Loạt mặt bằng trên 'đất vàng' Đà Nẵng ế khách, bỏ trống nhiều tháng
Nhiều mặt bằng kinh doanh nằm ở những vị trí đắc địa, trung tâm của Đà Nẵng nhưng ế khách, bỏ trống nhiều tháng qua.
Không có khách thuê vì "hét" giá quá cao?
Ghi nhận của PV VietNamNet cho thấy, tại nhiều tuyến phố sầm uất, trung tâm của Đà Nẵng như Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, đường 2/9, Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Thọ, Hoàng Hoa Thám… xuất hiện nhan nhản biển cho thuê nhà. Dù treo biển đã lâu, nhiều mặt bằng vẫn trong tình trạng “cửa đóng then cài”.
Đường Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu, Đà Nẵng) là tuyến đường đắc địa, nối từ Sân bay quốc tế Đà Nẵng đến chân cầu Rồng. Mặt bằng cho thuê ở đây thuộc dạng đắt đỏ bậc nhất Đà Nẵng. Những căn mặt tiền 5m, đang cho thuê với giá khoảng 40-90 triệu đồng/tháng.
Còn những căn 9-20m giá cho thuê từ 100-350 triệu đồng, tương đương hàng tỷ đồng mỗi năm. Trước làn sóng trả mặt bằng kinh doanh diễn ra khắp nơi, mặt bằng ở đây cũng đang trong tình trạng bị bỏ trống bởi sự tháo chạy của nhiều thương hiệu thời trang, làm đẹp, trung tâm anh ngữ…
Tương tự, tại đường Lê Duẩn, tuyến phố kinh doanh thời trang số 1 ở Đà Nẵng, mặt bằng đóng cửa nhan nhản, có vị trí 4 căn liền kề nhau thì 3 căn cùng treo biển cho thuê. Những cửa hàng đang hoạt động đua nhau xả hàng, giảm giá sốc nhưng vắng khách.
Giá thuê tại đây khá cao, từ 30-300 triệu đồng/tháng tuỳ vị trí, diện tích. Ví dụ nhà 60m, 3 tầng giá 30 triệu/tháng; nhà 2 tầng, 171m2, giá 120 triệu đồng/tháng; nhà 4 tầng, 250m2, giá 200 triệu đồng/tháng…
Tình trạng mặt bằng ế ẩm cũng diễn ra tại đường 2/9 với hơn chục mặt bằng bỏ trống, cần cho thuê, giá dao động từ 100-220 triệu đồng/tháng.
Treo biển cho thuê khoảng vài tháng nay, chị Trang, chủ căn nhà 2 tầng, diện tích hơn 100m2 trên đường Nguyễn Văn Linh vẫn chưa tìm được khách thuê mới. Chị cho biết, căn nhà trước đây cho thuê kinh doanh thời trang, giá 45 triệu đồng/tháng. Chị vẫn đang rao với giá cũ nhưng nếu khách thiện chí, thuê ngay sẽ giảm 10 triệu xuống còn 35 triệu đồng/tháng. “Giá thuê này là sập sàn rồi, không thể giảm hơn được nữa”, chị Trang nói.
Anh Minh, cho thuê căn nhà trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) với giá 25 triệu/tháng. Trước đây, khách thuê buôn bán mỹ phẩm, nay chuyển đi nơi khác. Dù treo biển một thời gian, gửi cả môi giới nhưng anh cũng chưa tìm được khách thuê.
"Cũng có người trả 22 triệu/tháng nhưng bố mẹ tôi chưa đồng ý. Biết tình hình kinh tế khó khăn, gia đình tôi cũng có giảm nhưng chỉ giảm chút xíu thôi, chủ yếu hỗ trợ người thuê về phần cọc và thanh toán. Cụ thể, thay vì cọc 3 tháng, thanh toán 1 năm và ký dài hạn như trước thì nay có thể cọc 1 tháng, thanh toán 6 tháng, ký hợp đồng ít nhất là 2 năm", anh nói.
Chi phí không giảm, mặt bằng để cả năm không có khách thuê
Anh Quang Thanh, môi giới chuyên mặt bằng cho thuê, cho biết mặc dù để trống nhiều tháng, thậm chí cả năm trời nhưng nhiều chủ nhà không có ý định giảm giá hoặc nếu có giảm rất ít. Nhìn chung giá cho thuê vẫn neo cao.
Tại đường Nguyễn Văn Linh, anh đang tìm khách thuê cho hơn chục mặt bằng kinh doanh. Chẳng hạn, một căn nhà rộng 13,5m, diện tích 315m2, 5 tầng, chủ nhà đưa ra giá 240 triệu đồng/tháng, yêu cầu ký hợp đồng thuê 5-10 năm, thanh toán tiền 6 tháng/lần, cọc 3 tháng. Căn nhà này chào thuê gần nửa năm vẫn chưa có khách. Chủ nhà có thương lượng nhưng không nhiều, chỉ giảm khoảng 5-10 triệu đồng/tháng.
Cách đó không xa, mặt bằng khác có diện tích tương đương, 2 tầng, giá cho thuê 210 triệu/tháng, hợp đồng 5 năm. Dù mặt bằng bỏ trống gần 3 tháng nay nhưng vẫn không giảm giá.
Cũng trên tuyến đường này, mặt bằng có diện tích khoảng 450m2, gần cầu Rồng, chủ ra giá đúng 250 triệu/tháng, ký hợp đồng dài hạn, chỉ thương lượng cọc và thanh toán. Mặt bằng này trước do một chuỗi cà phê thuê và trả lại sau nhiều năm hoạt động. Theo môi giới, sau 2 tháng tìm khách vẫn chưa có ai chốt.
Hay như căn nhà 2 tầng, diện tích hơn 190m2 trên đường Lê Duẩn, chủ nhà rao cho thuê từ cuối năm 2023 đến nay chưa có khách thuê nhưng mức giá đưa ra vẫn không hề giảm, 140 triệu đồng/tháng.
Lý giải việc nhiều mặt bằng đắc địa nhưng ế khách, anh Thanh cho hay, nhu cầu khách tìm thuê vẫn có nhưng nhiều chủ nhà đưa ra giá quá cao, không thương lượng, không bớt một nghìn. Ngoài giá cho thuê còn kèm các điều khoản khác như trượt giá 10% sau 1-2 năm, phải ký hợp đồng dài hạn 5 năm, thậm chí 10 năm và các yêu cầu khác về cọc, thanh toán…
Ở những khu vực đắc địa, chủ mặt bằng hầu hết là những người có tài chính, có điều kiện nên rất khó thương lượng. Họ chấp nhận thà để trống mặt bằng chứ không hạ giá thuê.
"Chủ nhà thì muốn giá cao, trong khi người đi thuê cần cắt giảm chi phí mặt bằng trong thời buổi kinh doanh gặp khó. Đàm phán giữa chủ và khách không thành nên có những mặt bằng bỏ trống cả năm trời”, anh nói.
27 năm 'đắp chiếu', Làng Đại học Đà Nẵng bất ngờ 'hồi sinh' nhờ khu Đổi mới sáng tạo
Khu 'đất vàng' gần 10.000m2 tại TP. Đà Nẵng được đấu giá hai lần nhưng không có ai tham gia