Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) gạch tên nhà máy Ethanol lỗ gần 1.600 tỷ đồng khỏi báo cáo tài chính
Mới đây, báo cáo tài chính bán niên của Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) được kiểm toán soát xét đã hé lộ thông tin quan trọng về dự án Nhà máy Ethanol Dung Quất.
Theo đó, vào ngày 22/02/2024, Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF) đã nộp đơn lên Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi để mở thủ tục phá sản. Ngày 27/5/2024, Tòa án ban hành Quyết định số 01/2024/QĐ-MTTPS mở thủ tục phá sản đối với BSR-BF, chấm dứt quyền kiểm soát của Lọc Hóa dầu Bình Sơn tại BSR-BF.
Như vậy, kể từ quý II, BSR-BF không còn được hợp nhất vào báo cáo tài chính của BSR, báo cáo kiểm toán nêu rõ.
Nhà máy Ethanol Dung Quất, khởi công vào tháng 9/2009, do BSR-BF làm chủ đầu tư, có diện tích 24,62 ha với tổng mức đầu tư hơn 2.219 tỷ đồng. Theo công suất thiết kế, nhà máy có 4 phân xưởng gồm: phân xưởng chính (sản xuất Ethanol 99,7%), phân xưởng điện hơi (6,5 MW), phân xưởng phụ trợ và phân xưởng xử lý nước thải. Công suất thiết kế nhà máy 100 triệu lít/năm, bình quân mỗi ngày nhà máy sản xuất 330 tấn sản phẩm Ethanol.
BSR-BF là công ty con của BSR, với tỷ lệ sở hữu 65,54% tương ứng vốn đầu tư gốc hơn 205 tỷ đồng, tỷ lệ biểu quyết 61% (theo BCTC 2023).
Ngoài BSR, các cổ đông lớn khác của nhà máy Ethanol là Tổng Công ty Dầu Việt Nam góp 38,75% vốn điều lệ; Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí PETROSETCO góp 0,25% vốn điều lệ.
Tháng 2/2012, nhà máy sản xuất ra dòng ethanol đầu tiên. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa giá bán ethanol trên thị trường và giá thành sản xuất đã khiến nhà máy thua lỗ và phải đóng cửa từ tháng 4/2015.
Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từng có chủ trương cho chạy lại nhà máy, từ đó nghiệm thu, quyết toán công trình rồi mới tính tới thoái vốn. Theo đó, năm 2018, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, BSR-BF tiến hành hợp tác với Công ty Tocontap để nhận gia công ethanol từ nguyên liệu do Tocontap cung cấp.
Hợp đồng có thời hạn 10 năm, chia làm hai giai đoạn, với chi phí gia công là 3.000 đồng/lít. Tocontap cam kết tiêu thụ toàn bộ sản lượng trong 12 tháng đầu và hỗ trợ chi phí sửa chữa, đưa máy móc vào vận hành.
Mặc dù công tác sửa chữa, bảo dưỡng nhà máy hoàn tất vào tháng 10/2018, nhưng việc hợp tác này vẫn không thể giúp BSR-BF hồi sinh.
Phân xưởng chính Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất. Ảnh: nangluongvietnam |
Thua lỗ, không có dòng tiền, dự án Nhà máy Ethanol Dung Quất còn phải gánh lãi vay hàng trăm tỷ đồng từ các ngân hàng PVCombank, Vietcombank và Oceanbank. Đến năm 2016, dư nợ vay đầu tư của BSR-BF tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vào khoảng 1.000 tỷ đồng, tương ứng doanh nghiệp phải trả lãi khoảng 70 tỷ đồng mỗi năm.
Từ quý IV/2015, các khoản vay đã bị chuyển sang nợ nhóm 5, nhóm có nguy cơ mất vốn.
Năm 2021, các ngân hàng tài trợ tín dụng đã khởi kiện BSR-BF lên Tòa án Nhân dân TP. Quảng Ngãi về các khoản vay quá hạn và lãi vay. Đến ngày 26/9/2023, Tòa án nhân dân TP. Quảng Ngãi ban hành Bản án số 08/2023/KDTM-ST, buộc BSR-BF phải thanh toán cho các ngân hàng tổng cộng khoảng 58,7 triệu USD cùng 140,9 tỷ đồng, đồng thời tiếp tục trả lãi phát sinh theo thỏa thuận.
Tại ngày 31/12/2023, nợ ngắn hạn của BSR-BF vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 1.532 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.588 tỷ đồng, nợ quá hạn thanh toán 1.567 tỷ đồng. BSR-BF thiếu hụt trầm trọng vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Theo báo cáo tài chính của BSR, tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng giá trị nợ gốc và lãi vay của BSR-BF khoảng 1.572,4 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn là 1.567 tỷ đồng. Tài sản thế chấp để đảm bảo khoản vay bao gồm toàn bộ nhà cửa, vật kiến trúc và thiết bị máy móc tại nhà máy, với giá trị còn lại khoảng 1.074,6 tỷ đồng.
Sự kiện phá sản của BSR-BF chính thức kết thúc một dự án từng được kỳ vọng sẽ mang lại bước đột phá cho ngành nhiên liệu sinh học Việt Nam. Dự án gây thiệt hại tài chính lớn và là một trong số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của ngành Công Thương, rơi vào diện phải cơ cấu lại nhiều năm qua.
>> Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tìm hiểu cơ hội đầu tư vào năng lượng tái tạo