Quả của loại cây này còn được dùng để bày cúng, dâng bàn thờ gia tiên ngày Tết.
Phật thủ có tên khoa học là Citrusmedica var. sarcodactylis; là giống cây ăn quả thuộc chi Cam chanh. Tên gọi của loài cây này xuất phát từ hình dáng của quả giống bàn tay Phật.
Phật thủ phân bố tự nhiên ở các nước Trung Quốc và Nhật Bản, là giống cây bản địa ở quốc gia này. Ngày nay, phật thủ cũng được trồng nhiều ở nước ta.
Cây phật thủ thuộc loại thân gỗ, dạng bán bụi, cây cao khoảng 1-2m, phân cành nhiều, cành mềm mọc ngang là trên mặt đất. Trên thân có nhiều gai ngắn, nhọn. Lá phật thủ hình trứng hay hình oval to trung bình, lá non có màu tím hồng (màu của sắc tố antoxian). Hoa phất thủ mọc thành từng chùm, có màu trắng.
Quả phật thủ khi non có màu xanh, chín dần ngả màu vàng. Tinh dầu phật thủ thơm tương tự vỏ bưởi. Phật thủ ngoài để thắp hương cũng là một vị thuốc. Đặt phật thủ trong nhà sẽ thấy hương thơm thư giãn, thanh tao. Quả phật thủ thường được bày trên mâm ngũ quả vào ngày Tết hoặc đặt trên bàn thờ để thắp hương tổ tiên, được đặt ở vị trí chính giữa và cao nhất trong mâm ngũ quả.
Theo quan niệm phong thủy, phật thủ mang lại may mắn, bình an tốt lành, mang tài lộc, được thần Phật gia hộ, trừ tà. Cây cảnh phật thủ được xem như là biểu tượng của bàn tay Phật, ôm ấp và bảo bọc, mang lại may mắn, thuận lợi.
Với ý nghĩa tốt lành, cây phật thủ có thể trồng ở trước nhà, ban công hoặc trưng bày trong nhà. Việc trưng bày, trồng phật thủ trong nhà với ý nghĩa hướng tới tâm Phật, thờ tượng Phật, lưu giữ thần Phật, tổ tiên trong nhà lâu hơn để phù hộ cho gia đình nhiều may mắn, an lành và no ấm.
Theo Đông y, phật thủ vị cay, đắng, chua, tính ấm, có tác dụng chỉ thống, hóa đàm, dùng chữa các chứng ăn không tiêu, đầy bụng, đau dạ dày, đau gan, cổ họng nghẹn tắc, ngực tức đầy, mạng sườn trướng đau… Các nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, phật thủ có tác dụng giải trừ sự co thắt cơ trơn, hạ huyết áp, cắt cơn hen và tăng cường chức năng tiêu hóa.
Hoa phật thủ có mùi thơm và quả không có nước, không có ruột mà chỉ có phần lõi xốp bên trong. Vì vậy mà không ăn được, nhưng có thể dùng để làm nguyên liệu chế biến các món ăn bổ dưỡng và dùng làm các bài thuốc quý. Ngoài ra, quả phật thủ dùng để ngâm rượu giúp hỗ trợ chữa trị các bệnh như đau bụng kinh, chữa ho đờm và viêm phế quản; cháo quả phật thủ giúp hỗ trợ chữa chứng ho do sốt,...
Phật thủ chậu có thể trưng trong nhà chơi dịp Tết. Sau mùa Tết, nên mang cây ra ngoài trồng để cây phát triển.
>> 5 loại cây cảnh trồng trong nhà vừa đẹp lại giúp thanh lọc không khí, tốt cho sức khoẻ