Loại gỗ 'kim cương của núi rừng' giá lên đến 50 tỷ đồng ở Việt Nam
Đây là loại gỗ quý hiếm, có giá thành "đắt xắt ra miếng" nên không phải ai cũng có thể sở hữu.
Loại gỗ quý hiếm không kém trầm hương
Các loại gỗ đắt đỏ, quý hiếm luôn được nhiều người quan tâm. Trong đó, gỗ kỳ nam cũng là loại được nhiều người săn lùng, nhất là các đại gia. Theo thông tin trong sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS Đỗ Tất Lợi, loại gỗ này có tên khoa học là Aquilaria agallocha Roxb., được không ít người biết đến vì sự quý hiếm cũng như giá trị cao.
Gỗ kỳ nam thường được nhắc tới cùng với trầm hương. Cả 2 đều vô cùng quý hiếm, đắt đỏ và có điểm chung là sinh ra từ những cây dó bầu. Đây là những sản phẩm đặc biệt nằm trong lõi của loại cây này, mang đến nhiều công dụng khác nhau.
Những cây dó bầu bị thương mới có khả năng sản sinh ra trầm hương và kỳ nam. Lúc này, cây dó bầu sẽ phải tự tiết ra nhựa để bảo vệ mình, nhựa đó chính là trầm và kỳ. Khi quan sát bằng kính lúp, người ta sẽ phát hiện ra phần gỗ đã bị thoái hóa, mất đi mộc tố, chảy ra phần nhựa thơm. Không chỉ vậy, chúng còn xuất hiện những khối hình thể màu sậm, có rãnh dọc, lồi lõm không đều. Đó chính là sự xuất hiện của kỳ nam. Chúng ta không dễ dàng tìm thấy những cây dó bầu có sản sinh ra kỳ nam. Thậm chí, trong cả triệu cây dó bầu mới có thể tìm được 1 cây có kỳ nam. Điều này càng khiến loại gỗ này trở nên quý hiếm, tăng giá trị.
Người ta cũng có nhiều cách để phân biệt đâu là kỳ nam, đâu là trầm hương. Nếu như lượng tinh dầu đó đậm đặc thì gọi là kỳ nam, nhẹ hơn thì là trầm hương. Trong Phủ biên tạp lục cũng chỉ ra rằng: "Trầm hương thì cứng, nặng, ít thơm, sắc nhạt, vị đắng; kỳ nam thì mềm, nhẹ, có hơi dầu, thơm mát, vị gồm đủ cay, chua, ngọt, đắng; đốt trầm hương thì khói hết xoáy rồi sau mới tan, đốt kỳ nam thì hơi khói lên thẳng mà dài…". Nhìn chung, cơ chế hình thành của trầm hương và kỳ nam gần giống như nhau nên cần quan sát, tìm hiểu kỹ mới có thể phân biệt.
Loại gỗ quý như ngọc, như kim cương của núi rừng
Gỗ kỳ nam được coi như ngọc quý, như "kim cương của núi rừng". Chúng thường sản sinh ra từ các cây dó bầu trong rừng, thậm chí là những cây dó cổ thụ.
Ở Việt Nam, người ta cũng tìm ra kỳ nam ở nhiều địa phương khác nhau như Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Nha Trang. Theo lịch sử ghi chép, kỳ nam được tìm thấy ở Malaysia, Campuchia, Việt Nam và Trung Quốc nhưng kỳ nam Việt Nam được săn lùng nhiều nhất. Loại gỗ này có giá trị rất lớn ở thị trường Trung Quốc và nhiều nước khác. Thế nhưng hiện tại loại gỗ này đã trở nên khan hiếm ở cả Việt Nam nên không phải ai bỏ tiền ra cũng có thể mua được.
Theo Chủ tịch Hội Trầm hương tỉnh Khánh Hòa - ông Biện Quốc Dũng, kỳ nam được chia thành 4 loại khác nhau là nhất bạch, nhì thanh, tam huỳnh, tứ hắc. Một cây gỗ kỳ nam giá trị được đánh giá trên nhiều yếu tố khác nhau, nhất là lượng dầu trong cây gỗ, kích thước và khả năng chìm nổi. Trên thị trường, kỳ nam thường được bán theo trọng lượng. Một khúc gỗ kỳ nam khoảng 1kg được bán với giá chục tỷ đồng là chuyện thường thấy. Trong 4 loại kỳ nam, bạch kỳ nam có thời gian lên men khoảng 3.000 năm. Bởi vậy, không khó hiểu khi loại kỳ nam này có giá đắt nhất trong 4 loại trên thị trường. Giá gỗ bạch kỳ nam có thể lên tới 50 tỷ đồng/kg.
Kỳ nam còn được giới đại gia săn lùng vì tính ứng dụng cao trong đời sống. Chúng thường được dùng làm đồ trang sức, chế thành nước hoa hay điêu khắc thành tượng. Chúng còn mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời nên giá trị ngày càng tăng cao. Theo quan điểm của Đông y, kỳ nam mang đến tác dụng giảm đau, ôn trung, tráng dương nguyên, chữa tiêu chảy, thận hư hay bí tiểu tiện. Theo Tây y, đây lại là loại gỗ có tác dụng tuyệt vời trong việc giảm nhu động tự nhiên của đường ruột. Chúng cũng được coi là "vua của các loại hương liệu" vì mùi thơm đặc trưng, giữ được hương lâu dài.
>> Loại gỗ 'ngọc của núi' quý như kim cương giá lên đến gần 50 tỷ đồng ở Việt Nam
Loại gỗ 'thần mộc' 2.000 năm tuổi nguy cấp, quý hiếm được công nhận là Cây di sản Việt Nam
Loại gỗ hóa ngọc cứng gần như kim cương giá lên đến hơn 600 tỷ đồng ở Việt Nam