.
Trong số này, tuyến buýt 109 được đánh giá là lựa chọn phổ biến và có điểm dừng gần Nhà ga T3, phù hợp với nhu cầu di chuyển tiết kiệm và ổn định.
Đối với người sử dụng phương tiện cá nhân, bãi gửi xe hiện được bố trí gần Nhà ga T1, sau đó hành khách tiếp tục di chuyển bằng xe điện trung chuyển đến T3.
Nhằm tránh nhầm lẫn và tiết kiệm thời gian, hành khách nên chủ động theo dõi các bảng chỉ dẫn tại sân bay cũng như sử dụng ứng dụng đặt xe công nghệ nhằm xác định đúng vị trí đón – trả khách theo từng nhà ga cụ thể.

Đặc biệt, đối với các chuyến bay khởi hành từ ga T3, du khách nên nghiên cứu trước bản đồ và sơ đồ phân luồng ga để xây dựng lộ trình di chuyển phù hợp, nhất là trong khung giờ cao điểm.
Trường hợp đến nhầm nhà ga, hành khách có thể liên hệ nhân viên sân bay để được hỗ trợ hoặc nhanh chóng đặt xe công nghệ di chuyển sang T3 kịp thời.
Để đảm bảo quá trình làm thủ tục và kiểm tra an ninh diễn ra suôn sẻ, hành khách được khuyến nghị đến sân bay trước giờ khởi hành ít nhất 2 giờ, đồng thời chủ động theo dõi thông tin chuyến bay, thời gian đóng cổng và điểm làm thủ tục nhằm hạn chế tối đa những sự cố phát sinh vào phút chót.
Theo thông tin từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nhà ga T3 hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện, với chuyến bay thương mại đầu tiên được khai thác vào ngày 17/4 bởi hãng Vietnam Airlines trên chặng TP. HCM – Vân Đồn. Dự kiến toàn bộ nhà ga sẽ chính thức đi vào khai thác trước ngày 30/4, đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.
Trung tâm thương mại Aeon Mall hơn 6.000 tỷ tại tỉnh giàu có bậc nhất Việt Nam đón tin vui
Nửa tháng nữa, sân bay duy nhất tại Việt Nam chỉ khai thác 1 chặng sẽ được 'lên đời'